Thế là đã lại gần một năm trôi qua, năm ngoái, muộn hơn độ này đôi tháng, khi mà nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Hà Nội hào sảng, hân hoan chào đón Đại lễ ngàn năm Thăng Long thì bất ngờ cơn lũ dữ từ thượng nguồn sông Chày Troóc động Phong Nha đổ về gây nên cảnh đau thương ở miền Trung. Tập trung nhất là các xã thuộc nam sông Giang, trong đó có xã Sơn Trạch- huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Động Phong Nha- Kẻ Bàng nằm trên xã Sơn Trạch, nhân dân trong xã chủ yếu là người Công giáo (khoảng 3500 nhân danh) thuộc Giáo xứ Hà Lời- Giáo phận Vinh, do linh mục Phê rô Ngô Thế Bình coi sóc. Sơn Trạch từng là địa bàn trọng yếu của tuyến huyết mạch đường mòn Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng chiến tranh, bộ đội vận chuyển quân lương đạn dược qua đây, khi máy bay địch ngòm ngó, ném bom được đưa xuống thuyền, đi trên sông Son vào dấu trong động Phong Nha, bằng chứng là ở cửa động đến nay còn hằn in những vết bom xé nhằm tấn công bộ đội công binh, thanh niên xung phong của ta. Từ cửa động đến nhà thờ giáo xứ chỉ chừng trên cây số... ấy vậy những năm trước rất ít người biến đến giáo xứ miền sơn cước này. Nay người ta biến đến Sơn Trạch hay giáo xứ Hà Lời là vì dịch vụ du lịch động mới được mở mang. Mang tiếng là xã có động di sản thế giới cơ đấy, nhưng đời sống vật chất người dân vẫn còn hạn chế. Căn nguyên là những con lũ dữ, mỗi năm có vài con, việc phòng chống không chu đáo, lũ về quét sạch tài sản nên người dân nơi đây hay ví vui, Sơn Trạch có nghĩa là “sạch trơn”.

Giáo xứ Hà Lời chầu Thánh thể
Trở lại cơn lũ dữ năm ngoái. Nhân dân Sơn Trạch vẫn ý thức rằng địa bàn xã là rốn lũ, nhưng ít ai ngờ rằng nó lại ào ạt về nhanh và lớn đến thế, chỉ vài tiếng trong đêm tối, lũ đổ về nhấn chìm, cuốn trôi trên diện rộng nhà cửa, vườn tược đặc biệt là con người; đẩy những mảnh đời vốn đã khó khăn, leo lắt nay lại tệ hơn. Song trong lúc khó khăn, gian nguy nhất ấy lại ánh lên những tấm lòng bình dị mà cao quý, tài sản của mình nhẹ tựa lông hồng để đó cho lũ cuốn trôi, đi cứu tính mạng và tài sản của người khác mới thật đáng phục. Điển hình phải kể đến gương anh An tôn Hoàng Văn Ninh, sinh năm 1979.
Nhận thấy tình hình lũ dữ đe dọa tính mạng của nhân dân, trong đêm tối, chỉ với chiếc thuyền nhỏ hằng ngày anh Ninh dùng vào việc chở khách thăm quan động, anh Ninh không quản hiểm nguy, băng lũ dữ cứu được trên 100 người dân và một số tài sản đến nơi an toàn. Khi cứu đến những người cuối cùng, do bị mất sức nhiều, ngâm trong nước nhiều giờ anh Ninh cũng suýt bị lũ cuốn đi... Trong khi đó, chính ngôi nhà của bản thân mình cũng bị nước cuốn trôi hoàn toàn. Đã quá nửa đêm, khi cứu xong mọi người, anh Ninh về để cứu nhà mình thì trời ơi, anh Ninh sững sờ vì toàn bộ ngôi nhà và những vật dụng trong nhà lũ đã cuốn đi. khi nước rút chỉ còn lại nền nhà. “Mới đầu khi quay về biết nhà mình đã bị cuốn trôi bản thân tôi cũng hoảng trong giây lát, nhưng nghĩ đến việc cứu được nhiều người trong thôn xóm đã sớm làm tôi quên đi những so đo...”, Ninh nói. Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, của cải có thể làm ra, trái lại nếu thờ ơ, thấy người ta nguy mà không cứu thì còn gì ý nghĩa lời kinh răn dạy “Yêu người như mình ta vậy”... Vì đi cứu người, ngôi nhà của anh Ninh đã bị cuốn trôi, các tổ chức và chính quyền địa phương cùng chung tay làm lại cho anh Ninh ngôi nhà mới bằng bê tông kiên cố hơn, rộng 100 mét vuông; số tiền xây nhà được quyết toán khoảng gần 400 triệu đồng, riêng công ty Cenco 5 là 50 triệu, quỹ Bác ái Tòa Giám mục Vinh 15 triệu đồng... thật trân trọng.
Anh Hoàng Văn Ninh là con thứ 5 trong một gia đình có đến... 12 người con, từng qua bộ đội, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, Ninh làm Bí thư chi đoàn thôn rồi sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành người đảng viên gương mẫu trên nhiều mặt. Ninh trưởng thành nhiều qua công tác thực tiễn, đặc biệt nhất là việc hy sinh quyền lợi cá nhân để cứu hàng trăm con người trong lũ dữ năm 2010, sau trận lũ đó, Ninh được ông Nguyễn Tấn Dũng- Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giới thiệu, chọn là 10 gương mặt tiêu biểu năm 2010, được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen và vật chất động viên, được giới thiệu tham gia Phó Bí thư chi bộ thôn, kiêm Trưởng thôn Xuân Tiến- xã Sơn Trạch.
Hoàng Văn Ninh người đứng đầu và bà Hà Thị Khiết
...
Với bản chất của anh bộ đội cụ Hồ và là một đảng viên trẻ có nhiều thành tích trong công tác, Ninh ý thức rất sâu sắc cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ kính yêu. Ninh chứng minh việc học tập đó qua lời ăn tiếng nói, thái độ phục vụ nhân dân, du khách trong và ngoài nước khi đi thuyền thăm động; du khách có lỡ để quên đồ đạc Ninh đều bảo quản cẩn thận để tìm cách trả lại đúng người để quên. Khách ngồi trên thuyền, bao giời Ninh cũng ân cần mời mặc áo phao để phòng những bất trắc xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách. Gần đây nhất, Bạn vận động Học tập làm theo tấm gương Bác Hồ tỉnh Quảng Bình đã chọn Ninh là 1/44 tấm gương xuất sắc thực hiện cuộc vận động.
Đáp ứng việc thăm quan du lịch tại động Phong Nha- Kẻ Bàng hiện nay (phần lớn) là giáo dân ba xứ Hà Lời, Chày và Hưng Trạch thuộc Giáo phận Vinh. Cụ thể có 308/310 thuyền là do giáo dân làm chủ, huy động khoảng trên 600 người và khoảng 400 thợ ảnh cũng phần đông là giáo dân. |