Đức Giêsu chữa lành người mù từ thuở mới sinh, tranh của họa sỹ El Greco năm 1567. |
Lời Chúa của Chúa nhật IV Mùa Chay năm A, xoay quanh chủ đề ánh sáng và bóng tối. Nhưng thông điệp mà Thiên Chúa muốn nhắn nhủ cho chúng ta đó là ánh sáng và bóng tối của cõi lòng, của tinh thần, không phải của vật chất. Ánh sáng và đêm tối vật lý, chúng ta nhận ra được, nếu chúng ta không bị mù; nhưng bóng tối và ánh sáng của cõi lòng thì không dễ gì nhận ra được, có khi người mù lại phân biệt được, còn người sáng mắt thì không. Vì thế, chúng ta cần được một đấng thông suốt mọi sự để dạy chúng ta. Đấng đó là chính Đức Giêsu Kitô.
Trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa chọn Đavít lên ngôi vua để thay thế vua Saun mà tiếp tục chăn dắt dân riêng của Người. Vậy, Thiên Chúa dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn? Một chàng thanh niên cao to lực lưỡng, như ông Samuel nghĩ ư? Không phải! Một người thông minh tài giỏi ư? Cũng không! Kinh Thánh miêu tả: Đavít là một đứa con út của ông Giesê, cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn (1 Sm 16, 12). Một người cao to thì không ai gọi là xinh xắn được.”Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16, 7). Đavít vừa là đứa con út vừa không có bộ vó của một ông vua như Saul. Nếu xét theo tiêu chuẩn của con người, Đavít không xứng đáng làm vua; nhưng Đức Chúa đã chọn và xức dầu tấn phong cậu. Tại sao? Trước tiên để cho mọi người thấy đó là việc làm của Thiên Chúa, chứ không do công trạng của con người. Ngài có thể biến một trẻ yếu ớt theo tiêu chuẩn con người thành một vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử của Dothái. Thứ hai, tiêu chuẩn làm vua của Dothái phải là người biết kính sợ Thiên Chúa và lo lắng cho dân được an cư lạc nghiệp, Đức Chúa đã nhìn thấy những nét đẹp này nơi tâm hồn của Đavít mà người đời không thấy được. Tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa là tấm lòng. Vậy nên, chúng ta hãy làm mọi việc với tấm lòng yêu mến, đừng làm vì danh-lợi-thú.
Trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô ở bài đọc hai, thánh Phaolô nhắc các tín hữu nhớ rằng, Đức Kitô là Ánh Sáng, Ánh Sáng của lương thiện, của công chính và chân thật. Ánh sáng đó mang đến sự sống vĩnh cửu cho con người, đừng làm những việc mờ ám nữa, kẻo lại rơi vào bóng tối của sự chết. Đó cũng là điều mà Chúa muốn cảnh tỉnh mỗi người chúng ta hôm nay, ngay lúc này. Khi các tín hữu lãnh nhận bí tích Rửa tội, là họ đoạn tuyệt với mọi bóng tối của cuộc sống cũ với những thói quen xấu xa và đam mê bất chính của nó; để mặc lấy Đức Kitô là ánh sáng và sự thật. Họ không chỉ tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô; nhưng còn phải thực hành những gì Ngài dạy để trở nên những con cái của ánh sáng, những người luôn biết làm những gì chân thật, biết sống công chính và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Để có thể thực hiện những điều này, họ phải dứt hẳn ngay cả việc nói tới những tội lỗi cũ, vì nó tạo cơ hội cho họ trở về với nếp sống cũ. Ánh sáng đồng nghĩa với Lời Chúa, nếu một người chịu để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời và sống như vậy, họ sẽ ra khỏi chốn tối tăm và bước vào ánh sáng; nhưng nếu con người không chịu để cho Lời Chúa soi dẫn cuộc đời, họ sẽ ngủ mê trong bóng tối, tử thần sẽ hướng dẫn và cướp đi cuộc đời của họ.
Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt cho một người bị mù trong ngày sabát, nên đã tạo thành cớ cho những người Pharisêu chia rẽ nhau. Một số người Pharisêu cho rằng Đức Giêsu không thể là người của Thiên Chúa được, vì người của Thiên Chúa thì không vi phạm ngày sabát. Một số khác thì phản đối rằng, một kẻ tội lỗi (theo họ, vi phạm ngày sabát là có tội) sao có thể làm được những dấu lạ như vậy? (Ga 9, 16). Trong cuộc sống, chúng ta luôn có những ý kiến trái chiều nhau khi nhìn nhận một sự kiện. Việc tốt sẽ trở thành xấu trong mắt của những người có thành kiến. Một khi đã không thích người nào đó, thì chúng ta tìm mọi lý do để nói không tốt về họ, thậm chí là xuyên tạc và bóp méo sự thật. Như thế, chúng ta đang đi trong bóng tối, mà đi trong tối tăm thì cho dù mắt chúng ta vẫn mở nhưng chẳng thấy gì ngoài bóng tối.
Giữ luật là điều tốt, nhưng trong luật phải có tình người. Luật được làm ra là vì con người, chứ không phải con người vì luật. Chúa Giêsu cũng đã dạy chúng ta rằng, luật tối hậu là luật của yêu thương. Thánh Phaolô đã tóm kết trong câu nói “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Một khi chúng ta đặt sai vị trí của lề luật, thì sẽ là gánh nặng và gây đau khổ cho người khác.
Anh mù đã bị những người Pharisêu trục xuất ra khỏi hội đường vì anh nói lên sự thật. Còn người Pharisêu thì vẫn cố chấp không tin nhận điều mà họ đã mắt thấy tai nghe. Khi người ta nhận ra sự thật rồi, mà vẫn không nhìn nhận đó là sự thật, thì được gọi là cố chấp, người cố chấp là người mù. Họ không mù về thể lý nhưng mù về chân lý. Người cố chấp đó, không thuộc về Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Chân Lý.
Chúa Giêsu muốn tất cả các môn đệ của Ngài hãy tiếp tục và kiên trì bước đi dưới ánh sáng của “Lời,” đồng thời tiếp tục công cuộc rao giảng nước Thiên Chúa khi còn có thể. “Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến không ai có thể làm việc được” (Ga 9, 4). “Sáng” là ngày chúng ta còn sống. “Đêm” là ngày tận thế, sự chết.
Chúng ta hãy tập nhìn và đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Để được như thế, chúng ta phải để cho Lời Chúa soi sáng và thấm nhập tâm hồn. Khi chứng kiến những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm nơi tha nhân, chúng ta hãy suy nghĩ cẩn thận đến ngọn nguồn để nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mặc khải. Đừng bao giờ để những tự ái, ghen tị, và lợi nhuận thống trị, để rồi chúng ta từ chối luôn cả những gì Thiên Chúa thực hiện.