Linh mục Trương Bá Cần (Trần Bá Cường) từng là Tổng Tuyên úy của Phong trào Thanh niên lao động Công giáo Sài Gòn (Thanh Lao Công) trên toàn miền Nam trước 1975.
Ông cũng tham gia nhiều phong trào chống chiến tranh, chống độc tài, kêu gọi hòa bình, đòi dân chủ dân sinh, đấu tranh cho quyền lợi của giới công nhân, chống đàn áp tra tấn sinh viên.
Sau giải phóng, linh mục Cần là thành viên trong ban chủ trương của tờ báo Công giáo và Dân tộc và sau đó là Tổng Biên tập tờ báo này.
Nhìn lại cuộc đời hoạt động nhiệt thành của ông, linh mục Phan Khắc Từ nói: "Cha là một linh mục, một sử gia nên xác tín được dựa trên nền tảng vững chắc của Thần học cũng như trải nghiệm lịch sử. Cộng thêm đó là phẩm chất Xứ Nghệ trong huyết quản, nên lòng nhiệt thành thể hiện qua các hành động hăng say".
"Dấn thân"
Họ bị bắt cùng với rất nhiều công nhân, rồi được thả. Nhưng các linh mục đã ngồi tuyệt thực trên lề đường Nguyễn Trã đòi trả tự do cho công nhân đang bị cầm tù
Trong cuốn sách tự thuật "50 năm nhìn lại" mới xuất bản năm 2008, linh mục Trương Bá Cần kể: tháng 11/1971, ông cùng với các linh mục Phan Khắc Từ, Trần Thế Luân tham gia cuộc đấu tranh của công nhân Hãng pin Con Ó.
Ông nhớ lại, "chúng tôi ngồi tuyệt thực ngay Tòa Tổng Giám mục vì hôm đó, Đức Tổng Giám mục chuẩn bị cử hành lễ Hòa bình thế giới, có sự tham gia đông đảo của quan chức chính quyền. Một chính quyền đang bắt bớ người lao động và chà đạp lên công lý lại đi cầu nguyện vì hòa bình?".
Sự kiện này gợi lên trong lòng ông những trăn trở về sứ mệnh dấn thân của người linh mục. "Anh em chúng tôi đã lăn xả vào với công nhân, không phải ngây thơ không biết rằng mình đang cụng đầu vào đá... Giáo hội vẫn quen đứng trên, đứng ngoài, xông xáo lắm là đứng giữa. Nhưng chúng tôi đã đứng hẳn về một bên".
Chính vì nếm trải tất cả những bất công của xã hội, nhận thức được tính phi lý của chiến tranh, nên ông sẵn sàng xuống đường đấu tranh với công nhân đòi dân sinh, liên kết với sinh viên đòi dân chủ. "Giáo hội của chúng tôi phải là giáo hội đứng về phía người nghèo, những người bị cô thế, chống lại mọi hình thức bất công".
Nhớ đến ông là người ta phải nhớ đến cuộc vận động đốt thẻ cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 10/1971. Ông cũng dành phòng của mình ở Giáo xứ Vườn Xoài cho anh em sinh viên chế tạo bom xăng đốt xe Mỹ.
Hai lần ông đã bị Tòa án Quân sự kết án tù, một lần 5 năm cấm cố và một lần 9 tháng tù giam.
Linh mục Trương Bá Cần đã sống và tham gia vào một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, trong thời kỳ phong trào đô thị chống chiến tranh xâm lược diễn ra sôi nổi ở Sài Gòn trước 1975. Phong trào quy tụ từ học sinh, sinh viên đến trí thức, các chức sắc tôn giáo...
Trong hồi ký đời mình, viết về giai đoạn này, linh mục Trương Bá Cần trăn trở: "Quyền dân sinh, dân chủ là những quyền cơ bản của con người, không một chế độ chính trị nào dám phủ nhận. Quyền đó thường chỉ được tôn trọng khi chế độ chính trị thực sự là của dân, do dân, vì dân".
"Đồng hành cùng dân tộc"...
Là tiến sĩ sử học Sorbonne (Pháp), linh mục Trương Bá Cần còn được biết đến với những nghiên cứu lịch sử đáng chú ý.
Đó là loạt bài báo mang tính chất nghiên cứu “25 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc” đăng ba kỳ trên tạp chí Đối Diện vào năm 1971, gây ra những phản ứng cho giới cầm quyền. Loạt bài đã nỗ lực phác họa một bức tranh chân thực về miền Bắc sau chiến tranh.
Trong dư luận có những luồng ý kiến khác nhau, hoặc tán thưởng, hoặc chưa đồng tình với những luận điểm linh mục Cần đưa ra. Nhưng sự kiện tác giả và chủ nhiệm báo phải ra tòa và lĩnh án 9 tháng tù giam đã dấy lên những tranh luận công khai trên báo chí. Tạp chí Đối Diện bị đóng cửa trong thời hạn 6 tháng, vì tội “viết bài với dụng ý tuyên truyền cho Cộng sản”.
Một năm sau sự kiện này, linh mục Cần đã dành trọn một số tập san Chọn, do ông chủ trương để đăng lại các bài báo này của ông và cả hai bản Khởi tố trạng của phó Biện lý, một số bài báo và dư luận liên quan để từ đó dư luận tự đánh giá sự việc.
Ông cũng dành tâm huyết nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ. Nói như nhà sử học Chương Thâu: "Trương Bá Cần là người từng theo dõi, tìm hiểu Nguyễn Trường Tộ từ khi còn học ở Chủng viện Xã Đoài, gần quê hương của Nguyễn Trường Tộ. Anh lại có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu. Anh vừa là một nhà khoa học, vừa là một linh mục đầy lòng ngưỡng mộ đối với người công giáo yêu nước Nguyễn Trường Tộ".
Trong lời tiễn biệt dành cho ông, linh mục Phan Khắc Từ nhắc lại việc, ngay cả những người cộng sự thân tình cũng có những lúc không hiểu ông, không muốn chấp nhận ông với vai trò linh mục.
Ngay bản thân linh mục Cần cũng tự xem mình là “người đầy tớ vô dụng”, là “đứa con hoang đàng” của Giáo hội.
Nhưng những hành động trong suốt cuộc đời ông đã luôn đi theo một niềm tin do ông xác lập, đó là, với lòng yêu nước, ông đã xác định người Công giáo cũng là công dân Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc.
Ông Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã ghi vào sổ tang : “Vô cùng thương tiếc linh mục Trương Bá Cần, người đã có nhiều công lao đóng góp trong phong trào giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ….”. /Song Nguyên
Linh mục Phêrô Trương Bá Cần (Trần Bá Cường) sinh ngày 13/7/1930 tại Hương Khê, Hà Tĩnh; từ trần sáng ngày 10/7/2009, hưởng thọ 79 tuổi.
Là ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh khóa I – ủy viên UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh (khóa II đến khóa IX); Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hồ Chí Minh; Tổng biên tập Báo Công giáo và Dân tộc.
Linh mục Trương Bá Cần đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng III, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam. |