Gương điển hình

Về xứ đạo Đồng Bào

Cập nhật lúc 10:10 11/03/2010
Nói đến giáo xứ Kẻ Bèo, nhiều người nghĩ ngay đến nơi ẩn dật của các vị tử đạo lừng danh của Giáo hội Việt Nam trong thời kỳ vua quan bách hại đạo Chúa. Trước ngôi thánh đường của giáo xứ có một ngôi đền nhỏ tôn kính Cha Thánh Théophane Vénerd Ven. Trong thời kỳ cấm cách, Ngài cùng các vị khác về ẩn náu tại giáo xứ này.  Trong lần về cử hành nghi thức trọng thể làm phép hang đá Đức Mẹ tại Kẻ Bèo, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhấn mạnh: Thật là ý nghĩa khi chúng ta cử hành nghi thức trọng thể làm phép hang đá Đức Mẹ vào đúng ngày toàn thể giáo hội cùng mừng kính Đức Mẹ Sầu Bi, như vậy là chúng ta muốn dâng hiến trọn vẹn cho Trái tim đau khổ của Mẹ tất cả mọi ưu phiền, mọi niềm vui và ước nguyện trong cuộc sống để Mẹ bầu cử cho chúng ta trước toà Chúa. Giáo xứ Kẻ Bèo thật tự hào vì được ghi dấu chân của các anh hùng tử đạo Việt Nam, hạt giống đức tin và gương trung kiên của các Ngài luôn còn mãi và là động lực thúc đẩy đời sống đức tin của chúng ta không ngừng triển nở. Mỗi người trong chúng ta hãy luôn biết noi gương các bậc tiền nhân, luôn cố gắng sống và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời, dù thuận lợi hay gặp nghịch cảnh, chúng ta hãy luôn biết chạy đến với Mẹ Maria để xin người nâng đỡ dìu dắt chúng ta trên bước đường theo Chúa...
 
Chính xứ Kẻ Bèo có hơn 600 người, tất cả đều theo đạo Công giáo, ngoài ra còn có 6 họ lẻ khác là Hoà Trung, Hoàng Lý, An Bảo, Phú Thứ, Quán Nha, Quang Ấm. Xưa kia, Kẻ Bèo có tới 18 họ lẻ.Với lịch sử lâu đời, chính xứ Kẻ Bèo có nền tảng đức tin Công giáo vững chắc nên việc học giáo lí, kinh bổn  đã đi vào nền nếp và được duy trì vào các mùa chay.
Từ lâu, xứ đã có các hội đoàn như Mân Côi, Giu se, Giới trẻ, hội trống nữ, hội kèn đồng... Ngoài việc học giáo lí, phục vụ thánh lễ, giờ kinh, các hội đoàn còn thăm hỏi, động viên các gia đình mỗi khi có chuyện buồn. Vì thế mối quan hệ giữa các gia đình, quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng trở nên thân thiết. Ông Giuse Nguyễn Văn Thính- Chánh trương Kẻ Bèo cho biết, từ xưa tới nay trong xứ không có các tệ nạn xã hội. Các mâu thuẫn đều được các hội đoàn hoà giải ngay tại cơ sở nên không xảy ra khiếu kiện kéo dài,  an ninh trật tự thôn xóm luôn đảm bảo. Hằng năm, vào dịp lễ, tết, Cha xứ và Ban hành giáo đều thăm hỏi, tặng quà những người neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả những người không cùng tôn giáo ở các làng bên. Bà con cũng tích cực hưởng ứng các cuộc vận động vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị bão lũ. Một số hội người khuyết tật từ Hà Nội và một số tỉnh khác về Kẻ Bèo cũng được giáo dân động viên, góp tiền ủng hộ.
 
Thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” giáo dân Kẻ Bèo đã soạn thảo và thực hiện hương ước. Ban hành giáo còn đặt ấn phẩm báo chí để giáo dân nâng cao dân trí và cập nhật thông tin về đời sống xã hội. Nếu như trước khi có hương ước, mỗi khi có đám cưới, đám tang, các gia đình thường làm cỗ linh đình và kéo dài nhiều ngày gây tốn kém tiền của và thời gian thì ngày nay được tổ chức tiết kiệm, gọn nhẹ hơn nhiều. Nếu là đám tang thì an táng xong, những người nơi xa đến viếng viếng mới ăn uống.
 
Các đôi vợ chồng đã nhận thức được việc sinh sản có trách nhiệm, ý thức tốt việc sinh con với nuôi dạy con sao cho tốt nên tỷ lệ gia đình sinh con thứ 3 đang giảm dần.
 
Giáo dân Kẻ Bèo sống bằng hai nghề là làm ruộng và nấu rượu. Rượu làng Bèo thơm ngon nổi tiếng khắp cả nước, được Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Hà Nam nhiều lần đưa lên sóng. Cả làng nấu rượu vậy mà chẳng bao giờ lo ế. Mỗi dip cuối năm, nhất là tháng giáp tết Nguyên Đán, có gia đình nấu và bán tới hơn 3000 lít rượu. Giá rượu tại làng Bèo từ 22 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/lít nhưng khi đưa lên Hà Nội, giá tăng lên tới 50 nghìn đồng/ lít. Người dân làng Bèo cho biết, rượu làng Bèo được cất từ gạo nếp với 36- 40 vị men thuốc Bắc nên vừa thơm vừa “êm”. Người uống có quá chén cũng không lo đau đầu. Nhiều cô gái làng Bèo đi lấy chồng xa, mang theo nghề nấu rượu nhưng lạ thay vẫn gạo ấy, men ấy, quy trình nấu ấy mà rượu không thể ngon bằng nấu tại làng Bèo. Người dân giải thích rằng, chỉ khi nấu bằng nguồn nước tại làng Bèo thì mới có thể cho ra loại rượu ngon đặc trưng của làng Bèo.
 

Nấu nhiều rượu nên người dân đã đẩy mạnh chăn nuôi lợn để tận dụng bã rượu. Lợn ăn bã rượu sẽ tiêu hoá tốt, hồng da, chóng lớn. Mỗi gia đình ở làng Bèo thường xuyên có vài chục con lợn trong chuồng, mỗi năm xuất chuồng hàng chục tấn lợn, đem lại nguồn thu lớn trong việc phát triển kinh tế. Hiện nay làng Bèo chỉ còn một hộ nghèo do hoàn cảnh neo đơn, số hộ khá giả chiếm tỷ lệ trên 60%. Kinh tế phát triển, bà con đã tự góp tiền, góp công để bê tông hoá tất cả đường làng ngõ xóm. Tối đến, các bóng điện dọc các đường làng bật sáng, tiếng chuông nhà thờ ngân, người dân vui vẻ dạo bước đến nhà thờ nguyện cầu trong niềm tin vào Thiên Chúa và nét thanh bình của làng quê.

An Luých
Thông tin khác:
Giáo xứ Thổ Hoàng với chương trình 'Bát gạo tình thương' (27/02/2010)
Tốt đời đẹp đạo ở Kiện Khê (05/02/2010)
Đồng bào Công giáo tỉnh Bắc Ninh với phong trào thi đua yêu nước (02/01/2010)
Làng phong, làng giáo xưa, làng du lịch Hòa Vân nay mai. (29/12/2009)
ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO ĐỒNG NAI VỚI CÔNG TÁC TỪ THIỆN (24/12/2009)
Đồng bào có đạo làm theo gương Bác (13/12/2009)
Linh mục Phạm Bá Trực - người công dân trọn đời 'kính Chúa, yêu nước' (28/11/2009)
Nữ tu dòng Chúa Quan Phòng dấn thân phục vụ tha nhân và xây dựng quê hương (21/11/2009)
Một giáo dân tiêu biểu (16/11/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log