Suy tư - Chia sẻ

Sống chứng nhân và nhân chững về Chúa Kitô

Cập nhật lúc 10:21 03/05/2024
Chúa nhật Thăng Thiên, Năm B; Bài đọc 1: Cv 1,1-11 Bài đọc 2: Ep 4,1-13; Tin Mừng: Mc 16,15-20
“Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”. (Lc 24,51). Ảnh: CTV

Chúng ta đang sống những ngày cuối mùa Phục sinh: mùa của niềm vui, hoan lạc; vì Chúa Phục sinh chiến thắng Tử thần và mở ra cho chúng ta con đường dẫn vào sự sống viên mãn. Thế nhưng, theo con mắt con người, Lời Chúa của lễ Thăng Thiên dường như cho ta cảm giác buồn: buồn vì Chúa về trời, buồn vì Chúa không còn đồng hành với con người nữa. Nhưng suy cho cùng, sứ điệp Tin Mừng không dừng lại nỗi chia ly cho bằng đáp trả lời mời gọi loan báo Tin mừng của Đấng Phục sinh. Như lời Ngài đã nói: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16,7). Cái lợi của các ông là lớn lên trong tình yêu với Thiên Chúa, để sẵn sàng làm chứng cho cái chết và Phục sinh của Đức Kitô. Trở nên nhân chứng và chứng nhân giữa thế gian.
1. Trở nên nhân chứng
Ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã đem đến cho con người một nền giáo lý mới, khác xa so với những gì mà giới lãnh đạo tôn giáo bây giờ trình bày. Một nền giáo lý khác lạ đến nỗi họ phải thốt lên: “Người dạy thì uy quyền, giáo lý thì mới mẻ…”. Nền giáo lý không dựa trên lề luật nhưng dựa trên tình yêu. Đức Giêsu đã dùng tình yêu để ứng xử với con người, với những người bị dân chúng bỏ rơi; những người bị giới lãnh đạo tuyên bố là ô uế. Ngài dùng tình yêu để cứu vớt (chữa bệnh trong ngày sabath), để giải thoát con người. Hơn nữa, Ngài dùng tình yêu để tha thứ cho kẻ lầm lỗi (Maria Magdala, Matthêu…). Và đặc biệt Ngài dùng tình yêu để tha thứ cho những kẻ giết mình và cứu con người khỏi tình trạng nô lệ bằng cái chết đau thương trên Thập giá.
Tất cả những điều đó, các tông đồ đã được chứng kiến. Thế nhưng các ông vẫn chưa hiểu những việc làm đó của Đức Giêsu, mãi khi Thánh Thần ngự xuống, soi lòng mở trí, họ mới hiểu những việc làm đó của Thầy mình. Và họ nhận ra rằng, con đường mình đang đi là tiếp nối con đường của Thầy mình.
Bài đọc 1, sách Công vụ tông đồ nhắc cho chúng ta thấy bổn phận và trách nhiệm của những người bước theo Đức Kitô. Trách vụ đó là, nhớ lại những công việc tốt đẹp mà Đức Giêsu làm và đã dạy: “Tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu đã làm, và những điều Ngài dạy” (Cv 1,1). Những việc Đức Giêsu đã làm là những việc nào? Cả bốn Tin Mừng thuật lại rất nhiều việc tốt đẹp mà Ngài đã làm: chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, cho kẻ chết sống lại…Và lời Ngài dạy là: “anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 15,13). Với mệnh lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15), các tông đồ có bổn phận nói cho con người biết về những việc tốt đẹp Đức Giêsu đã làm khi Ngài còn ở dương thế. Các ông phải giới thiệu cho con người biết những việc đó khởi đi từ một con người nhưng cũng là Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa làm người và cự ngụ giữa con người, đã có những hành động chứng tỏ tình yêu vô vị lợi mà Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu đó đạt đến viên mãn và tột cùng qua cái chết của Đức Giêsu, cái chết vì tình yêu cứu độ. Nhưng tình yêu đó còn lớn hơn khi cho Đức Giêsu sống lại sau ba ngày chôn trong mồ. Sự Phục sinh của Đức Giêsu mở ra con đường vĩnh cửu cho nhân loại. Mệnh lệnh đó thôi thúc các tông đồ ra đi để giới thiệu về những hành động của một Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu. Hơn nữa, nói cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa không dừng lại nơi cái chết mà còn làm cho Đức Giêsu toàn thắng nhờ sự phục sinh. Các ông phải là nhân chứng cho điều này.
Chúng ta là những người đã được rửa tội, có cùng một niềm tin như các tông đồ xưa, cho nên chúng ta cũng được mời gọi thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô là trở nên nhân chứng cho con người hôm nay. Hơn nữa, mệnh lệnh còn mời gọi các tông đồ cũng như mỗi chúng ta hãy trở nên chứng nhân về Đức Kitô.
2. Trở nên chứng nhân
Nhân chứng tức là làm chứng về việc làm và hành động của Chúa Giêsu. Còn chứng nhân là làm chứng về một con người. Con người đó là Đức Giêsu Kitô. Biến cố Đức Giêsu được rước về trời mở ra con đường về thiên quốc cho những ai phó thác đời mình cho Thiên Chúa. Đức Giêsu về trời Ngài không để lại một bảo bối không như người đời thường làm. Ngài chỉ để lại bình an cho các tông đô kèm theo mệnh lệnh trở nên chứng nhân cho Ngài: không vàng bạc châu báu hay bí quyết làm giàu. Nhưng hãy ra đi với bàn tay trắng và sự tín thác để làm chứng cho Đức Kitô. Và phần thưởng cho những ai tin là được cứu độ. Tin vào những lời các ông rao giảng, và tin vào Đức Giêsu, Đấng đã chết và sống lại. Những ai tin sẽ được Thiên Chúa cho vượt thắng những giới hạn của con người, làm những việc phi thường ngoài khả năng, sức mạnh con người: “họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có nhằm uống thuốc độc, thì cũng chẳng sao” (bài Tin Mừng). Đó là phần thưởng họ lãnh nhận khi còn sống và họ sẽ còn sở hữu phần thưởng mai hậu nữa. Sở dĩ họ làm được những việc phi thường như thế là nhờ có Chúa hoạt động trong họ. 
Chúng ta cũng được mời gọi trở nên chứng nhân về Chúa Kitô cho con người. giới thiệu cho con người về Đức Giêsu, một con người hoàn hảo, đầy yêu thương. Một con người dám dùng cái chết để minh chứng tình yêu cho nhân loại. Sống chứng nhân về Chúa Kitô là sống một lối sống yêu thương, khiêm tốn, nhẫn nại, vị tha, bác ái với mọi người…như lời mời gọi của thánh Phaolo trong bài đọc 2. Bởi tuy nhiều bộ phận nhưng chì có một thân thể duy nhất là Đức Kitô. Tất cả đều được lãnh nhận ân sủng từ Thiên Chúa không gì khác hơn là hầu xây dựng thân thể Đức Kitô.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không nhắm quảng diễn biến cố Thăng Thiên như nỗi buồn cho những ai theo Đức Kitô, cho bằng đón nhận mệnh lệnh trở nên chứng nhân và nhân chứng cho Ngài. Sống chu toàn mệnh lệnh qua cung cách sống tốt đẹp: từ bi, vị tha, bác ái, nhẫn nại…là thực thi mệnh lệnh đó cách hoàn hảo và sống chiều kích ngưỡng vọng Nước Trời.
Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Cường
Thông tin khác:
Trái tim Chúa Giêsu đã dạy tôi (03/05/2024)
Yêu như Thầy yêu (24/04/2024)
Yêu mến “người nhà Chúa” (24/04/2024)
Hiệp nhất trong Thiên Chúa và trong Giáo hội (24/04/2024)
Yêu thương là một chuyến đi (24/04/2024)
Ngày mai sẽ ra sao (11/04/2024)
Vị Mục tử đich thực (11/04/2024)
Vì sao tháng 5 lại được coi là tháng Đức Mẹ? (05/04/2024)
Gặp gỡ Đức Giêsu Phục sinh (05/04/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log