Quán cơm Caritas giáo xứ Lộ Đức nằm cách nhà thờ độ nửa cây số, khai trương ngày 12.11.2013, do một số thành viên trong Ban Bác ái giáo xứ thực hiện. Hằng tuần, quán chỉ nghỉ ngày Chúa nhật, còn lại mỗi ngày trung bình có 250 phần cơm giá rẻ được bán cho người nghèo và di dân trong vùng. “Cơm ngon mà giá chỉ có 7.000đ/suất. Nhờ có quán cơm mà cánh ba gác chúng tôi tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể. Cảm ơn các bà, các cô thật nhiều!”, ông Nguyễn Đình Thi, một “khách ruột” tâm sự.
Ý tưởng lập nên quán cơm tình thương đến với mọi người một cách khá tình cờ. Bà Bùi Thị Hoa – một trong những người khai sinh ra quán - nhớ lại thời điểm ban đầu: “Ngày kia, tôi đang xem truyền hình chiếu cảnh cuộc đời lầm lũi của nhiều người nghèo khổ, kế sau đó có chương trình nói về những quán cơm tình thương. Từ đó tôi nghĩ sao mình không làm công việc tương tự, bởi bên cạnh cũng có biết bao người cần giúp đỡ, và những suất cơm là điều trong tầm tay”. Bà đem ý tưởng trình bày với chị em trong nhóm và được ủng hộ nhiệt tình. Em ruột của bà Hoa là ông Bùi Văn Khoan thấy công việc ý nghĩa, cũng chung sức bằng cách cho mượn không gian. Hơn thế, ông còn tài trợ luôn tiền điện, nước, củi. Bếp cơm tình thương nhờ đó ra đời, từ sự vun vén của nhiều bàn tay.
Hằng ngày, vào 4 giờ sáng, khi tất cả vẫn còn đang yên giấc, thì đã có người lật đật dậy chuẩn bị đi chợ. Nhằm tiết kiệm chi phí, các chị phải lên chợ đầu mối cách đó mấy cây số để mua được đồ giá rẻ. Đến 7 giờ quán cơm bắt đầu đỏ lửa, gian bếp nhỏ trở nên ấm cúng bởi tiếng trò chuyện, nói cười. Khoảng 10 giờ thì tất cả xong xuôi để đón chào những vị khách đầu tiên. “Có ngày bận bịu tới độ không có thời gian ăn sáng, tới trưa cơm bán hết sạch, mọi người phải lót dạ bằng gói mì tôm. Dù vất vả nhưng được phục vụ người khác là niềm vui của bản thân. Hơn nữa thấy chị em trong nhóm sốt sắng, mình không thể chây lười để ảnh hưởng”, bà Quách Thị Nhung tươi rói kể. Tinh thần sẻ chia của nhóm từ đó còn khơi dậy sự đùm bọc của nhiều người trong vùng. Mấy chị cho biết, nhiều hôm rau không phải mất tiền mua, vì có người mang tới ủng hộ, khi khác mua được thịt cá với giá “mềm” hơn cũng nhờ những tấm lòng cảm thông. Chính sự chung tay này đã làm ấm thêm tình người nơi xứ đạo, giúp duy trì bữa ăn đều đặn ngày qua ngày.
Ngoài thành viên quán cơm, các chị còn đảm nhận trách nhiệm khác trong xứ như vào Hội chăm sóc bệnh nhân, Legio Mariae, Hội tận hiến… Do đó, lắm khi công việc ở quán vừa dứt, nhiều người phải đi lo phận sự khác. Khi được hỏi một lúc đảm đương nhiều việc, lại còn lo cho gia đình, các chị có cảm thấy mệt mỏi, thì tất cả đều trả lời: “Ở quán cơm là giúp cho người ta về vật chất, còn những công việc khác đồng hành với họ về tinh thần. Mỗi lần giúp một ai, dù trong phận vụ nào, cũng đều cảm thấy hạnh phúc và thanh thản tâm hồn. Mặt khác, dù bận rộn, chúng tôi vẫn luôn chu toàn bổn phận chăm sóc gia đình”.
Ban trưa quán cơm đông nghịt người vào ra, số đến ăn tại chỗ, số khác mua mang về, các chị phải tất bật không ngừng tay nhưng chả ai mặt nặng nhẹ, trái lại đều hiện lên niềm vui phục vụ. Những bữa cơm không chỉ san sẻ giúp người nghèo bớt đi gánh nặng, mà còn như chất keo giúp tình người gắn kết. Anh Hoa, một thợ xây làm nhà gần đó cho hay: “Chúng tôi đến quán, ngoài giá rẻ, còn cảm nhận được tình người”.
PHÚ THỊNH
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc