Ông Khanh đã thành công trong việc biến những thứ gần như rác: cọng lục bình, bẹ cây chuối, xơ dừa… thành sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu. Hợp tác tã Quang Minh thành lập năm 2003, tách ra từ Hợp tác xã Bình Minh để tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình mới. Quang Minh đã chọn ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện hợp tác xã đã hướng sang xuất khẩu trực tiếp, tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình hiện đại.
Tính hiện đại thể hiện qua việc hợp tác xã đã kết hợp chặt chẽ giữa công đoạn thủ công với “cơ giới hóa”, mạnh dạn đầu tư trang bị các loại máy xì sạch sản phẩm, sấy khô, bảo ôn, xử lý sắt… Sau khi giao khung sắt cho các tổ lao động vệ tinh, hợp tác xã nhận về bán thành phẩm và xử lý những công đoạn cuối, kiểm định sản phẩm nghiêm ngặt trước khi đóng container xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu. Hợp tác xã đã được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) xét cho gia nhập Cổng Thương mại điện tử quốc gia để khai thác hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Sản phẩm của hợp tác xã Quang Minh được làm từ cọng lục bình, xơ dừa, bẹ cây chuối… vốn rất sẵn ở đồng bằng sông Cửu Long và các miền quê trên cả nước. Qua các công đoạn xử lý và qua đôi tay khéo léo của người thợ, những cọng lục bình, bẹ chuối, xơ dừa… được làm thành những chiếc khay, giỏ xách, thảm, kệ trang trí trong nhà đẹp mắt để xuất khẩu thu về cả triệu đô la Mỹ. Nhiều người nói, ông Khanh đã biến cọng lục bình thành đô la.
Việc thu mua lộc bình, xơ dừa, bẹ chuối… đã giúp cho hàng vạn lao động nông thôn có thêm thu nhập. Ngoài ra còn có hơn 100 lao động trực tiếp tại xưởng và trên 3000 lao động gia công tại gia đình, trong đó người Công giáo chiếm tỷ lệ lớn. Hợp tác xã đã góp phần đáng kể trong việc phát triển ngành nghề ở địa phương, giúp người nghèo có thu nhập để ổn định cuộc sống. Công nhân tại xưởng được hưởng đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật. Hiện những người lãnh đạo, quản lý trong hợp tác xã là những người Công giáo đã xây dựng và duy trì được sự đoàn kết và chăm lo đời sống cho người lao động, lương cũng như giáo. Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Trần Văn Từ nói vui: “Chú Khanh rất hiền, vừa hòa nhã lại không để bụng. Mấy anh em tôi dễ tìm được tiếng nói chung. Đây là nhân tố quan trọng để phát huy nội lưc, tạo sự thống nhất trong công việc, góp phần vào thành công của hợp tác xã".
Hợp tác xã còn kết hợp với chính quyền địa phương, khu phố để hợp tác, hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nội bộ, thăm hỏi các gia đình neo đơn khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như xây nhà tình thương, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, hỗ trợ đồng bào bị bão, lũ…
Có bề dày hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, Ban chủ nhiệm hợp tác xã đã duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong công tác điều hành, chiến lược kinh doanh cũng như quan hệ với đối tác. Ngoài những thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản… hợp tác xã Quang Minh đang tiếp cận thị trường Mỹ. Bên cạnh những mặt hàng chủ lực sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên, hợp tác xã đã phát triển thêm các sản phẩm đan dây nhựa. Không chỉ mở rộng và nâng cấp nhà xưởng ở Tiền Giang, Quang Minh đã xúc tiến dự án đầu tư hàng tỷ USD xây dựng nhà xưởng ở tỉnh Bình Dương. Hạn chế hiện nay của hợp tác xã, theo ông Khanh là việc chưa chủ động được về mẫu mã, làm theo mẫu mã yêu cầu của khách hàng là chủ yếu. Vì thế chúng tôi rất cần những chuyên gia thiết kế nhạy bén, bắt được “gu” của khách hàng ở từng nước khác nhau.
Qua hơn 8 năm hoạt động, hiện nay số vốn góp cổ phần của xã viên là 8,8 tỷ đồng/23 xã viên. Doanh thu bình quân đạt 50 tỷ đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm 3 triệu đô la Mỹ; lợi nhuận chia lãi trên vốn góp cổ đông là 20%/năm. Hợp tác xã được tặng Huân chương Lao động hạng 3, và liên tục nhiều năm được Bộ Công thương xếp hạng Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín toàn quốc.
An Luých