Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Amen. |
1.
Có một điều riêng tư, nhưng tôi cảm thấy nên nói ra, để ca ngợi Trái Tim Chúa Giêsu, điều đó là sự Trái Tim Chúa Giêsu đã dạy tôi về phục vụ.
Khi được Chúa trao cho chức Giám mục, tôi cũng được Chúa ban cho tôi ý thức là mình phải phục vụ đoàn chiên theo như Chúa muốn.
Phục vụ như thế đã được nhiều tài liệu do Hội Thánh dạy. Thêm vào những văn bản đó, Chúa còn thương dạy tôi bằng một biến cố riêng tư. Xin phép được diễn tả vắn tắt như sau.
2.
Một đêm, sau ngày thụ phong Giám mục, 30/4/1975, tôi vừa ngủ mà cũng vừa cầu nguyện, thì tôi thấy Chúa Giêsu đến.
Tôi đang đi một mình trên một con đường lớn giữa cánh đồng, thì tôi thấy một người từ con đường nhỏ đi về phía tôi. Gặp nhau, tôi nhận ra ngay đó là Chúa Giêsu. Người cầm lấy tay tôi, dẫn vào một thành phố, rồi đi thẳng vào một bệnh viện. Bệnh viện có nhiều bệnh nhân nằm la liệt, Chúa Giêsu dẫn tôi tới gần các bệnh nhân. Tự nhiên, tôi cảm thấy trào lên trong tôi những tình cảm rất mới, như sau:
3.
Một là tôi cảm thấy mình được chia sẻ cái đau của bệnh nhân.
Hai là tôi cảm thấy mình thực sự mong ước những gì là tốt nhất cho bệnh nhân.
Ba là tôi cảm thấy tôi cần phải hiến dâng chính bản thân tôi, để cứu họ.
4.
Ba điều trên đây được Chúa Giêsu dạy tôi như những điều cần trong phục vụ.
5.
Tất cả đều diễn tiến trong giấc mơ. Tôi bừng thức dậy. Tôi xác tín Chúa Giêsu đã đến gặp tôi thực sự. Từ đó, tôi sống với từng điều Chúa Giêsu đã dạy tôi. Càng ngày tôi càng cảm thấy rõ ràng thực tế không dễ chút nào. Phải có ơn Chúa mới thực hiện được.
Xin phép trình bày đôi chút kinh nghiệm.
6.
Thứ nhất, khi tiếp xúc với những người đau khổ bất cứ bằng phương tiện nào, tôi được Chúa dạy là phải biết đau cái đau của họ, phải đồng cảm thực sự với họ.
Thế nhưng, biết bao lần, nếu không tỉnh thức, tôi đến với họ chỉ là xã giao, chỉ là hình thức, mà lòng thì lạnh lùng, vô cảm.
Chính tôi, khi người khác đến với tôi đang khổ đau mà như vậy, tôi cũng rất buồn. Nỗi buồn đó giúp tôi hiểu nỗi buồn của nhiều người đau khổ khác. Từ cái vô cảm đối với nỗi khổ của người khác, người ta dễ đi xa hơn, để dám có những lời nói việc làm xúc phạm, gây đau khổ thêm cho những người mà mình cho là đang phục vụ.
7.
Thứ hai, khi tiếp xúc với những người đau khổ, tôi được Chúa dạy là phải muốn cho họ những điều tốt lành nhất.
Thế nhưng, biết bao lần, nếu không tỉnh thức, tôi đến với những người đau khổ, không những không mong muốn cho họ những điều tốt lành, mà còn mong muốn cho họ những điều không là bình an, không là yêu thương, rồi cho đó là phục vụ họ.
Đức Hồng y Martini kể lại chuyện này. Khi ngài đến thăm Đức Hồng y Paulhaber, Tổng Giám mục Munich, Đức, năm 1950, Đức Paulhaber cho Đức Martini xem một cục đá và nói: Đây là một trong nhiều cục đá, mà người ta đã ném vào phòng tôi, để phản đối tôi, hồi tôi lên tiếng chống lại chủ nghĩa dân tộc quá khích của Hitle. Tôi giữ nó làm kỷ niệm.
8.
Chuyện trên đây làm tôi liên tưởng đến nhiều thứ cũng như cục đá, mà người ta cũng đã nhiều lần ném vào tôi, và cho đó là vì mục đích phục vụ.
Thực tế đó cho thấy mong muốn cho người khác những điều ác độc, rồi cho đó là phục vụ, vẫn có thể xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Tôi cũng thấy phải có ơn Chúa mới tránh được thảm kịch đó.
9.
Riêng tôi, tôi tha thứ, vẫn yêu thương những kẻ ném đá tôi. Tôi luôn tự nhủ: Ném đá bất cứ ai, vì bất cứ mục đích và lý do nào, đều là việc không nên làm và không được làm. Ai làm thì chịu trách nhiệm trước Chúa. Còn tôi thì phó thác, không quan tâm đến việc đối phó trước những chuyện mình bị ném đá. Thế là tôi được bình an, để thời giờ lo cho những việc khác đáng làm hơn.
10.
Thứ ba khi tiếp xúc với những người đau khổ, tôi được Chúa dạy là hãy hiến dâng chính bản thân tôi để cứu họ.
Thế nhưng, biết bao lần, nếu không tỉnh thức, tôi đến với họ, không những chẳng dám hiến dâng chính mình để cứu họ, mà còn lợi dụng nỗi khổ của họ, để tìm tư lợi cho tôi.
11.
Rất mừng là tại Việt Nam hôm nay, số người hy sinh chính mình cho những kẻ khổ đau vẫn đông. Họ âm thầm và bằng nhiều cách, hy sinh chính mình để cứu những kẻ khổ đau. Theo gương họ, tôi cũng quyết tâm hiến dâng chính mình, góp phần nào vào việc cứu những kẻ khổ đau.
12.
Hạnh phúc của tôi là: Làm cho người đau khổ bớt khổ đau, ít là đừng bao giờ làm cho họ thêm đau khổ vì những lời nói, việc làm, hay thái độ gây tổn thương cho họ.
13.
Tất cả những gì tôi vừa chia sẻ trên đây đều đã được Chúa Giêsu dạy tôi một cách căn bản, khi Người cầm tay tôi đi thăm các bệnh nhân đêm đó.
14.
Bây giờ, thì chính tôi đã là bệnh nhân từ lâu rồi. Bệnh trong thể xác, bệnh trong tâm hồn. Đôi khi tình trạng của bệnh nơi tôi trở nên trầm trọng. Vì thế, tôi hiểu thấm thía nỗi mong chờ của người bệnh đặt nơi những người khỏe mạnh gần xa có chút liên hệ với mình. Càng mong chờ thì càng bén nhạy với bất cứ sự gì xảy đến cho mình. Do vậy, tôi nghĩ nhiều tới những bệnh nhân bị người xung quanh xa tránh, hoặc bị đối xử nhẫn tâm.
15.
Một thoáng nhìn trên đây đang giúp tôi nhìn vào Trái Tim Chúa Giêsu. Tôi khẩn khoản nài xin trái tim Chúa thương ban cho tôi được hiền lành và khiêm nhường, phần nào như Trái Tim Chúa, để tôi biết tiếp xúc với những người đau khổ với tâm tình của Trái Tim Chúa. Đừng khi nào đạo đức mà độc địa kiêu căng. Nếu không, chính mình sẽ phải khổ trước, do tội mình gây nên.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, xin thương giúp Hội Thánh chúng con biết quan tâm nhiều hơn đến những người đau khổ.