Sinh ra và lớn lên ở làng biển Công giáo Xuân Hoà, xã Quảng Xuân, Quảng Trạch Quảng Bình, tuổi thơ của cậu bé con nhà nghèo Lê Hận cũng trôi quan yên ả như bao nhiêu đứa trẻ khác ở đây. Năm Lê Hận học lớp 3, trường làng ông bị bệnh dịch mắt đỏ và di chứng để lại cho ông là đôi mắt bị mù vĩnh viễn. Đang tuổi ăn, tuổi học lại học khá nhất lớp 3 trường làng lúc đó, bỗng chốc phải nghỉ học giữa chừng, thời gian đầu Lê Hận cũng buồn lắm. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng mỗi lần nghĩ đến tương lai của cuộc đời mình là trên đôi mắt bị dị tật của cậu lại rỉ ra hai hàng nước mắt tủi hổ, xót xa. Nhưng được bố mẹ và gia đình động viên, dần dần cậu bé Lê Hận cũng lấy lại được niềm tin tring cuộc sống. Không chấp nhận chịu đầu hàng số phận, tuy không còn nhìn thấy đường đi, nhưng ngày ngày cậu bé mù vẫn dò dẫm, lần hồi đi ra đường cái, để được nghe tiếng trò chuyện của bạn bè cùng lứa, nghe tiếng ê a học bài từ ngôi trường làng vọng lại. Cứ thế, dần dần, đôi tai, cái mũi của cậu bé ngày càng tinh ra và rất nhạy cảm. Chỉ cần nghe bước chân nhà nhẹ là cậu có thể phân biệt được những người than trong nhà, hay bạn bè cùng trang lứa trong làng, ngửi thấy trong mùi gió là cậu cũng có thể cảm nhận được không khí tập nập của làng biển mỗi khi đoàn thuyền đánh cá trở về sau một chuyến đi biển...
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, khi đã tròn 15 tuổi, Lê Hận đã biết tự mình phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của mình. Ngoài ra, cậu còn có thể lên thuyền đánh cá, phân biệt được các loại ngư lưới cụ khác nhau. khắc khoải có được chuyến đi ra biển. Biết mấy đứa trẻ con trong làng đang đẩy thuyền thúng ra biển tập bơi, Lệ Hận cũng mò mẫm ra biển xin được lên thuyền ra biển. Thuyền thúng có dạng tròn, đối với người sang mắt lần đầu tiên ngồi lên, điều khiển còn khó, huống hồ chi là một người bị mù, nhưng ngay từ lần lên thuyền đầu tiên, Lê Hệ đã có ý thức tập luyện ngồi sao cho vững đoán hướng gió bằng tai, rồi tập luyện cách thả lưới, gỡ cá và làm các công việc lặt vặt khác của người đi biển.
Suốt mấy năm luyện tập với chiếc thuyền thúng gần bờ, khi đã thuộc nằm lòng những công việc của một ngư dân thực thụ, chàng thanh niên mù Lê Hận bắt đầu ước ao có một ngày được lên những chiếc thuyền lớn để ra biển đánh cá. Vì thương chàng thanh niên tội nghiệp nhưng có một ước mơ giản dị mà phi thường, người làng biển Xuân Hòa cũng đã đồng ý cho ông lên thuyền của họ đi ra biển. Chuyến đầu tiên, Lê Hận chỉ dám ngồi tựa mạn thuyền mà nôn thốc vì say sóng. Chuyến thứ hai Hận đã quen dần và không bị say sóng. Và đến chuyến thứ ba thì cậu đã tự mình thả lưới, gỡ cá như một ngư dân thực thụ. Thấy Hận tuy bị mù loà, nhưng rất gan dạ, dũng cảm và có trí nhớ tốt, biết phán đoán hướng gió, nghe tiếng mưa, tiếng sấm là ông đoán được tình hình thời tiết, mấy hộ ngư dân ở Xuân Hoà đã đồng ý cho ông góp vốn mua thuyền, làm ăn chung. Từ đó, Hận trở thành lao động chính trên thuyền sau hơn một năm đi khơi như những chàng trai làng biển khác. Từ đó những chuyến ra khơi, ông được chủ thuyền phân công ngồi vị trí cố định làm việc bủa trì, kéo trì, gỡ cá. Nhờ biết tập trung thính giác và độ nhạy nơi bàn tay cho công việc, nên lâu ngày Hận còn gỡ cá nhanh hơn cả những ngư sáng mắt có kinh nghiệm. Từ đó, suốt mấy năm ra khơi vào lộng với nghề đánh cá, chưa có công việc gì của một ngư dân mà Hận chưa từng trải qua.
Có công việc ổn định và tự nuôi sống được bản than, từ đó Hận không còn thủ phận, bi quan nữa mỗi khi có ai đó nhắc đến chuyện lập gia đình. Ông trời như có mắt khi đã cướp đi của Hận đôi mắt, nhưng bù lại đã cho ông có nhiều tài vặt và có giọng hát hay. Cùng với cái chất giọng nhẹ nhàng của người làng biển, Hận còn có giọng hát trầm trầm, nhưng tha thiết làm cho nhiều cô gái trong vùng “chết mê, chết mệt”. Theo tiếng gọi trong con tim của một chàng trai tròn tuổi 20, sau một ngày trên biển, tối đến Hận cùng với lũ con trai làng biển đạp xe gần 10 km vào xã Quảng Thanh để tìm vợ. Mê giọng hát của Hận và cảm phục trước nghị lực của anh, có một cô gái ở Quảng Thanh cũng đã đồng ý lấy anh, nhưng bị gia đình cô gái ngăn cản, nên tình duyên của Hận cũng không thành. “Thua keo này, bày keo khác”, được các bạn ngư phủ trong làng động viên, an ủi, Hận đã nguôi ngoai được câu chuyện cũ để bắt đầu tìm kiếm một tình yêu mới. Được mọi người trong thôn mai mối và ủng hộ, Lê Hận đã nên vợ nên chồng với cô Nguyễn Thị Long, người cùng thôn.
Có vợ, có gia đình, có thêm cuộc sống mới từ đó gánh nặng cơm áo gạo tiền càng làm cho người đàn ông mù phải lo toan nhiều hơn. Thấy người làng biển Xuân Hòa tìm vào Bình Thuận hành nghề đánh cá, năm 1982, Lê Hận đã đưa cả gia đình vào đó để tính kế sinh nhai. Quần quật đánh cá trên biển được 10 năm, tích cóp được một ít vốn, ông đang tính chuyện về xã Tân Hải, huyện Hàm Tân mở một trại chăn nuôi gia súc, thì năm 1993 khi bố ông ở quê mất, ông đành bán cả gia sản ở Bình Thuận để đưa cả gia đình về quê.
Về lại quê Xuân Hoà khi cuộc sống đã thay đổi và khấm khá hơn trước nhiều, gom mấy chục triệu tích cóp được từ 10 năm “tha hương” Lê Hận quyết định mua tàu cả để tiếp tục đi biển. Thời gian đầu lúc còn sức khỏe, ông Lê Hận cũng trực tiếp ra khơi để truyền dạy cho các con trai mình kinh nghiệm đi biển. Còn bây giờ khi tuổi đã ngoài 60, sức đã yếu, ông đã giao lại chiếc tàu đánh cá có công suất lớn cho 3 đứa con trai quản lý. Có tàu đánh cá của riêng mình, cuộc sống của gia đình ông Lê Hậ ngày càng khấm khá. Ông đã xây được một ngôi nhà khá khang trang để vui hưởng tuổi già ở ngay tại làng biển Xuân Hoà quê mình.