Năm 2011, Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh thực hiện cuộc điều tra về trình độ học vấn tại từng gia đình thuộc các xã: Thạnh An, Thạnh Thắng và thị trấn Thạnh An của huyện. Kết quả cho thấy, số sinh viên Công giáo đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng là 1.684 em/35.216 giáo dân, đạt tỷ lệ 4,78 % dân số. Cá biệt có xứ đạo đạt 8% đến 11% như xứ đạo Thánh Tâm, ấp B2 xã Thạnh Lợi, xứ đạo Thánh Gia, ấp Thầy Ký thuộc thị trấn Thạnh An. Đây là một tỷ lệ cao so với tỷ lệ sinh viên bình quân của cả nước hiện nay là 1,9% dân số, và cao hơn tỷ lệ sinh viên so với định hướng đến năm 2020 của nước ta là nước công nghiệp sẽ có 450 sinh viên/10.000 dân (chiếm 4,5% dân số). Số người đã tốt nghiệp từ trung học chuyên nghiệp trở lên có 3.733 người, đạt tỷ lệ 10.065% dân số. Học sinh cấp 1 có 3.250 em ; cấp 2 có 3.130 em; cấp 3 là 2.880 em. Trong số 8 em của huyện đang học tại Nhật Bản theo chương trình du học của Trung tâm Nâng cao dân trí Việt Nam do Hội Khuyến học Trung ương tổ chức thì đã có 7 em là người Công giáo.
Điều tra năm 2010 cho thấy, tại họ đạo Thánh Gia thuộc ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An có 2.261 khẩu thì có 243 sinh viên đang theo học ở các trương đại học, cao đẳng, tỷ lệ 10,74%; số sinh viên đã tốt nghiệp là 185 em( 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 1 luật sư, 6 bác sĩ, 42 kỹ sư, 72 giáo viên, 56 tốt nghiệp cao đẳng). Trong đó có những gia đình rất tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Đàm, đi làm mướn nuôi 7 con tốt nghiệp đại học; gia đình ông Nguyễn Văn Rợp canh tác 10 công ruộng nuôi 6 con tốt nghiệp đại học ; gia đình ông Đặng Van Hợi, gia đình ông Nguyễn Văn Hưởng đều bán nhà nuôi con ăn học đến nơi đến chốn… Họ đạo đền thánh Giuse An Bình- xã Thạnh Tiến từ 7 năm qua , hàng năm đã trợ giúp học bổng cho 20 sinh viên, 60 học sinh trung học, 80 học sinh tiểu học không phân biệt lương, giáo.
Người dân Vĩnh Thạnh nhận thức, sau mỗi biến đổi, cái còn lại không phải là vật chất, là nhà cửa, là ruộng vườn mà là con người trí tuệ. Mà muốn có trí tuệ thì không có con đường nào khác là phải học hành. Chính vì thế họ coi trọng sự học, kính trọng người có học thức, có đạo đức. Dù cha mẹ nghèo khó, họ sẵn sàng bán đất, bán vườn để cho con em được học tới nơi tới chốn. Các linh mục đã chỉ dẫn và vận động giáo dân thực hiện khuyến học, khuyến tài và khuyến đức (học làm người), góp phần quan trọng vào kết quả: 34 họ đạo đều đạt danh hiệu giáo xứ ba không (không mại dâm, không xì ke ma túy, không tội phạm); nhiều họ đạo đạt danh hiệu 5 không, 6 không (không vi phạm giao thông,không tội phạm, không bỏ học…). Trong 10 năm qua, một số linh mục đã âm thầm giúp cho hàng trăm học sinh với số tiền lên đến bạc tỷ để các em được tiếp tục tới trường; có linh mục cộng tác với địa phương thành lập Trung tâm Học tập Cộng đồng và cư xá cho học sinh. Hội đồng mục vụ của mỗi họ đạo cũng có những người rất nhiệt tình, hy sinh thời gian, tiền bạc, sức khỏe để phục vụ cho công ích, cho công tác khuyến học, khuyến tài của giáo xứ.
Lại Văn Miễn