Suy tư - Chia sẻ

Tình yêu cứu độ nơi Ba Ngôi Thiên Chúa

Cập nhật lúc 13:20 24/05/2024
Chúa nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, năm B; Bài đọc 1: Đnl 4,32-34.39-40; Bài đọc 2: Rm 8,14-17; Tin Mừng: Mt 28,16-20

Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần.
Sáng danh Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần.

Kết thúc mầu nhiệm cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu là lễ Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là mầu nhiệm trổi vượt trên mọi mầu nhiệm trong đạo, với một thời gian rất dài, mỗi ngày một đậm nét hơn, cho đến khi được định tín. Thường chúng ta chỉ nhìn mầu nhiệm khổ nạn và Phục sinh ở nơi Chúa Kitô, mà quên đi nhân tố tiên khởi của sự cứu độ là ý Chúa Cha và chính Thần Khí của Chúa Cha đã tác động và hỗ trợ cho Chúa Giêsu hoàn tất nơi thập tự và được sống lại để minh chứng khởi điểm của ơn cứu độ cho nhân thế. Chính Ba Ngôi Thiên Chúa là nhân tố cho ơn cứu độ nhân loại chúng ta qua mọi thời từ Cựu Ước đến Tân Ước.
Qua bài đọc trích từ sách Đệ Nhị Luật, ca ngợi sự cao vời khôn ví của Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất, siêu việt và hoàn vũ và đầy lòng khoan dung, tha thứ. Đây là dung mạo của Chúa Cha. Vị Thiên Chúa này, hiện diện trong lịch sử, chính là Đấng Sáng Tạo, Ngài ngự trị “trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa (Đnl 4,39)”.
Nơi Người đã phát xuất nhiều những đặc tính khác nhau. Ngài là Thiên Chúa gần gũi với loài người và rất mực nhân từ. Trong Cựu Ước, con người đã dựa vào lòng “nhân hậu, từ bi, giàu nhân nghĩa và thành tín” mà dâng lời cầu xin ơn phù trợ và tha thứ. Thiên Chúa đã tha thứ, cứu độ dân Do Thái bất trung và cứng đầu cứng cổ. Ngài đã dẫn dắt họ suốt con đường qua sa mạc cũng như cả dòng lịch sử của họ. Đó là Thiên Chúa của Cựu Ước, một Thiên Chúa của sự tha thứ, yêu thương luôn luôn hiện diện với con người để trợ lực và cứu giúp họ.
Qua đó, tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu là một quà tặng quý giá đã được ban cho con người mà Tin Mừng Gioan có nói rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). 
Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa và tình yêu này đã được ban cho nhân loại qua Người Con chí ái của Thiên Chúa. Tình yêu không phán xét, chỉ muốn cứu độ. Và trần gian chỉ có thể làm một hành động duy nhất đó là: Chúng ta tự do để cho tình yêu của Thiên Chúa cứu độ. Vì thế, tin có nghĩa là sẵn sàng mở rộng tâm hồn để đón nhận chính Thiên Chúa. Ai đã đóng kín lòng mình trước chân lý và tình yêu của Thiên Chúa thì người đó đang từ chối tình yêu thương của Người ban tặng cho chúng ta… 
Như thế cuộc đời của một người Kitô hữu có thể nhờ hồng ân mà chúng ta nhận ra tình yêu của Chúa Cha ban cho qua Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cùng cảm tạ tình yêu đó bằng chính đời sống của mình. Chúng ta hãy phát huy tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa để cùng tạo ra những hoa trái của Chúa Thánh Thần cho thế giới hôm nay.
Mỗi người chúng ta là khí cụ của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa sẽ biến đổi chúng ta trở thành những trái ngọt cho anh em, thành bánh nuôi sống cho nhân loại đang hiện diện. Chúng ta ra đi với niềm vui và ân sủng đồi dào của Thiên Chúa trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần.
Qua đó, trong bài đọc hai được trích từ thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô cho thấy tác động biến đổi của Chúa Thánh Thần trên cuộc sống của người Kitô hữu. Như vậy, thánh nhân nhấn mạnh đến ơn ban được làm nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần. Thế nhưng, nếu ơn nghĩa tử này làm cho người Kitô hữu trở nên anh chị em của Đức Kitô, thì thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta vào trong con đường Thập giá của Đức Kitô, chính là tình yêu tuyệt đỉnh của ơn cứu độ, trước khi cho chúng ta được dự phần vào vinh quang của Ngài. Cho nên, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là một mầu nhiệm xa vời. Chính trong Chúa Giêsu Kitô mà Thiên Chúa ẩn kín đã trở thành Thiên Chúa mạc khải, trở thành Thiên Chúa của thực tại và tương lai của chúng ta. 
Là một con người thì không thể nào hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, đó là màu nhiệm trên tất cả các mầu nhiệm. Giáo lý dạy chúng ta: Một Chúa nhưng có Ba Ngôi và Ba Ngôi chỉ là một Chúa. không thể nào lấy ví dụ những vật chất để giải thích về mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Mầu nhiệm của tôn giáo không phải ban cho nhân loại để kích thích hay giáo dục lý trí và con người cũng không bao giờ đủ trí hiểu để giải thích về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm được ban để cho con người là để cảm nghiệm và để sống, vì tất cả mọi mầu nhiệm được ban chỉ mục đích duy nhất là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”, tất cả mọi mầu nhiệm là vì tình thương của Thiên Chúa đối với loài người.
Người Kitô hữu là người yêu mến Chúa Giêsu, là con người thực hiện tình yêu cụ thể qua việc giữ Lời của Chúa Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Thế nhưng, con người không thể nào vượt qua quy luật của vật chất để đi vào tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa được. Nếu chúng ta đạt được, thì đó là do bởi ơn trên chứ không thể do khả năng của mình, chính Thần Khí mới giúp chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Như thế, khi con người biết yêu thương là con người đi vào mầu nhiệm cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta chỉ cảm nghiệm và sống đời sống cảm tạ mà thôi, điều đó luôn đủ cho chúng ta được hạnh phúc mãi mãi trong tình yêu cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Linh mục Phêrô Vũ Minh Tuân
Thông tin khác:
Dổi mới của tôi là trở thành con người sám hối (24/05/2024)
Thánh Thần, Đấng đổi mới canh tân (13/05/2024)
Tâm sự của một người thầy (13/05/2024)
Sống chứng nhân và nhân chững về Chúa Kitô (03/05/2024)
Trái tim Chúa Giêsu đã dạy tôi (03/05/2024)
Yêu như Thầy yêu (24/04/2024)
Yêu mến “người nhà Chúa” (24/04/2024)
Hiệp nhất trong Thiên Chúa và trong Giáo hội (24/04/2024)
Yêu thương là một chuyến đi (24/04/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log