Gương điển hình

Niềm vui Sơn Lãng

Cập nhật lúc 14:13 25/04/2012

Đồng hành cùng đất nước

Nhà thờ chính xứ Sơn Lãng nằm tại thôn Công giáo toàn tòng Miêng Thượng khánh thành năm 1908. Năm 2008, giáo xứ đã long trọng mở năm thánh mừng ngôi thánh đường tròn 100 năm tuổi và ngày 1 tháng 5 này, con dân Sơn Lãng lại quy tụ về quê hương mừng lễ thánh Giu se quan thầy giáo xứ. Hơn một thế kỷ trôi qua, mỗi lần mừng lễ quan thầy, 2250 giáo dân Sơn Lãng lại trào dâng niềm tự hào về ngôi giáo đường uy nghiêm như một hiện chứng về những thăng trầm của lịch sử. Từ xa, tháp giáo đường vươn cao là một điểm nhấn trong bức tranh miền quê. Những ngày lễ lớn, cả 3 quả chuông, quả to 500 kg, hai quả nhỏ mỗi quả 150kg cùng hòa âm như mời gọi mọi người tìm đến nhà Chúa, tiếng chuông ngân cũng khiến lòng người xao động nhớ về những tháng năm xa xưa ở Sơn Lãng- những tháng năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Theo các sử liệu, thì khoảng 30 năm đầu thế kỷ 20 được coi là giai đoạn phát triển nhất của Sơn Lãng. Sau khi hoàn thiện ngôi thánh đường Sơn Lãng (năm 1908), nhiều cơ sở thờ tự khác trong xứ cũng được kiến thiết như đền thánh An tôn, đền thánh giá, đền thánh tử đạo Nguyễn Khắc Cần, dãy nhà xứ…  Sinh hoạt tôn giáo thời đó rất sốt sáng và nề nếp. Dù nắng hay mưa gió, giáo dân vẫn đi bộ đến nhà thờ nguyện kinh, tham dự thánh lễ.  Cha xứ là người có uy tín, tiếng nói của cha có ảnh hưởng lớn đối với giáo dân. Các bài giảng lễ của cha xứ vừa sâu sắc về giáo lý, vừa sát với thực tế, do đó giáo dân dễ hiểu, dễ thực hiện trong đời sống đạo- đời.

 

Đất nước kháng chiến, rồi bị chia cắt làm hai miền, giáo dân Sơn Lãng kẻ ở lại, người vào Nam. Những người ở lại được chính quyền giải thích nên dần ổn định tư tưởng, tập trung làm ăn. Người vào Nam vẫn ngong ngóng về quê nhà. Phong trào xây dựng hợp tác xã khi đó được người Công giáo hưởng ứng theo đường hướng “Kính Chúa yêu nước”. Giáo dân đóng góp sức người, sức của cùng cả nước kháng chiến, giải phóng miền Nam. Nhiều gia đình Công giáo Sơn Lãng được ghi công trong kháng chiến. Những người cao niên ở Sơn Lãng chẳng thể quên  ngày 30/1/1974, ngày mà đế cuộc Mỹ điên cuồng dội bom xuống khu vực nhà thờ, khiến nhiều nhà dân bị phá hủy, nhưng thật lạ là nhà thờ Sơn Lãng vẫn nguyên vẹn dù bom rơi chỉ cách đó chừng 20 mét. Giữa thời bom đạn mà nhà thờ buổi tối vẫn bền bĩ tiếng kinh, vẫn vọng tiếng thánh ca. Khi ngày mới bắt đầu, người người lại hăng say lao động, cùng nhân dân miền Bắc đất nước làm hậu phương vững chắc cho miền Nam tiền tuyến.

 

Trải qua các thăng trầm của đất nước, đến năm thánh 2008, Sơn Lãng như bừng sáng khi khai mạc năm thánh. Con em khắp nơi đổ về viếng nhà thờ lĩnh ơn toàn xá và chung vui cùng giáo xứ. Nhiều người sau những năm xa cách, nay trở về quê hương không dấu nổi cảm xúc vui mừng trước những đổi thay của xứ đạo: Nhiều nhà mới khang trang đầy đủ tiện nghi, đường làng rải nhựa, tráng bê tông đi lại rất thuận tiện, con em học hành tiến tới,  …. Trong niềm vui xứ đạo đón nhận hồng ân, Miêng Thượng- thôn Công giáo toàn tòng cũng vinh dự đón nhận danh hiệu Làng văn  hoá. Trong niềm vui nhân cả đạo, cả đời, cha xứ khẳng định, Đạo cũng phải tiến kịp với xã hội và đồng hành cùng dân tộc.

 

Điểm sáng về xây dựng làng văn hóa.

 

Là vùng đất trũng thuần nông, trước đây, đời sống giáo dân ở Sơn Lãng rất khó khăn, năng suất lúa chỉ đạt dưới 100kg/sào, hộ nghèo chiếm tới 50%. Từ khi thực hiện dồn điền đổi thửa, các hộ nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế tăng nhiều lần. Hiện nay, nhiều hộ đang đẩy mạnh sản xuất lúa hàng hóa với hai nhóm lúa chính là lúa thơm và lúa lai. Năng suất bình quân của giống lúa thơm đạt từ 5,5 đến 6,3 tấn/ha, thấp hơn so với lúa thuần và lúa lai nhưng bù lại giá bán cao hơn từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/tạ thóc. Nhiều hộ  làm trang trại theo mô hình đa canh hoặc làm dịch vụ buôn bán, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Bên cạnh chuyển đổi trong nông nghiệp, giáo dân Sơn Lãng còn mở mang các nghề phụ như dệt thảm, làm đệm, làm hương, làm tăm, mây tre đan xuất khẩu. Hiện nay, khoảng 80% số hộ có nghề phụ, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Mạnh Sản là người mang nghề dệt thảm về giáo xứ, cho biết: Hiện có gần 200 hộ làm nghề dệt thảm, mỗi  tháng thu nhập 2 triệu đồng/lao động từ dệt thảm.

 

Từ khi chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển nghề phụ, kinh tế ở Sơn Lãng đã có bước khởi sắc, hộ khá giàu ngày một  tăng, trong đó 40% hộ giàu, không còn hộ nghèo.

 

Không chỉ khởi sắc về kinh tế, Sơn Lãng còn là điểm sáng của huyện trong xây dựng làng văn hoá. Sơn Lãng sớm xây dựng được quy ước làng văn hoá, với những quy định cụ thể trong sản xuất kinh doanh, xây dựng nếp sống trong gia đình và xã hội, việc cưới, việc tang, an ninh trật tự, vệ sinh xóm làng, vận động bà con thực hiện phương châm "Nhà nhà hoà thuận, xóm làng yên vui". Nội dung quy ước được thông báo trên đài truyền thanh mỗi tuần một lần để nhắc nhở mọi người trong cùng thực hiện tốt. Hiện nay 100% hộ ở Sơn Lãng đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, trong đó luôn có trên 90% hộ đạt cả 4 tiêu chuẩn: Gia đình hạnh phúc tiến bộ, thực hiện sinh sản có trách nhiệm, đoàn kết tương trợ với xóm làng, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Nhiều năm liền, Sơn Lãng không có người sinh con thứ ba, các cháu trong độ tuổi đều đến trường. Sơn Lãng có số lượng sinh viên tham gia Hội sinh viên Công giáo giáo phận Hà Nội đông nhất. Quỹ khuyến học của thôn có nhiều hình thức động viên các cháu chăm ngoan, học giỏi, đặc biệt là gia đình có con đỗ đại học được nhận làm thêm “sào ruộng khuyến học”. Hàng năm, các cháu học giỏi được nhận phần thưởng  của  thôn, quà  tặng của cha xứ.

                          
Người Công giáo vừa làm tốt nghĩa vụ công dân, vừa hoàn thành bổn phận người giáo dân đối với đạo Chúa. Giáo xứ mở lớp dạy  giáo lý cho từng lứa tuổi, từng đối tượng, qua đó nhấn mạnh đến đạo lý làm người, đến giá trị nhân bản để hướng tới chân- thiện- mỹ về đạo lý làm người... Cha xứ cũng động viên các gia đình quan tâm giáo dục con cái, chấp hành pháp luật, hướng tới những lí tưởng cao đẹp. Từ nhỏ, con em giáo dân đã được học giáo lí, kết hợp với học kiến thức ở nhà trường nên các cháu ngoan, tránh được tệ nạn xã hội. Theo lời Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoa Sơn, Đỗ Trọng Thanh thì linh mục xứ Sơn Lãng là người biết vì đạo giúp đời nên giáo dân luôn chấp hành tốt pháp luật, sống lành mạnh và đoàn kết để xây dựng quê hương xứ đạo. “Chúng tôi sẽ tăng cường sự hiểu biết, phối hợp giữa chính quyền và giáo xứ, giữa nhân dân trong xã và giáo dân Sơn Lãng để phát huy các kết quả tích cực trong phong trào thi đua yêu nước,  xây dựng đời sống văn hóa, tiếp tục cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh”, ông Đỗ Trọng Thanh cho biết.

An Luých

Thông tin khác:
Giáo dân Tân Hòa với phong trào giữ gìn an ninh trật tự (24/04/2012)
Tự cai nghiện thành công, sau 38 năm nghiện ma túy (20/04/2012)
Quyết tử quân- Đại tá- nhà báo lão thành Đỗ Chí một người con Công giáo Thủ đô (19/04/2012)
Người đầu tiên nhân nuôi thành công nhiều loại chim quý hiếm? (18/04/2012)
Người trưởng ấp Công giáo tiêu biểu (17/04/2012)
Tấm gương thanh niên giáo dân làm kinh tế giỏi (14/04/2012)
Bắc Giang:Đồng bào Công giáo đẩy mạnh phát triển kinh tế và phát huy tinh thần bác ái trong hoạt động từ thiện (12/04/2012)
Chuyện học ở ấp Công giáo có nhiều bác sỹ, kỹ sư… (07/04/2012)
Một doanh nhân Công giáo tiêu biểu (01/04/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log