Sinh ra và lớn lên tại Huế, ông Nguyễn Ngọc Đương luôn có lòng yêu nước, thương người. 17 tuổi ông đã tình nguyện tham gia chiến trường. Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, ông luôn tự hào mình đã đóng góp một phần nhỏ bé cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hòa bình lập lại, ông xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Bé, rồi vợ chồng ông đi vào vùng kinh tế mới lập nghiệp. Những ngày đầu cuộc sống rất khó khăn, nghề nghiệp chủ yếu của 2 vợ chồng là gánh nước thuê để nuôi 4 người con khôn lớn. Đến nay 4 người con của ông, bà đã trưởng thành. Mặc dù ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông bà vẫn cố gắng làm việc để nêu gương cho con cháu. Cứ gà gáy canh 5, ông lại thức dậy đi hơn 2 cây số cắt cỏ về phụ con chăn nuôi bò và trở về nhà khi trời vừa sáng. Rồi lại lật đật đạp xe đến văn phòng ấp để tham gia công tác mặt trận ấp. 12 năm làm nghề “vác tù và hàng tổng” ông luôn được cán bộ và nhân dân thương yêu quý trọng bởi đức tính vui vẻ, lạc quan và quan tâm tới mọi người. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Bé, hàng ngày đi phụ cho quán ăn, mỗi tháng được 300 ngàn đồng. Cuộc sống khó khăn vất vả là thế nhưng ông, bà luôn thương yêu, dùm bọc lẫn nhau, cùng nhau giáo dục con cháu nên người. Do vậy khi ông bà có tâm nguyện sẽ hiến thân thể cho y học sau khi qua đời, dù thương cha, mẹ nhưng với những lời lẽ mang tính giáo dục, có lợi cho y học, các con ông bà, đều đồng ý để ông bà thực hiện mong muốn cao cả đó. Chị Nguyễn Thị Ngọc Toàn – con gái cả ông, bà tâm sự:“Mấy chục năm nay ở cái vùng này, tôi chưa bao giờ nghe thấy hiến xác bao giờ, mà lần đầu tiên tôi nghe cha mẹ tôi nói hiến xác cho Nhà nước, tôi cũng rất là bàng hoàng nên cũng phân vân lắm, nhiều lúc cũng không muốn như vậy nhưng ba mẹ tôi cứ khuyên răn, nói nghe cũng hợp tình hợp lý, có ích cho đất nước, cho xã hội nên chị em chúng tôi cũng đồng ý, cũng rất vui và tự hào”.
Theo quan niệm của ông, cuộc đời con người là vô thường và không ai tránh khỏi quy luật của tạo hóa, để rồi một ngày nào đó sẽ về với cát bụi. Nhưng sống và chết như thế nào cho xứng đáng – để làm được điều đó, những năm qua, ông luôn học tập theo tư tưởng vĩ đại của Bác đó là “ Sống vì mọi người, chết vì nhân loại”.Cụ Nguyễn Ngọc Đương nở nụ cười hiền hậu nói.“Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng chúng tôi hạ quyết tâm bàn với con cháu đồng tình hỗ trợ để chúng tôi hiến thể xác cho khoa học. Sau khi chúng tôi qua đời thì thể xác được chuyển về trường đại học y - dược TPHCM để cho các sinh viên thực tập. Tôi rất mong rằng sinh viên sau này trở thành những thầy thuốc giỏi đề mà chữa trị những bệnh hiểm nghèo, nan y cho xã hội”. Trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc Xã Thanh Bình- người trực tiếp đưa vợ chồng cụ Đương đi làm thủ tục hiến xác tại Trường Đại học y dược – TP HCM cho biết:“Gần đây cụ Nguyễn Ngọc Đương có gặp tôi đặt vấn đề là nhờ hướng dẫn giùm để cho cụ thực hiện được nguyện vọng là muốn hiến cái thi hài cho nghiên cứu khoa học. Đây là sự việc hết sức bất ngờ, tôi cũng không nghĩ là cụ có cái tư tưởng đó. Nó xuất phát từ trong gia đình, bản thân cụ nghĩ ra, cũng không có ai vận động cả. Từ cái chỗ đó mình cũng là người công tác ở địa phương, mình cũng rất muốn làm công tác nhân đạo để giúp ích cho xã hội. Cụ thể bản thân mình cũng có 17, 18 lần hiến máu rồi nhưng mà cũng chưa giám nghĩ đến chuyện hiến thi hài. Nhất là sau khi từ phòng đăng ký bước ra mà được cấp giấy chứng nhận rồi đó thì thấy cụ rất vui phấn khởi lắm”.
Với mong muốn cống hiến thể xác của mình cho nền y học sau khi qua đời. Nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng ông là tấm gương sáng không chỉ những người làm trong ngành giải phẩu nhân chủng học luôn biết ơn mà tất cả mọi người đều mãi mãi khắc sâu hình ảnh về những con người nhỏ bé trong xã hội nhưng lại có tấm lòng nhân ái vô biên.