Theo anh Giáp, thời kỳ anh ham mê chơi chim và có ý định thành lập Vườn Chim Việt thì trĩ đỏ là loại động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và là một trong 10 loại chim đẹp nhất thế giới. Điểm khó trong nhân giống chim trĩ là chúng không biết ấp. Trĩ đẻ nhờ vào tổ của loài chim khác nên quả trứng đó dễ bị bỏ quên, thậm chí là bị loài khác ăn mất. Loài chim trĩ còn có “thói xấu” nữa là chúng thường ăn luôn quả trứng do chúng vừa đẻ ra. Để biết được những đặc điểm này, anh Giáp đã dày công quan sát, tìm hiểu. Từ đó, anh biết thời gian đẻ trứng trong ngày của chim trĩ để canh trứng, chờ chúng đẻ ra là lấy ngay để đưa sang “nhờ” gà ấp hộ. Nhưng không phải lúc nào cũng có con gà chịu ấp. Hiện đại hơn, sau đó anh đã nghiên cứu được nhiệt độ, độ ẩm thích hợp để trứng trĩ đỏ có thể nở con để dụng phương pháp ấp bằng máy công nghiệp.
Từ những mày mò đó, anh là người sớm nhất thành công trong nhân nuôi chim trĩ. Anh nhớ lại, sau khi tìm hiểu được quá trình sinh sản và có phương pháp ấp trứng chim trĩ, tôi đã nhanh chóng phát triển chim trĩ với số lượng hàng nghìn con, thế nhưng ban đầu cũng bị hú vía khi chim đột ngột chết hàng loạt. Để cứu vớt những con còn lại, hồi đó anh phải mang gửi ở các nhà họ hàng, bạn bè ở nhiều nơi khác nhau… Hồi đó, ở nước ta chưa có mô hình nuôi chim trĩ, không thấy tài liệu hướng dẫn nào, tôi phải sang tận Thái Lan, Singapore, Malaysia… Nhận thấy họ nuôi chim thành các trang trại lớn, anh học được kỹ thuật và quyết định đầu tư công nghệ ấp nở để nuôi theo mô hình công nghiệp. Bao nhiêu vốn liếng, anh dồn hết vào việc mua máy móc và đầu tư mua thêm con giống. Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến, tỷ lệ ấp nở cao nên đến nay, anh đã có hàng nghìn con chim trĩ và chim công. Chỉ riêng đàn chim bố mẹ, anh đã có 1.800 cặp chim trĩ và 400 cặp chim công.… Trang trại Vườn Chim Việt của anh cũng đã được chi cục kiểm lâm cấp phép.
Từ thành công trong việc nhân nuôi loài chim trĩ đỏ, vốn nằm trong Sách đỏ Việt Nam, anh Giáp đã cung cấp chim giống và hướng dẫn cách nuôi cho rất nhiều hộ ở khu vực miền Bắc, trong đó có nhiều gia đình Công giáo ở Hà Nam. Anh Giáp cho biết, bình quân khoảng 8 tháng nuôi, chim trĩ bắt đầu đẻ trứng. Chim đẻ liên tục từ đầu mùa xuân đến khoảng 40 - 50 trứng thì nghỉ để thay lông rồi đẻ tiếp khoảng 20 – 30 trứng, đến cuối mùa thu thì ngừng đẻ. Nếu tính về giá trị kinh tế, chim trĩ đắt gấp 20- 30 lần so với gà. Trứng chim trĩ có giá 35- 40 nghìn đồng/quả. Trĩ giống 1 tháng tuổi giá bình quân 100 nghìn đồng/con, nuôi 6 – 8 tháng có thể bán được trên 1 triệu đồng/con. Một số hộ Công giáo được anh hướng dẫn đã nuôi thành công và đang có thu nhập tương đối cao.
Một loại chim trĩ tại Vườn Chim Việt
Song song với việc cung cấp con giống ra thị trường, anh Giáp cũng sẵn sàng thu mua lại sản phẩm của khách hàng để đảm bảo ổn định đầu ra cho người nuôi. Anh Giáp cho biết, chim trĩ là một thực đơn khoái khẩu của vua chúa: “nem công, chả phượng”. Ngày nay, khi đời sống của người dân được nâng cao, chim trĩ đã được nhiều khách hàng tìm đến. Hiện tại, anh Giáp đang lên kế hoạch sản xuất đại trà để thịt chim trĩ sớm đến được các siêu thị, nhà hàng.
Vườn Chim Việt của anh Giáp còn thành công trong nuôi chim công, gà 9 cựa, gà lôi, vịt uyên ương.
Trong truyền thuyết thách cưới của Vua Hùng có nhắc tới voi 9 ngà , gà 9 cựa , ngựa 9 hồng mao . Voi ,ngựa đó ngày nay chúng ta chưa thấy có nhưng gà 9 cựa đã xuất hiện , nó được tìm thấy tại các bản ở vùng núi cao một số tỉnh phía Bắc. Hiện nay Vườn Chim Việt đã nuôi sinh sản thành công giống gà này. Sản phẩm dùng để phục vụ cho thị trường chơi cảnh của những người hiếu kỳ thích sưu tầm hoặc cung cấp cho những đám cưới hỏi, lễ lạp, cúng tiến. “Không phải như Sơn Tinh, Thủy tinh nặn lội nên rừng xuống biển mà chỉ cần về Vườn Chim Việt là có gà chín cựa đi hỏi vợ”, anh Giáp hài hước.
Vịt uyên ương là một loại chim được coi là biểu tượng của hạnh phúc
Vịt uyên ương được nhiều tạp chí sinh vật cảnh thế giới bình trọn là 1 trong 10 loài chim đẹp nhất hành tinh. Nó được nuôi sinh sản tại Vườn Chim Việt với số lượng con giống sản xuất ra thị trường bình quân mỗi năm đạt từ 50 - 100 cá thể, chủ yếu phục vụ cho các khu du lịch, bảo tồn và nuôi làm cảnh tại các biệt thự nhà vườn. Người Trung Quốc cũng như người Việt Nam đều gọi loài này là uyên ương, thường được thể hiện trong nghệ thuật phương Đông và nó được coi là biểu tượng của hạnh phúc và chung thủy trong hôn nhân. Tục ngữ Trung Hoa sử dụng uyên ương làm phép ẩn dụ để chỉ các cặp đôi yêu nhau: "Uyên ương hí thủy".
Đặc biệt, anh Giáp còn tình cờ nuôi sinh sản loài chim công ngũ sắc và chim công trắng. Anh cho biết “Hiện nay cả nước chỉ có 16 con công ngũ sắc do tôi nhân giống ra. Việc nhân giống loại công này cũng do tình cờ, khi ấy trang trại giống có 18 con công giống, quan sát chúng, tôi phát hiện có một con có bộ lông nhiều màu rất đẹp, khác hẳn các con trong đàn. Lần nhân giống sau, trong 300 con, lại phát hiện một con như thế. Tôi phải mất hơn một năm mày mò thực tế, cộng với đọc tài liệu của các bạn quốc tế gửi về, mới tìm ra cách lai tạo, nhân giống loại công ngũ sắc quí này”. Tiếng lành đồn xa, người chơi chim cảnh cả nước thường tìm Vườn Chim Việt để mua và học hỏi cách nuôi chim quí. Nhiều gia đình khá giả rất muốn nuôi chim công trong nhà. Các nhà vườn, các biệt thự, các khu du lịch sinh thái đều ao ước có chim công để nuôi làm cảnh.
Nói về khởi nguồn của Vườn Chim Việt, anh Giáp cho biết, anh là người thích chơi chim từ nhỏ. Anh đã tự mày mò nhiều tư liệu về kỹ thuật nuôi, chăm sóc. Ở góc độ tôn giáo, mặc dù không phải là người Ki tô giáo nhưng anh lại rành rọt: Ngày thứ năm, Thiên Chúa tạo dựng chim trời và cá biển. Ngày thứ sáu, Thiên Chúa mới tạo dựng con người và cho con người làm bá chủ tất cả. Thiên Chúa không chỉ tạo dựng mà còn chúc lành: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất." “Khi theo dõi các chương trình Discovery (khám phá), tôi không khỏi ngạc nhiên về các loài chim trời. Chúng quá đẹp, quá nhiều giống loại khác nhau, và quá hữu ích cho con người, tôi chợt nghĩ về đấng tạo hóa mà theo Kinh Thánh, chỉ có Thiên Chúa mới đủ quyền năng để làm nên. Từ đó, tôi dần ham mê tìm hiểu Kinh Thánh, sách Sáng Thế và đến nay, tôi có nhiều kiến thức về đạo Công giáo”, anh Giáp tâm sự.
Theo anh Giáp, trong quá trình nhân rộng mô hình nuôi chim trĩ, anh có dịp tiếp xúc với nhiều gia đình Công giáo và theo lời anh: “tôi rất cảm mến người Công giáo” bởi hầu hết họ đều ngay thật, giàu lòng bác ái; ở các họ đạo tôi đến, rất hiếm gặp tệ nạn xã hội… Từ đó mỗi lần đến các nhà thờ Công giáo anh đều thầm lặng bỏ vào hòm công đức như một cử chỉ tôn kính. Ngoài các hoạt động từ thiện xã hội như ủng hộ đồng bào bị thiên tai, quỹ đền ơn đáp nghĩa, anh Giáp còn tự nguyện giúp đỡ một số gia đình nghèo người Công giáo về vốn và kỹ thuật sản xuất, nuôi các loại chim. Anh quan điểm, dù người theo đạo hay không theo đạo đều là trong dân tộc Việt Nam, yêu thương giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ, cùng xây dựng quê hương.