Suy tư - Chia sẻ

Yêu như Thầy yêu

Cập nhật lúc 15:48 24/04/2024
Chúa nhật VI Phục sinh, năm B; Bài đọc 1: Cv 10,25-26. 34-35. 44-48; Bài đọc 2: 1Ga 4,7-10; Tin Mừng: Ga 15,9-17
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.
Tình yêu luôn là chủ đề muôn thuở của con người. Khi nói đến tình yêu, mỗi người có một cách định nghĩa khác nhau và tình yêu được diễn tả rất nhiều trong các mối tương quan của con người: tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, tình yêu đôi lứa, … và Lời Chúa hôm nay diễn ta một khía cạnh của tình yêu: tình Thầy và trò hay nói cách khác là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ thân tính của mình. Từ tình yêu đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta: yêu như Thầy yêu.
Bài Tin Mừng hôm nay, nằm trong bối cảnh bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu và các môn đệ. Trong bữa chiều Tiệc ly ấy, tình thầy trò được gắn chặt, cùng thổ lộ tâm tình với nhau. Sau bữa ăn này, Thầy sẽ không còn hiện diện với các môn sinh mình nữa - bữa ăn của sự chia ly. Mỗi người chúng ta cảm nhận được những lời nói với nhau lúc này sẽ là những lời từ chính trong đáy lòng, đặc biệt là của Thầy dành cho các môn đệ. 
Lời mời gọi của Đức Giêsu: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Thật tha thiết làm sao khi Thầy mời gọi các môn đệ như vậy! mà tình thương của Thầy là tình thương dám thí mạng sống của người mình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Tình thương của Chúa là tình yêu tự hiến, tình yêu đi bước trước. Chúng ta hãy nhìn lại các biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu sẽ thấy được tình thương cao cả của Chúa dành cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta.
Tình yêu đã làm cho con người không còn phân biệt giai cấp: thầy - trò; chủ - tớ, mà tất cả trở nên bạn hữu. Trong mối tương quan bằng hữu, mọi người dễ tâm sự, dễ chia sẻ và cuối cùng là trở nên tri ân, tri kỷ với nhau. Tình yêu của Đức Giêsu và các môn đệ là thế đó: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, …. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu…” (Ga 15,15). Chỉ có tình bạn, con người mới thổ lộ tâm tình, như Đức Giêsu đã chia sẻ về Cha cho các môn đệ biết.
Làm sao để trở nên bạn hữu của Đức Giêsu? Để trả lời cho câu hỏi đó: thật đơn giản: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,14). Mà điều thầy truyền dạy ở đây là: dám hy sinh tính mạng cho bạn hữu, yêu như Thầy yêu. Trên môi miệng xem ra rất giản đơn nhưng để thực hiện được điều Thầy truyền dạy, đó là cả một tiến trình, một quá trình sống và cảm nhận tình thương của Thiên Chúa mới có thể thực hành được. 
Thánh Gioan Tông đồ trong thư thứ nhất, ngài đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành chính thánh nhân, vì ngài vẫn được xem là người môn đệ được Đức Giêsu thương mến. Sau khi Chúa Phục sinh, thánh Gioan đã sống và cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa cho người người khi ngài thốt lên rằng: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Đó là cảm nhận trong sự chiêm nghiệm về Thiên Chúa của thánh Gioan sau cả một quá trình sống yêu và được yêu. Và thánh nhân cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta ngay trong chính sâu thẳm của cõi lòng mình.
Để sống thực hiện được lời Thầy dạy và yêu như Thầy yêu, chúng ta hãy khiêm tốn để đón nhận Thánh Thần. Ông Conêliô là một mẫu gương về sự khiêm tốn (x.Cv 10,25). Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần xuống trên mỗi người, để chúng ta nhận ra được đâu là ý muốn của Thiên Chúa. 
Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ luôn đồng hành và ban ơn cho những ai rảo bước đem Tin Mừng tình yêu đến với muôn dân. Giáo hội sơ khai, qua Tông đồ Phêrô đã không ngần ngại đến với dân ngoại để mang Chúa đến với họ. Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng được ban cho tất cả mọi người, như lời khẳng định của vị Tông đồ trưởng: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cư dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10, 34-35). Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa luôn được trải rộng vô biên, miễn là có người rao giảng và có người đón nhận.
Qua Lời Chúa của Chúa nhật tuần này, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy yêu như Chúa yêu. Đó là một tình yêu được mở ra cho mọi người, không giới hạn và không loại trừ ai, một tình yêu dẹp bỏ mọi ngăn cách để mọi người gần gũi nhau hơn. Yêu như Chúa yêu phải là một tình yêu đi bước trước: từ xa lạ trở thành thân quen, từ oán thù trở thành bạn hữu. Hơn thế nữa, yêu như Chúa yêu là dám hy sinh tính mạng mình cho người khác.
Chúng ta là những người được Chúa yêu cách đặc biệt. Khi nhận ra được điều đó, chúng ta cũng phải biết đáp trả lại tình yêu trung tín đối với Thiên Chúa, và chân thành đối với mọi người. Có như thế, tình yêu của chúng ta không còn bị giới hạn, nhưng luôn đi bước trước đến với mọi người và nhìn thấy hình ảnh đầy yêu thương của Chúa nơi người anh em mình.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin ban Thần Khí Ngài trên mỗi người chúng con, giúp chúng con luôn nhớ lời căn dặn của Chúa, để chúng con luôn biết yêu như Chúa yêu. Ngõ hầu, chúng con luôn thực thi và làm tròn lời trăng trối của Chúa khi xưa, để rồi chúng con trở nên môn đệ thân tín và bạn hữu của Ngài. Amen.
Tu sĩ Gioan Phaolô Nguyễn Trí, FVP
Thông tin khác:
Yêu mến “người nhà Chúa” (24/04/2024)
Hiệp nhất trong Thiên Chúa và trong Giáo hội (24/04/2024)
Yêu thương là một chuyến đi (24/04/2024)
Ngày mai sẽ ra sao (11/04/2024)
Vị Mục tử đich thực (11/04/2024)
Vì sao tháng 5 lại được coi là tháng Đức Mẹ? (05/04/2024)
Gặp gỡ Đức Giêsu Phục sinh (05/04/2024)
Đôi chút tâm sự về nỗi sợ (05/04/2024)
Thiên Chúa một dạ xót thương (28/03/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log