Từ chị đồng nát đến bà chủ doanh nghiệp
Chị Bạch Thị Hường là giáo dân thuộc xứ đạo Gia Hòa. Sinh ra tại gia đình nghèo ở xã Xuân An (huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh) nên khi còn trẻ tuy nhiều năm là học sinh khá của trường, nhưng Bạch Thị Hường đành phải nghỉ học khi vừa tốt nghiệp cấp II. Chị theo bà con hàng xóm đi thu mua sắt phế liệu, đem bán giúp đỡ cha mẹ nuôi gia đình. Đầu những năm 90, quan sát thấy diện tích trồng lạc trong huyện chiếm chủ yếu so với các cây trồng khác nhưng đầu ra cho củ lạc lại bấp bênh, tự phát. Chị bàn với chồng, quyết tâm chuyển nghề sang thu mua lạc, rồi hàng ngày chồng chị chở từng bao ra chợ Vinh cho chị ngồi bán lẻ. Ngồi chợ chừng một năm, chị quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh, bằng cách đi thu mua lạc ở nhiều nơi trong vùng đem đi Hà Nội và một số tỉnh lân cận bán buôn.
Chị tổ chức thu mua sản phẩm lạc tại nhà và thu mua thông qua các “tổ hợp con” ở các huyện như: Can Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn, Đức Thọ. Các tổ hợp con tự xay xát và chế biến tại cơ sở, sau đó mới vận chuyển về kho trung tâm tại Xuân An. Đồng thời mở thêm 12 đại lý nhỏ ở các xã bên cạnh để tiện việc thu gom sản phẩm, mua thêm 2.500m2 đất để xây dựng nhà kho chứa hàng, đầu tư nhiều máy bóc vỏ, máy sàng, máy đo độ ẩm, máy sấy và máy phát điện và một số ô tô tải. Để có nguồn đầu tư ban đầu lúc này, chị đi vay từ bạn bè đến anh em trong gia đình, rồi vay của Ngân hàng Nông nghiệp huyện. Vào thời kỳ cao điểm, lạc được lấy từ “tổ hợp con” có lúc lên đến 50 tấn/ngày. Theo chị, hạt lạc đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải là hạt to đều, mẩy, đủ độ khô.
Đến năm 2001, cơ sở kinh doanh của gia đình chị thực sự bắt đầu sang bước phát triển mới với quy mô lớn, số lượng lạc thu mua và xuất khẩu lên tới 2100 tấn, ước khoảng 1/3 tổng số lạc có trong toàn tỉnh. Sản phẩm được xuất sang các nước Inđônêxia, Thái Lan, Philippin, Hà Lan... Theo chị, để giành được thị trường, trước hế là phải giữ được uy tín với bạn hàng về chất lượng hàng hóa, đảm bảo đúng hẹn, không dây dưa trong thanh quyết toán. Những cơ sở thu mua tốt, chị có chính sách khuyến khích thoả đáng. Hơn nữa, mọi hoạt động kinh doanh của công ty đều phải tuân thủ theo nguyên tắc: Kinh doanh không vi phạm pháp luật, không chỉ nghĩ đến đồng tiền mà bất chấp những giá trị nhân văn, đạo đức.
Trong năm 2001, doanh số bán hàng của chị đạt 15 tỷ đồng, nộp ngân sách huyện gần 445 triệu đồng tiền thuế. Năm 2002, để mở rộng quan hệ đối tác và giao dịch thuận tiện hơn, chị đã thành lập Công ty TNHH Châu Tuấn (lấy tên hai con trai của chị). Ngay trong năm thành lập, công ty đã thu mua và xuất khẩu 3.500 tấn, doanh số 25 tỷ đồng, nộp ngân sách cho huyện 750 triệu đồng, lợi nhuận thu về hàng trăm triệu đồng. Từ năm 2003- 2008, khi đã thông thạo thị trường, chị mở rộng các điểm giao dịch, không những trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài với 32 đối tác. Doanh thu giai đoạn này đạt gần 80 tỷ, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm 3 tỷ đồng.
Từ thành công trong kinh doanh lạc, chị có nền tảng và kinh nghiệm để mở thêm lĩnh vực mới đó là sản xuất các loại bao bì. Chị thuê 30.000 m2 đất với thời gian 50 năm tại thị trấn Xuân An để xây dựng nhà máy sản xuất bao bì với hơn 300 lao động, với mức lương hiện nay trên 3 triệu đồng/tháng, trong đó ưu tiên cho những lao động thuộc hộ nghèo. Chị đã đầu tư vào nhà máy 50 tỷ đồng vốn cố định để xây dựng xưởng, mua máy móc, thiết bị. Sản phẩm của nhà máy được bán trong và ngoài tỉnh, đồng thời xuất khẩu sang thị trường Thụy Sỹ, Ucraina.
Và tấm lòng giúp người nghèo
Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Châu Tuấn đã dành quỹ riêng để giúp đỡ những gia đình nghèo, khó khăn bất hạnh trong vùng. Chỉ trong các năm từ 2002-2008, công ty đã tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội như ủng hộ đồng bào bị bão lũ, quỹ khuyến học, xây nhà đại đoàn kết với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. “Bản thân tôi từ nghèo đói đi lên, tôi hiểu nỗi cơ cực của những người dân quê nghèo. Mình may mắn hơn họ, lại là người Công giáo nên có thể giúp đỡ được gì thì nên giúp. Kính Chúa và yêu người là đòi hỏi của Phúc Âm mà. Mình luôn tạo điều kiện để những người có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ nghèo vào làm việc với những chế độ lao động đảm bảo quy định của pháp luật. Đồng thời quan tâm tới đời sống và hoàn cảnh của công nhân, đảm bảo an toàn trong sản xuất cho nên những năm qua chưa xảy ra vụ việc nào giữa người lao động và công ty, dù giai đoạn đông nhất có tới gần 1000 công nhân”, chị Hường tâm sự.
Trong những ngày lễ tết, công ty thường mua quà, tiền mặt để ủng hộ những gia đình khó khăn, mong họ cũng có được cái Tết như mọi người khác trong xã hội. Công ty đã xây nhà tình thương tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lục (khối 8, thị trấn Xuân An), hỗ trợ xây nhiều ngôi nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ các tổ dân phố trong thị trấn Xuân An gần 100 triệu đồng làm đường bê tông, hỗ trợ quỹ khuyến học thị trấn Xuân An 50 triệu đồng, hỗ trợ xã Xuân Hồng - nơi thường bị ngập lụt 50 triệu đồng; hỗ trợ xã Xuân Lĩnh, Xuân Lam 150 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, công ty Châu Tuấn còn hỗ trợ các cháu bị teo cơ delta của huyện phẫu thuật chỉnh hình, ủng hộ quỹ "Ngày vì người nghèo" hàng chục triệu đồng. Năm 2009, chị Hường hỗ trợ làm ngôi nhà trị giá hơn 30 triệu đồng cho ông Nguyễn Viết Chung- nạn nhân chất độc da cam ở huyện.
Ngoài cương vị của một nữ giám đốc, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nghi Xuân, chị Hường còn hoàn thành tốt thiên chức làm mẹ và làm vợ. Bạch Thị Hường vinh dự là một doanh nhân Công giáo tiêu biểu, một giáo dân sống tốt đời đẹp đạo phát biểu tham luận tại Đại hội V- Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.