Suy tư - Chia sẻ

Sức mạnh của lời cầu nguyện

Cập nhật lúc 15:50 17/10/2019
Cầu nguyện làm cho con người được giải thoát
1. Cầu nguyện làm cho con người được giải thoát

Trước hết thân phận một bà góa dễ bị người ta coi thường, nhất là trong xã hội Do thái hay làng xã Việt Nam.  Bà góa nghèo cho nên đâu có tiền để hối lộ, vì thế tuy bà đã nhiều lần đến xin quan tòa minh xét mà ông ta không chịu. Theo tâm lý bình thường, chúng ta không thể kiên trì được như thế và chắc chắn sẽ bỏ cuộc.  Vậy mà bà góa này vẫn kiên nhẫn, vẫn tiếp tục đến với ông quan tòa để “quấy nhiễu” ông.  Kiên trì quấy nhiễu là lợi khí duy nhất bà góa có thể sử dụng để đánh bại sự vô tâm và bất chính của ông quan tòa!  Bà nhất quyết làm cho ông ta phải “nhức đầu nhức óc”. Cuối cùng, một bà góa lì lợm đã chiến thắng một ông quan tòa có quyền thế.  Ông đành phải xử cho bà chỉ vì không muốn nhức đầu nhức óc và bị quấy rầy.

Chúa Giêsu hoàn toàn khác với ông quan tòa bất chính kia. Chúa Giêsu thích chúng ta đến “quấy nhiễu” Người, giống như những đứa con tín thác vào sự chăm sóc của cha mẹ.  Cha mẹ cũng là người ôm trọn nỗi niềm của con, là người che chở cuộc đời con. Chúa Giêsu thích “nhức đầu nhức óc” vì lo lắng cho chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn và cần giúp đỡ. Chúa Giêsu đã quả quyết về những đặc điểm này của Thiên Chúa: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu Người sao?” (18,7) Thiên Chúa không “lặng yên” trước lời cầu xin của con cái đâu, Người sẽ mau chóng giải quyết. 

Chúng ta thường chỉ “cầu nguyện” cũng có nghĩa là cầu xin, khi nào cần điều gì đó.  Rồi khi đến xin Chúa, chúng ta lại muốn Người phải nhậm lời chúng ta ngay lập tức. Liệu chúng ta đang cầu nguyện như con cái nài xin cha mẹ hay “ra lệnh” cho cha mẹ đây? Nhiều lần và thời gian khá lâu là điều thường xảy ra khi chúng ta cầu xin Chúa điều gì đó. Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta làm gì, nói gì và có những tâm tình nào trong thời gian khá lâu ấy? Hay chúng ta dễ nản chí?  

2. Cầu nguyện làm cho con người được vững niềm tin

Thực tế giúp chúng ta nhận ra Chúa rõ ràng hơn, nhất là việc chúng ta nhiều lần đến với Ngài và Ngài im lặng thời gian khá lâu chính là những cơ hội để chúng ta sống mối tương quan yêu mến với Ngài thắm thiết hơn.

Trích thư thứ 2 của thánh Phaolô Tông đồ gửi ông Timôthê: “hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” (2Tm 4, 2).

Chúng ta không thể so sánh lối đối xử của ông thẩm phán bất lương với hành động của Thiên Chúa. Nếu người bất lương còn biết hành động để cầu an, để tống khứ một người quấy phá thì huống hồ là Thiên Chúa,  Ngài hằng nghe lời chúng ta cầu xin. Ngài hiểu biết chúng ta đang gặp khốn khó, đang chạy đến kều cầu. Nếu đôi khi, Ngài bắt chúng ta chờ đợi, không phải vì Ngài khước từ, nhưng để thử lòng và thanh lọc tư tưởng chúng ta.

Một nhà thực vật học, chuyên khảo cứu các loại cây cỏ có thể mọc và sống ở sa mạc, một hôm mải miết tìm tòi ở ven bờ sa mạc Sahara, chẳng ngờ đi lạc giữa cồn cát trắng không tìm được lối về. Thất vọng, ông bắt đầu cầu nguyện. Nhìn thấy trong nắng sớm, một khóm hoa xinh tươi chớm nở giữa đồng cát chơ vơ, ông nghĩ rằng Chúa là Cha đã tô điểm vũ trụ xinh đẹp sẽ không từ bỏ lời cầu xin của người con chân thành, và ông càng thêm trông cậy phó thác. Ông ngắt cành hoa như một bảo chứng cầm tay và tìm lại được lối về, đem cành hoa khô” sớm nở chiều tàn”, dâng lên như của lễ tạ ơn. “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ cửa sẽ mở cho”.

3. Cầu nguyện làm cho con người tự do lên đường

Sự tôn thờ Thiên Chúa và từ bỏ chính mình đòi hỏi sự trưởng thành trong Chúa Thánh Thần, nó buộc ta biến sự chiêm niệm của mình thành việc làm cụ thể bằng cách chia sẻ với tha nhân hoa quả chiêm niệm của mình. Thánh Gioan Tông đồ viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được”? (I Gioan 3, 16-17). Một người cảm phục Gerard Manley Hopkins có lần hỏi nhà thơ dòng Tên lỗi lạc: Làm sao cha ấy có thể yêu mến Chúa với lòng nhiệt thành giống như những bài thơ của Hopkins đã diễn tả một cách thật tài tình? Cha Hopkins trả lời ngay: “Hãy bố thí”. Nói cách khác, nếu ta muốn yêu mến Chúa nhiều hơn, ta phải chia sẻ với tha nhân cách quảng đại trong nhu cầu tình yêu mà Chúa đã ban cho ta.

Để kết luận, lòng ước ao làm cho đời sống cầu nguyện sâu sắc hơn là một dấu hiệu xác thực rằng ta đã nắm chắc được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Đó là, như Brother Lawrence of the Resurrection nói với ta: mục đích tối hậu và ơn gọi cao nhất của con người là: “Trong khả năng mà ta có thể, hãy hãy trở nên người hoàn hảo nhất kính mến Thiên Chúa”. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.
 
Lm Gioan Trần Xuân Cầu
Thông tin khác:
Đức Mẹ đánh thức tôi (16/10/2019)
Biến đổi đời con Chúa ơi (07/10/2019)
Đức Mẹ cảm hóa tôi (04/10/2019)
Xin ban thêm lòng tin cho chúng con (01/10/2019)
Chút tâm tình với Đức Mẹ sầu bi (30/09/2019)
Sống đức tin mới đem lại ơn cứu độ (27/09/2019)
Đào tạo lương tâm (26/09/2019)
Đạo đức về những khoảng cách (18/09/2019)
Sống khôn ngoan theo con cái ánh sáng (17/09/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log