Suy tư - Chia sẻ

Bí tích yêu thương

Cập nhật lúc 13:56 24/05/2024
Lễ Mình máu Chúa Kitô, năm B; Bài đọc 1: Xh 24,3-8; Bài đọc 2: Hr 9,11-15; Tin Mừng: Mc 14,12-16.22-26
Chúa Kitô Giêsu đã biến cuộc đời mình thành tấm bánh cho cuộc sống chúng ta.
Chúa Kitô Giêsu đã biến cuộc đời mình thành tấm bánh cho cuộc sống chúng ta.
Bí tích Thánh Thể cũng được gọi là Bí tích Yêu Thương - Sacramentum Caritatis. Qua bí tích này, Đức Giêsu muốn thông hiệp với chúng ta một cách mật thiết và trọn vẹn, hết sức có thể. Người muốn vạch ra cho ta một linh đạo, qua đó chúng ta từng bước nên hoàn thiện bằng cách sống hết ý nghĩa của Bí tích Yêu Thương này.
Đức Giêsu đến và chạm vào cõi lòng mỗi người tin. Ngài đặt trong tâm khảm mỗi chúng ta khát vọng Yêu và Được Yêu. Vì Yêu nên Chúa đã trở nên tấm bánh nhỏ bé cho tất cả chúng ta. Chừng nào chúng ta yêu là ta cũng trở nên tấm bánh cho anh chị em mình. Dù tấm bánh của mình đôi khi bị sứt mẻ, không hoàn hảo, nhưng chúng ta cố gắng trở nên tấm bánh trong hoàn cảnh của mình; tin chắc rằng tấm bánh ấy sẽ trở nên đẹp đẽ hơn, nhờ vào việc mình nỗ lực yêu thương tha nhân. Khi chúng ta có kinh nghiệm yêu thương với Chúa tốt, chắc chắn chúng ta sẽ có khả năng yêu thương anh chị em mình tốt nhất.
Các biến cố quan trọng nhất của Kinh Thánh đôi khi là những biến cố được trình bày cách vắn tắt hơn cả. Sách Xuất Hành trình thuật cho ta thấy việc kí kết giao ước giữa Thiên Chúa với ông Môsê. Ở đây chúng ta thấy Giao ước, sẽ chi phối đời sống Ixraen, được kí kết ở núi Xinai. Hai cảnh kí kết Giao ước: trước nhất, ông Môsê và các kì mục Ixraen thấy vinh quang Thiên Chúa trên núi Xinai. Sau đó, khi ông Môsê trở lại, dân kí kết giao ước bằng một hi tế trọng thể.
Ông Môsê đi lên cùng bảy mươi kì mục. Giao ước là một sự việc mới lạ và rất siêu việt đến nỗi sự cam kết của dân không thể dựa trên một mình kinh nghiệm thiêng liêng của ông Môsê. Bảy mươi chứng nhân có thể nói điều họ đã thấy. Trèo lên ngọn núi cao chót vót, sững sờ trước cảnh uy nghiêm hùng vĩ dưới ánh nắng chói chang, họ được chuẩn bị để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Đức Chúa hiện diện, và học thấy Người cách mầu nhiệm, trong phạm vi người ta có thể thấy Thiên Chúa hằng sống mà chưa bao giờ có ai thấy cả (x.Ga 1,18).
Đây là máu giao ước (c.8) theo tập quán xưa, máu các vật hi sinh được rảy trên hai bên liên quan đến hợp đồng. Bàn thờ tượng trưng Đức Chúa nhận phần máu của mình. Chúng ta nhớ các chi tiết này khi nghe Đức Giêsu tuyên bố trong bữa tiệc li: Đây là máu giao ước sẽ đổ ra vì muôn người (x. Mt 14,24).
Nhờ các tấm bia đá, dân sẽ có một kỉ niệm về cuộc gặp gỡ ở Xinai. Cùng với các kỉ niệm khác thời ở trong sa mạc, các tấm bia đá được giữ trong một hòm bằng gỗ quí gọi là Hòm Bia Giao Ước.
Với thời gian, con cái Ixraen lãng quên lời mình đã cam kết với Thiên Chúa trước khi Người ban Mười Lời được khắc ghi trên tấm bia đá này. Con cái Ixraen sẽ coi hòm bia là báu vật bảo đảm cho sự che chở của Thiên Chúa (1Sm 4,3). Hòm bia sẽ mất lí do tồn tại và Thiên Chúa sẽ cho hòm bia biến mất trong thời đất nước suy vi. Cũng vậy, các tượng chúng ta thờ sẽ biến mất và các thánh đường đáng kính của chúng ta sẽ trống vắng, nếu chúng ta đến đó mà quên đi sự hiện diện của Đức Kitô ở giữa chúng ta.
Tác giả thư gửi tín hữu Hípri cho ta biết nhờ hi lễ của Đức Giêsu Kitô, các tín hữu được thừa hưởng phúc lộc của thế giới tương lai, tức là phúc lộc vĩnh cửu đã thể hiện ngay từ bây giờ. Hình ảnh cái lều này ám chỉ thân xác Phục sinh của Đức Kitô; cũng có người hiểu về các tầng trời Người đã băng qua.
Đức Giêsu cũng đã đổ máu ra làm lễ tế. Máu của Người cao quý và giá trị hơn mọi thứ máu của súc vật ở mức độ không thể so sánh được, vì bản thân Người là Đấng chí thánh thừa sức thanh tẩy lương tâm con người và kết hợp mọi người với Thiên Chúa. Trung gian là một danh từ chuyên môn đặc biệt dành cho Đức Kitô vừa là người lại vừa có đầy đủ thần tính (Cl 2,9), Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.
Mặc dầu đặt bữa Tiệc Ly trong khung cảnh tiệc Vượt Qua, hình như tác giả Máccô không muốn nhấn mạnh đến diễn tiến trong nghi lễ Do Thái. Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng; bẻ bánh và phân chia bánh là hai tác động có ý nghĩa: những người đồng bàn cùng chia một chiếc bánh. Hai tác động này diễn tả tính cộng đoàn của bữa Tiệc li. Chén rượu với lời tạ ơn là chén rượu của bữa tiệc Vượt Qua. Đức Giêsu dùng chén rượu này để tuyên bố thiết lập Giao ước Mới. Máu Giao Ước ám chỉ đến Xh 24,8. Theo trình thuật này (Xh 24,1-8), Giao ước Xinai được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Ítraen. Trong nghi lễ Giao ước Xinai, người ta sát tế bò làm hi lễ kì an. Máu bò được rảy lên bàn thờ và lên dân chúng; máu đó là dấu chỉ tương quan mới, sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và dân Ixraen. Trong thời mới này, máu Đức Giêsu là yếu tố nhờ đó Giao ước Mới được thiết lập. Máu của Người cũng là dấu chỉ sự hiệp thông mới giữa Thiên Chúa và dân mới là toàn thể cộng đoàn tín hữu. Máu đổ ra chỉ cái chết trên thập giá. Cái chết của Đức Giêsu mang tính cách đền tội thay cho muôn người, nghĩa là mọi người, theo đặc ngữ Hípri. Cái chết này nhắm mục tiêu gây lợi ích cứu độ cho mọi người (vì muôn người). Đức Giêsu và các tín hữu được cứu độ sẽ uống rượu mới tại bữa tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa. Đó là một hình ảnh dùng để diễn tả sự hợp nhất nên một, sự hiệp thông trọn vẹn và chung cuộc của các môn đệ với Đức Giêsu và Thiên Chúa.
 
Phó tế Phêrô Lôrensô Võ Quý An
Thông tin khác:
Đức Mẹ dạy tôi: Hãy cùng vơid Mẹ nói lời xin vâng (24/05/2024)
Tình yêu cứu độ nơi Ba Ngôi Thiên Chúa (24/05/2024)
Dổi mới của tôi là trở thành con người sám hối (24/05/2024)
Thánh Thần, Đấng đổi mới canh tân (13/05/2024)
Tâm sự của một người thầy (13/05/2024)
Sống chứng nhân và nhân chững về Chúa Kitô (03/05/2024)
Trái tim Chúa Giêsu đã dạy tôi (03/05/2024)
Yêu như Thầy yêu (24/04/2024)
Yêu mến “người nhà Chúa” (24/04/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log