Với diện tích đất nông nghiệp 1,2 sào/ người, lại nằm ở vùng ven thành phố, nên khi khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) đi vào hoạt động, thanh niên làng rủ nhau đi làm xí nghiệp, đồng ruộng chỉ còn là công việc của những người trung niên và người già. Không qua trường đào tạo, nên những anh nông dân đi làm công nhân chỉ có được đồng lương ít ỏi nhưng họ vẫn hứng khởi. Hứng khởi bởi trước đây gần như chỉ trông vào vài sào ruộng, nay ruộng vẫn còn đó, đi làm xí nghiệp mỗi năm cũng tích cóp được chục triệu làm vốn, sửa sang nhà cửa… Những người ở nhà qua các phương tiện truyền thông, họ kịp thời nắm bắt được những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều người chăn nuôi theo quy mô trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đồng thời đi làm công nhân ở các nhà máy đã tạo ra thu nhập kép cho các gia đình, góp phần làm khởi sắc bộ mặt kinh tế ở xứ đạo. Tỷ lệ hộ khá tăng nhanh, số hộ nghèo chủ yếu rơi vào những người neo đơn, bệnh tật. Hiện ở họ sở tại chỉ còn 3 hộ nghèo do bệnh tật, góa bụa. Số hộ giàu còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn nhưng điều đáng mừng là mặt bằng kinh tế nói chung của toàn giáo xứ đã khá hơn rất nhiều so với thời kỳ thuần nông. Đường làng được trải bê tông, khuôn viên nhà thờ tu sửa khang trang sạch đẹpvới đường rước kiệu, hàng cây cảnh, hang đá Be lem…
Tuy nhiên quá trình công nghiệp hóa cũng tác động nhiều tới nền nếp sinh hoạt tôn giáo và thiết chế làng xã. Ông Trần Văn Thể nhiều năm làm Chánh trương giáo xứ cho biết, nhiều thánh lễ, giờ nguyện kinh ở nhà thờ chỉ có người già và trẻ em tham dự, bởi thanh niên còn mải đi làm xí nghiệp, một số bị cuốn hút bởi cuộc sống nơi phố thị nên sao nhãng giờ kinh truyền thống. Theo lời ông Thể, 10 năm trước, sau hồi chuông ngân, người già, người trẻ, nam thanh, nữ tú tới nhà thờ rất đông. Hồi đó, ban ngày, các gia đình đi làm đồng áng, tối đến đi nhà thờ, cứ thế năm này qua năm khác, ngày nào cũng gặp nhau thân như người trong nhà, ngày lễ trọng mọi người nô nhau chuẩn bị…
Trong tâm tư đó vẫn có điều đáng mừng mà ông Thể tự hào. Đó là cùng với sự đi lên về kinh tế, sự giao lưu hội nhập với bên ngoài, cha xứ và các gia đình đã chú trọng tới việc chăm lo học hành cho con em. Trại Mới cùng với một số giáo xứ khác thường tổ chức trại hè, tết trung thu cho các em học sinh, qua đó khích lệ các em phấn đấu học hành và yêu thương nhau. Tại hội trại, các em đã khẳng định tầm quan trọng của tri thức qua các khẩu ngữ như: “Tuổi trẻ là hành trang/ Tri thức là sức mạnh”. Hội trại năm 2011, giáo xứ Trại mới có 47 em học sinh giỏi, 42 em học sinh tiên tiến được giáo xứ khen thưởng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được giáo xứ tích cực hưởng ứng. Trong xứ không có tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật nghiêm trọng, các đôi vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã ý thức và thực hiện sinh sản có trách nhiệm; đám cưới tổ chức văn minh tiết kiệm, không ăn cỗ đám ma. Hàng năm vào dịp lễ Phục sinh, Ban hành giáo thường đến thăm hỏi và tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả những gia đình không cùng tôn giáo… Đó là những nét đẹp, những kết quả tích cực đáng được nhân lên cùng với sự quan tâm củng cố của cha xứ trong các sinh hoạt tôn giáo để Trại Mới vừa hội nhập vừa giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa tâm linh trong đời sống đạo.