Học sinh nghèo thi đỗ 3 trường đại học
Anh Thoại cho biết: Anh sinh năm 1979 trong một gia đình nghèo, đông anh em. Hồi anh học ở trường năng khiếu huyện Nghĩa Hưng, cơm chẳng đủ ăn, xe đạp không có, anh phải đi bộ 20 cây số, có lần về tới đầu làng, người mệt lả xụp luôn xuống đường, bác hàng xóm phải cõng về tận nhà. Khi lên cấp 3, anh tự nuôi bản thân bằng cách ở với một gia đình để kèm cho cậu con trai của gia đình đó học hành. Năm đó, cả giáo xứ Văn Giáo hàng nghìn giáo dân nhưng chỉ mỗi mình Vũ Văn Thoại là học lên cấp 3.
Qua mỗi cấp học là vượt qua một chặng đường khó khăn về kinh tế nhưng Vũ Văn Thoại đều là học sinh giỏi. Hồi học cấp 3 anh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh- kỹ thuật nông nghiệp và khao khát được bước chân vào giảng đường đại học nhưng lại tự hỏi bản thân: Tiền đâu mà học đại học? Được sự động viên của cha xứ và quyết tâm của gia đình, năm 1997 cậu học sinh con nhà nghèo Vũ Văn Thoại đã lên Kinh thành thi đại học và anh đỗ cả 3 trường: Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội), Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội), Đại học Công đoàn. Anh chọn học trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ bởi lẽ đơn giản, học sư phạm được miễn học phí.
Suốt 4 năm học ở Hà Nội, chàng sinh viên Thoại sáng đến giảng đường, chiều đi làm cửa hàng photocopy, tối đi dạy thêm. Hè đến, sinh viên về quê với gia đình nhưng Vũ Văn Thoại vẫn miệt mài làm việc ở hàng photocopy. Dịp tết anh mới có điều kiện về thăm bố mẹ.
Vợ chồng cùng góp sách khuyến học
Tốt nghiệp đại học loại khá, năm 2001, Vũ Văn Thoại trở về quê hương làm thầy giáo làng dạy cấp 3. Từ tình yêu thương các em học sinh, cùng với sự thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn về kinh tế của những gia đình nghèo không có điều kiện cho con cái ăn học. Thầy giáo Vũ Văn Thoại hàng tháng dành gần hết tiền lương để mua sách giáo khoa rồi cùng vợ là Trần Thị Hiếu trực tiếp đưa đến một số giáo xứ để xây dựng “tủ sách hiếu học”. Các em học sinh được mượn sách miễn phí ở “tủ sách hiếu học”. Đây là mô hình khuyến học đầu tiên do vợ chồng anh sáng lập tại các giáo xứ Văn Giáo, Thạch Bi (Giáo phận Bùi Chu). Anh tâm sự: “Nhà mình lúc đó kinh tế cũng khó khăn lắm, nhưng nhìn lại quê hương thấy còn lạc hậu, dân trí thấp, nếu các em không được học hành rồi đây sẽ ra sao? Vợ mình là người bên lương, cùng làm giáo viên, sau khi lấy mình đã sốt sáng theo đạo và đồng cảm với những trăn trở của chồng nên chẳng tiếc công, tiếc của mà còn trực tiếp giúp mình đưa sách đến một số giáo xứ.”
Tiến sỹ Vũ Văn Thoại (người mặc áo véc) tại Ấn Độ
Sau 4 năm công tác tại quê hương, tâm đắc làm “tủ sách hiếu học”, anh Thoại may mắn xin được học bổng của Đại sứ quán Ấn Độ, anh quyết định rời đất nước đi tìm nền tri thức mới. Tại Ấn Độ, anh đã bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ Quản lý nguồn nhân lực, Thạc sỹ Văn chương Anh và năm 30 tuổi anh nhận bằng Tiến sỹ Quản lý giáo dục. Anh tự hào vì mình là người Công giáo đầu tiên ở huyện làm luận án Tiến sỹ ở nước ngoài và được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Ấn Độ.
Làm lãnh đạo vẫn say khuyến học
Trở về Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Văn Thoại được một số trường cao đẳng mời làm lãnh đạo. Hiện anh là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Kinh tế Hà Nội (202 Hồ Tùng Mậu- Từ Liêm- Hà Nội). Anh đã áp dụng một số kinh nghiệm đào tạo của Ấn Độ vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Kinh tế Hà Nội như thực hiện đào tạo nghề sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp; kết hợp giữa thực tiễn và lý thuyết trong quá trình đào tạo (nhiều cán bộ, giảng viên của trường đang tham gia doanh nghiệp nên có lợi thế trong việc áp dụng thực tiễn và hỗ trợ sinh viên về việc làm ngay từ khi học tại trường)… Trường đang có các chuyên ngành đào tạo: Kế toán, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thương mại điện tử, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ.
Ở cương vị lãnh đạo, dù rất bận rộn nhưng anh vẫn tiếp tục ủng hộ các hoạt động khuyến học về kinh phí, phần thưởng, các suất học bổng. Anh đã chủ động cùng nhà trường xắp xếp 1000 chỗ ở miễn phí trong kí túc xá cho các thí sinh là người Công giáo, miền núi, con gia đình chính sách trong thi tuyển đại học; kết hợp với linh mục Vĩnh (là đồng hương) để tiếp tục xây dựng “tủ sách hiếu học” ở giáo xứ Đồng Quỹ (Giáo phận Bùi Chu). Anh tự hào cho biết, vợ chồng anh đã ủng hộ hàng nghìn cuốn sách giáo khoa cho “tủ sách hiếu học”. "Tủ sách hiếu học" là cú hích đầu tiên để phong trào khuyến học ở nhiều giáo xứ phát triển, trong đó có giáo xứ Văn Giáo quê anh. Mấy năm gần đây, trong các kỳ tuyển sinh đại học, Văn Giáo đều có chừng 20 em đỗ đại học, cao đẳng. Một số người tốt nghiệp đại học đã lập nghiệp ổn định, trong đó có người làm giám đốc như anh Phúc, anh Phụng, anh Điều. “Mong sao ngày càng có nhiều người Công giáo học giỏi, nhiều người học cao hơn tôi để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục ở các miền quê, góp phần xây dựng quê hương, xứ đạo giàu đẹp, văn minh”, Tiến sỹ Thoại tâm sự.
An Luých