Gương điển hình

Ươm hạt giữa sóc...

Cập nhật lúc 09:01 21/03/2017
Từ khi đảm nhận sứ vụ mục tử, cha Phêrô Nguyễn Trung Viên, giáo xứ Đại Tâm - GP Cần Thơ như người thợ cần mẫn, gieo hạt mầm đức tin trên cánh đồng truyền giáo. Cha hòa vào hơi thở của buôn, sóc để chăm lo cho anh em người dân tộc.

        Người có duyên với những giáo điểm

        “Đến bây giờ, nghĩ về ơn gọi đi tu, bản thân mình vẫn còn ngỡ ngàng. Bạn bè, gia đình cũng từng nghĩ thế. Đó thực sự là hồng ân lớn lao”, cha Viên bồi hồi khi nhớ về chặng đường dấn thân theo ơn gọi. Sinh năm 1975 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc họ đạo Bãi Giá - Sóc Trăng, cha đi tu khá trễ, mãi đến năm 2003 mới quyết định theo con đường thánh hiến. Trước đó, cha từng có thời gian tham gia quân ngũ, rồi lại làm giáo viên âm nhạc. So với các bạn tu học cùng khóa tại Đại Chủng viện Thánh Quí - Cái Răng, cha lớn tuổi hơn, như một người anh cả. Có lẽ vì đã vững chãi và tích lũy nhiều kinh nghiệm ngay từ trước khi đi tu nên sau này trở thành linh mục, dù ở trong hoàn cảnh nào, cha cũng luôn hăng hái đón nhận sứ vụ và chu toàn cách tốt nhất.
 

        Thụ phong linh mục năm 2011, cha nhận bài sai về làm phó xứ Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Xứ đạo lâu đời, đông giáo dân, là môi trường tốt để cha mang những bài học và sự trải nghiệm phong phú ứng dụng vào mục vụ. Cái duyên với công việc truyền giáo cũng bắt đầu từ đây. Nhà thờ Phụng Hiệp nằm tại trung tâm thị xã Ngã Bảy, nơi miền sông nước, kênh rạch chằng chịt, việc đi lại sinh hoạt của giáo dân rất khó khăn, chủ yếu bằng phương tiện ghe, xuồng. Vị linh mục trẻ vừa phụ giúp cha chánh xứ những việc trong họ đạo, vừa đồng hành với bà con giáo dân tại giáo điểm Lái Hiếu đang trong quá trình gầy dựng, cách nhà thờ chừng 4 cây số. Ngoài ra, cha còn đảm nhận thêm lớp nhạc lý, các môn nghệ thuật cho các bạn dự tu của giáo phận tại Cần Thơ.

        Dù bận rộn, có khi phải chạy xe hàng trăm cây số mỗi ngày, đường sá khó khăn nhưng cha không quản ngại mà xem đó như niềm vui của đời dâng hiến. Mỗi lần thăm viếng bà con trong giáo điểm, ghé nhà ai, cha đều lưu ý đến vướng mắc họ gặp phải, cả trong sinh hoạt thường nhật lẫn đời sống đức tin, để có thể giúp đỡ. Chính vì gần gũi với dân nghèo, hiểu được cuộc sống cơ cực của bà con nên khi vị chủ chăn giáo phận - Đức Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên ngỏ lời cần một ứng viên du học về mục vụ dành riêng cho tín hữu Khmer, cha là người tiên phong xin đi. Năm 2014, cha theo học tại giáo phận Phnôm Pênh, Campuchia.

 

Với trẻ em nghèo vùng quê
Với trẻ em nghèo vùng quê

        Tháng 7.2016, cha được gọi về đặc trách họ đạo Đại Tâm, vùng truyền giáo tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng với hơn 1000 giáo dân là người Khmer. Việc đầu tiên khi về đây là cha tiếp nối vị tiền nhiệm củng cố đời sống đức tin cho 200 người trong họ đạo và hơn 1000 tín hữu tại cộng đoàn Phú Tâm, cách đó chừng 40 cây số. Hằng tuần, ngoài việc cử hành thánh lễ tại giáo điểm, ông cố trẻ lại lặn lội đến từng nhà thăm viếng, ai bệnh tật, khó khăn thì ngài phát quà, rồi động viên an ủi. Dịp đại lễ hay tất niên, cha thường tổ chức trao quà, phát thuốc cho giáo dân. “Giáo dân nơi đó đang rất cần mình. Dù dâng lễ trong căn nhà tạm bợ, xập xệ, chưa có vật dụng đầy đủ, vậy mà các anh em rất nhiệt tình”, cha kể.

        Mục vụ cho tín hữu Khmer

        Đại Tâm là xứ còn khá nghèo, dân cư thưa thớt, sống chủ yếu bằng nghề trồng rẫy, làm lúa và phần lớn làm thuê, hộ khá hơn thì nuôi bò, nuôi gà. Với đặc thù văn hóa nơi đây nên hoạt động mục vụ của cha xứ cũng có nhiều nét riêng biệt. Cha song hành theo nhu cầu của người dân. Chẳng hạn, các lớp giáo lý hôn nhân, dự tòng không tổ chức theo khóa mà mở thường xuyên. Bất kỳ ai, có thể học lúc nào, chỉ cần sắp xếp lịch cụ thể, ông cố trẻ đều đáp ứng. Các hội đoàn bước đầu được gầy dựng, dù vẫn còn khó khăn bởi giới trẻ trong giáo xứ (và cả khu vực lân cận) hầu như đi làm ăn xa, hoặc nếu không thì làm thuê, suốt ngày ngoài đồng chăn bò, chăm sóc lúa. Chỉ có một số ít người biết chữ phụ giúp dạy giáo lý hay tham gia phục vụ nhà thờ. Vì thế, chuyện học hành đối với thế hệ trẻ luôn được cha khích lệ. Vốn là giáo viên âm nhạc nên cha còn để ý phát triển năng khiếu cho thiếu nhi, giới trẻ qua việc mở các lớp dạy đàn. Những lớp học này thu hút rất đông các bạn nhỏ. Vị mục tử có tâm hồn nghệ sĩ cũng đã sáng tác nhiều bài ca cổ, khúc hát theo làn điệu dân ca bằng ngôn ngữ Khmer để thiếu nhi sinh hoạt, tập luyện.

 
Lắp đặt hệ thống xử lý nước sạch cho giáo xứ
Lắp đặt hệ thống xử lý nước sạch cho giáo xứ

        Giúp cộng đoàn giữ gìn bản sắc văn hóa luôn là điều cha lưu tâm. Dịp Tết cổ truyền Dolta hay những lễ hội quan trọng trong đời sống của tín hữu Khmer, cha tổ chức thánh lễ riêng. Nhận thấy việc rao giảng Thánh Kinh và phụng vụ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của người Khmer giúp giáo dân dễ tiếp thu hơn nên cha dần áp dụng bộ lễ bằng tiếng Khmer. Cả những bài hát, lời kinh cũng được chuyển ngữ để bà con Khmer cảm thấy gần gũi hơn. Còn biểu ngữ, khẩu hiệu trong nhà thờ, ông cố cho viết bằng hai ngôn ngữ.  Bà Neang Thy Vân, giáo dân trong xứ nói về sự tiện lợi này: “Ai không rành tiếng Việt thì đọc kinh bằng tiếng mình (tiếng Khmer), rồi từ từ học kinh tiếng Việt sau”. Thạch Chanh Phol, một thành viên của ca đoàn giới trẻ giáo xứ thì khoe: “Dịp Noel vừa rồi, nhà thờ có đêm diễn nguyện bằng tiếng Khmer. Bà con khắp nơi thích lắm, không chỉ giáo dân mà còn cả nhiều gia đình ở xa, không có đạo vẫn vào xem đến tận khuya”. Còn vị mục tử thì lý giải, đó là cách giúp bà con giữ được những nét đặc trưng của dân tộc.

        Cha cũng lặng lẽ quyên góp từ các nguồn từ thiện và mua thiết bị hệ thống xử lý nước, đặt ngay sau nhà thờ để giáo dân lấy nước sinh hoạt. Hôm chúng tôi đến thăm giáo xứ, nơi khuôn viên nhà thờ, ông cố đang loay hoay sửa mái hiên để những buổi sinh hoạt của bà con khỏi gián đoạn vì thời tiết bất thường. Hết việc này cha lại xông xáo vào việc khác, như người thợ thực thụ...

        Nơi địa bàn Sóc Trăng, cha Viên là một chứng từ sinh động trong việc phục vụ cộng đoàn tín hữu Khmer.

HÙNG LUÂN

Thông tin khác:
Hành trình đến với Chúa của phi hành gia mang Thánh Thể vào không gian (20/03/2017)
Thánh Martino Giám mục (16/03/2017)
Thánh Inhasiô (15/03/2017)
Độc đáo lớp giáo lý tại Bình Thủy (14/03/2017)
Lời kinh gia đình ươm mầm nên lòng đạo đức (13/03/2017)
Người mục tử trải sương gió cùng đàn chiên (13/03/2017)
Thánh Têrêsa Hài đồng (09/03/2017)
Mảnh vụn ký ức về gia đình tôi (09/03/2017)
Vài dòng tâm sự đầu năm con gà (01/03/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log