Gương điển hình

Những ngọn nến sáng mãi

Cập nhật lúc 20:01 12/07/2010

 

Những trái tim vàng xứ đạo
Là một xã nằm gần cuối huyện Kim Sơn, xã Cồn Thoi không có gì nổi bật, con người và cuộc sống nơi đây vẫn bình yên như bao vùng quê khác trên dải đất hình chữ S này. Có chăng, họ chỉ khác và đã làm được những việc cao cả đáng trân trọng, được xã hội tôn vinh và biết ơn, bởi khi mất đi hay "về với Chúa", những "con chiên" vẫn mang đến ánh sáng cho biết bao nhiêu con người khác. Với quan niệm, khi chết đi sẽ về với Chúa, với thiên đường, những con chiên nơi xứ đạo Cồn Thoi vẫn làm được một việc thật có ích: hiến giác mạc, mang ánh sáng đến cho người đang sống.
Theo chân Bí thư xóm 8A Nguyễn Chí Nguyện, chúng tôi tìm đến gia đình nhà bà Nguyễn Thị Hoa (81 tuổi, mất 5/4/2007), người đầu tiên ở xã Cồn Thoi và đầu tiên ở Việt Nam hiến tặng giác mạc sau khi mất. Đây là một câu chuyện dài, đầy cảm động và đã mở ra một phong trào từ thiện của người dân xã Cồn Thoi.
Cách đây không lâu, một người hàng xóm của cụ Hoa có người thân ở tận Đăk Lăk bị hỏng mắt. Khi biết cụ sắp lâm chung, người em trai đã gặp và thuyết phục cụ Hoa cho chị gái mình giác mạc. Cụ Hoa không mảy may do dự, với việc hiến giác mạc của cụ, hiện nay chị Nguyễn Thị Khuy - người hàng xóm (đang sinh sống ở Đắk Lắk) đã được nhìn thấy ánh sáng từ đôi giác mạc cụ Hoa hiến tặng. Cùng với chị Khuy còn có chị Lê Thị Tuyết ở Thọ Xuân, Thanh Hóa được hưởng niềm vui này từ giác mạc cụ Hoa. Chị Mai Thị Sâm, một người con gái của cụ Hoa kể, trước đây gia đình không biết hiến giác mạc là như thế nào cả, cứ nghĩ lấy giác mạc là "móc cả mắt" nên ai cũng lo lắng, có người trong gia đình đã hết sức ngăn cản, nhưng sau khi được các bác sĩ ở Ngân hàng mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) giải thích rõ ràng, cặn kẽ thì cả gia đình ai cũng đồng ý. Vừa để mọi người tin tưởng và yên tâm, trong quá trình lấy giác mạc, các bác sĩ mời một số người trong gia đình "thực mục sở thị" về quy trình lấy giác mạc như thế nào. Đó chỉ là một màng mỏng ở bên ngoài mắt, chứ không phải là móc cả mắt. Và thời gian lấy cũng chỉ mất 5 - 10 phút.
Sau thành công bước đầu, được Ngân hàng mắt trao tặng bằng khen và được những người nhận tri ân, quan trọng hơn, khi mất đi, cụ Hoa vẫn mang ánh sáng đến cho hai con người khác, để họ được sống bình thường, có thể đi lại, đọc sách, làm việc... Cũng từ đó, cả gia đình cụ Hoa và người dân nơi đây mới thấu hiểu và thấy sự quan trọng của việc hiến tặng giác mạc đến nhường nào. "Chúng tôi nghĩ, đó là một việc làm thiết thực, cần thiết và là ý nguyện, tấm lòng của mẹ tôi lúc qua đời, chứ chúng tôi không bao giờ nghĩ làm như thế sẽ được tôn vinh hay khen tặng", chị Sâm tâm sự. Đến nay, sau cụ Hoa, đã có 34 người nữa ở xã Cồn Thoi hiến tặng giác mạc thành công. Nhìn vào con số, chúng ta có thể cảm nhận là rất nhỏ, nhưng nếu đem so sánh với cả nước thì chỉ riêng nơi đây đã chiếm hơn phân nửa trên tổng số người hiến giác mạc ở Việt Nam. Và với con số 35, đồng nghĩa với 70 người đã tìm lại được ánh sáng, một con số nhỏ nhưng đã nói lên sự thành công rất lớn của những tấm lòng muốn tri ân với xã hội, với cộng đồng sau khi chết đi. Mặc dù họ không còn hiện thân trên cuộc sống đời thường này nữa, nhưng ở một khía cạnh nào đó, họ vẫn luôn tồn tại, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ước nguyện cuối cùng
Đó là ý nguyện cuối cùng mà chị Nguyễn Thị Lan (mất lúc 33 tuổi), ở xóm 6 nói với bố trước khi lâm chung. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tú, bố của chị Lan không giấu được cảm xúc. Mắt ông đỏ hoe khi kể về người con gái 33 năm mang trong mình bệnh tim bẩm sinh và ước nguyện cuối đời. Là một bác sĩ lâu năm trong nghề nhưng ông cũng không thể mang lại một cuộc sống tròn trịa cho con gái mình được. Những cơn đau hằng ngày vẫn hành hạ tấm thân gầy của người con gái xanh xao, yếu đuối. Ông đã đưa người con gái duy nhất đi khắp các bệnh viện từ Bắc, Trung, Nam, cũng được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng như ông nói, thời đó phương tiện và thuốc men chưa hiện đại như bây giờ nên ông cũng chỉ cố để kéo dài ngày tháng cho con mình mà thôi. 33 tuổi là 33 năm chị Lan sống trong bệnh tật, đau đớn nhưng đầy tình thương yêu của gia đình.
Khi biết mình không còn sống được lâu dài, chị đã mời bố mẹ, các anh em đến để bàn về việc hiến giác mạc của mình sau khi mất. Nhìn người con ốm yếu, xanh xao nói về ước nguyện cuối đời, nhưng khuôn mặt rạng ngời, ông và gia đình không cầm được nước mắt. Với chị Lan, cả cuộc đời, căn bệnh không cho chị được làm nhiều thứ cho gia đình, cho xã hội nhưng lúc mất đi, chị vẫn có thể làm được một điều thật hữu ích và có ý nghĩa, đó là mang lại ánh sáng cho hai con người bất hạnh khác. Có thể, ở đâu đó trên đất nước này, họ đang rất mong chờ một người có tấm lòng như chị?!
Hai mắt đỏ hoe vì xúc động, ông Tú kể, lúc chị Lan mất, ông không đủ bình tĩnh để làm được điều mà người con gái mong muốn. Tang gia bối rối, rất nhiều lần ông nhấc điện thoại để gọi tới Ngân hàng mắt mà không làm được. Nhưng, người anh trai của chị Lan, hiện đang là bác sĩ ở Bệnh viện Kim Sơn đã làm được điều mà chị mong muốn cuối đời, đó là hiến tặng giác mạc của mình để tặng cho những người bất hạnh khác. Hiện nay, ông Tú đang giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi. Việc theo dõi những người hiến tặng và đăng ký hiến tặng ông đều ghi chép rất tỉ mỉ. Theo danh sách mà ông Tú đưa cho chúng tôi, có người rất cao tuổi, như cụ Trần Văn Hiền, lúc mất thượng thọ 104 tuổi. Cũng có trường hợp lại còn rất trẻ, như em Trần Văn Thuận, lúc mất mới có 17 tuổi. Dù khoảng cách tuổi tác là khác nhau, nhưng tất cả những con người đó đều có một tấm lòng và việc làm rất đáng tri ân và trân trọng.
Trong bản danh sách này, có nhiều trường hợp là hai vợ chồng cùng hiến tặng, có trường hợp là anh em ruột, có trường hợp là hai mẹ con. Và cũng theo danh sách mà ông Tú ghi chép, trong 35 trường hợp đã hiến tặng, có đến 34 người là theo đạo, một trường hợp là chị Lan, con gái ông bên lương mà thôi. Khi chúng tôi đưa ra thắc mắc về sự chênh lệch này, ông Tú cho rằng, quan niệm về cái chết giữa người theo đạo và không theo đạo khác nhau, nên khi chết đi cũng có suy nghĩ khác nhau. Với người theo đạo, họ quan niệm khi chết đi, thân xác sẽ bị tan rã, khi được phục sinh, Chúa sẽ cho họ "trở về" nguyên vẹn... Nhưng với những người không theo đạo, thì quan niệm của họ khi chết đi như thế nào, "xuống dưới âm phủ" sẽ như thế, nên gia đình và bản thân khi đang sống rất "sợ" nếu bị lấy giác mạc, xuống "dưới âm phủ" sống sẽ không... nhìn thấy gì. Như ông Tú, là một người có thâm niên hàng chục năm làm trong ngành y, nên ông "thoát" được những suy nghĩ như vậy. Đó là nguyên nhân vì sao con số có sự chênh lệch.
Ngọn nến không bao giờ tắt
Với những việc làm đáng trân trọng như vậy. Nhiều bằng khen, giấy khen đã ghi nhận sự tri ân thành kính với việc hiến tặng giác mạc của người dân Cồn Thoi. Nhận thấy sự cần thiết phải làm và noi gương những người đi trước, hiện nay trong danh sách đăng ký hiến tặng giác mạc khi mất ở xã Cồn Thoi mà ông Tú ghi chép được đã lên tới 121 người. Trong đó, rất nhiều cặp vợ chồng, cha mẹ - con và anh em tham gia.
 
Bà Nguyễn Thị Là, 93 tuổi - người tình nguyện hiến giác mạc.
 
Chúng tôi đến nhà ông bà Nguyễn Thị Là và Nguyễn Văn Thơ ở xóm 8A, là hai vợ chồng nhiều tuổi nhất hiện nay đăng ký hiến tặng. Cụ Là năm nay đã 93, cụ Thơ 92 tuổi. Tuy tuổi đã cao, không đi lại được nhưng cụ Là vẫn nói chuyện với chúng tôi rất mạch lạc. Cụ cho biết, giờ già yếu không làm được gì nữa, cũng chẳng biết sống được là bao trong cuộc đời. Khi mất đi, cụ cũng mong muốn làm được một việc có ích, giúp đỡ những người có khiếm khuyết về mắt, để họ có được ánh sáng, để làm việc đóng góp cho xã hội. Dù mình mất đi thì mình vẫn "chưa thể tắt hẳn, mà vẫn còn thắp sáng" giữa cuộc đời. Việc làm của hai cụ được con cháu trong nhà rất ủng hộ, sẵn sàng thực hiện nguyện ước cuối đời của bố mẹ.
Để có những thành công đó, cũng không thể không nói đến các tổ chức đoàn thể của UBND xã, Hội Chữ thập đỏ, đặc biệt là sự đóng góp của linh mục Anto Đoàn Minh Hải. Trao đổi với chúng tôi, linh mục xứ Cồn Thoi cho rằng, đối với cá nhân ông và các giáo dân, chúng tôi không bao giờ có suy nghĩ gì về những vinh quang, lời khen hay đưa lên các phương tiện truyền thông để ca tụng cá nhân hay người được tặng giác mạc gì cả. Chúng tôi luôn nghĩ đến những người đang gặp khó khăn, mặt khác những bà con khi qua đời, từ cái tâm của mình, vận động họ làm được điều gì tốt thì làm, việc từ thiện, việc nhân ái cuối cùng thì thật ý nghĩa. Chứ mình cũng không ép buộc hay gây khó này kia cho họ được.
Theo linh mục Anto Đoàn Minh Hải, trước giờ lâm chung, ông thường đến nhà các giáo dân để làm phép cuối cùng, gọi là phép Xức dầu. Sau đó, mình nói chuyện, thăm hỏi gia đình, đồng thời cũng đặt vấn đề về hiến tặng giác mạc, nếu ai thấu hiểu thì chắc mình sẽ không phải giải thích, còn ai băn khoăn thì mình cũng dừng lại chứ không ép buộc. "Đây là việc thiện, nên phải xuất phát từ tâm và lòng thành", linh mục Hải nói.
Theo thông tin từ Ngân hàng giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương), hàng năm có hàng chục nghìn ca chờ ghép giác mạc nhưng số lượng người cho, hiến lại rất ít. Có rất nhiều người đã bị mất ánh sáng vĩnh viễn vì không có nguồn giác mạc. Nói lên điều này để thấy rằng, dù con số người hiến ở Cồn Thoi là rất nhỏ nhưng là điều đáng để chúng ta suy nghĩ về sự cống hiến và tấm lòng những con người nơi đây.
Phóng sự của Thành Văn - Thanh Bình
Lê Thị Cúc
Sức khỏe & Đời sống
Thông tin khác:
'Cha Oánh', chủ chăn hết lòng với sĩ tử (30/06/2010)
Một nông dân được tặng thưởng hai kỷ niệm chương (26/06/2010)
Về xứ đạo Phúc Nhạc (21/06/2010)
CHUYỆN Ở VÙNG NÔNG THÔN MỚI (16/06/2010)
'Beethoven Việt Nam' là một người Công giáo yêu Nước (14/06/2010)
CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI CỘNG TÁC VIÊN DÂN SỐ (11/06/2010)
Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (09/06/2010)
VỀ HƯỚNG PHƯƠNG, GẶP MỘT NGƯỜI CÔNG GIÁO SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI (08/06/2010)
NHÀ GIÁO HOÀNG ĐĂNG KHOA, ĐỜI THƠ VÀ ĐỜI DẠY HỌC (01/06/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log