Suy tư - Chia sẻ

Biết ơn

Cập nhật lúc 11:29 04/10/2022
Chúa Nhật XXVIII Thường niên, Năm C; Bài đọc 1: 2V 5, 14-17; Bài đọc 2: 2Tm 2, 8-13; Tin Mừng: Lc 17, 11-19
 
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin để chúng con biết tín thác vào Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin để chúng con biết tín thác vào Chúa.
Trong cuộc sống của mỗi con người, lòng biết ơn rất quan trọng, bởi nó nói lên giá trị và nhân cách sống của mỗi người chúng ta. Qua đó, chúng ta cảm nhận được biết ơn là cách hành xử đúng mực giữa người với người, và mang lại hạnh phúc cho nhau. Vì thế, có câu nói rất nổi tiếng của Frank A.Clark: Nếu một người không biết ơn những gì anh ta đang có, thì anh ta cũng không có cơ hội để được biết ơn những gì sẽ nhận được.
Qua câu nói đó, diễn tiến bài đọc thứ nhất cho ta thấy được lòng biết ơn và một đức tin sâu xắc của ông Naaman, đối với ông Êlisa, người của Thiên Chúa (x. 1V 5,14) một tấm lòng khiêm nhường để mọi người phải noi theo. Khi ông được ngôn sứ chỉ cho điều nên làm để được khỏi bệnh, ông đã làm theo và ông đã sạch bệnh, và tin vào Thiên Chúa bằng câu nói của ông: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ Ixraen” (1V 5, 15). 
Với bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca tường thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho mười người bệnh phong. Trong cuốn sách ‘Nói với chính mình’ Đức cha Bùi Tuần chia sẻ: “Tôi rất thích chó, vì chó là con vật biết ơn, sự biết ơn của chó khác với lòng biết ơn của con người, nhưng không thiếu vẻ đẹp. Cho chó một miếng xương nó cũng tỏ dấu biết ơn bằng cách vẫy đuôi, quấn quýt người cho. Càng được cho, nó lại càng biết ơn và ra sức bảo vệ chủ. Nhiều người không biết ơn bằng chó”. Lời nhận định này có thể làm cho rất nhiều người buồn, khó chịu, nhưng suy cho cùng với đời sống hôm nay, trên bình diện thực tế, đã có những người con sẵn sàng ra tay sát hại cha mẹ, đã có rất nhiều người bắt cóc trẻ em đem bán, đã có nhiều lần con người thờ ơ trước nỗi đau khổ của người khác.
Tin Mừng hôm nay cũng phần nào cho chúng ta thấy được sự vô ơn của những người bệnh phong được Chúa chữa lành: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có một người ngoại bang này” (Lc 17, 18-18). Ở đây Chúa muốn ám chỉ đến người Do Thái, cách riêng với các biệt phái, luật sĩ là những người ỷ vào danh nghĩa là con cái Ixraen dân riêng của Chúa, tự kiêu, tự phụ, tự tôn khép kín không tin vào quyền năng của Chúa. Đang khi đó chỉ có người ngoại quay trở lại bày tỏ lòng biết ơn bằng cách tôn vinh Thiên Chúa (x. Lc 17,15), chính lúc đó cái nhìn yêu thương của Chúa khỏa lấp mọi đau thương nơi thể xác cũng như tinh thần của anh phung hủi dân ngoại: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Lại một lần nữa Chúa khen niềm tin của một người dân ngoại.
Thật vậy, không ai là một hòn đảo, câu hỏi tự đặt ra cho mỗi người, tại sao ta phải biết ơn? Phải chăng biết ơn là một điều tốt ta nên làm? Chúng ta được sinh ra và lớn lên, đều có sự tương tác và trợ giúp của người khác, những gì chúng ta đang hưởng dùng như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, tài năng… tất cả đều do Thiên Chúa ban tặng nhưng không, tại sao ta không biết cảm ơn Ngài. Nếu cuộc sống chúng ta cảm thấy uể oải, nhụt chí, kém tin… nhưng muốn được cứu chữa thì chúng ta phải tin và sống theo điều mình tin, tin bằng sự cầu nguyện, sống niềm tin bằng cách tuân theo Lời Chúa. Còn chín người kia đâu? Chúa đòi chúng ta muốn xin điều gì thì phải tin và phó thác vào quyền năng, vào tình thương của Chúa.
Trong cuộc sống hôm nay, sự vô ơn là một trong những vấn nạn nghiêm trọng, nhiều khi chúng ta chỉ biết ngửa tay đón nhận nhưng không biết mở lòng đối với người khác, đây là căn bệnh quái ác, là ung nhọt khó chữa trị. Trong đời sống đức tin cũng vậy, sự vô ơn gắn liền với lối sống ích kỷ và hưởng thụ. Chúng ta một lần nữa hãy học theo người dân ngoại trong bài Tin Mừng để thấy được sự biết ơn là một trong những sự cần thiết là dấu chỉ biểu thị lòng tin sắc son nơi Chúa. Vì vậy, sống đức tin không phải chỉ đến nhà thờ để đọc kinh, tham dự thánh lễ một cách máy móc, nhưng đức tin còn được diễn tả bằng hành động giống như người Samari mà thánh Luca nhắc tới hôm nay. Những người có đức tin cảm thức sâu xa, sẽ rất quảng đại dấn thân phục vụ, nhất là qua sứ vụ truyền giáo, để diễn tả lòng biết ơn với Chúa.
Ước gì qua bài Tin Mừng hôm nay, con người nhận ra được lầm lỗi, thiếu sót của mình, mà từ bỏ những thói hư, tật xấu, luôn biết nói những lời yêu thương, để cùng nhau cộng tác với Chúa là Giáo hội để lan tỏa Lời Chúa đến cho mọi người. Muốn được như vậy, chúng ta cần phải quyết tâm tín thác vào lời nói và hoạt động của Chúa Giêsu Kitô bằng cách nghe theo lời Chúa dạy và sống hết mình với đường lối của Ngài ngang qua lời của thánh Phaolô: “Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiện trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta” (1Tm 2,12).
Tu sĩ Gioakim Hoàng Thế Hân
Thông tin khác:
Xin thêm Đức tin để phục vụ tha nhân (04/10/2022)
Hãy sống yêu thương và hy sinh (04/10/2022)
Tình liên đới lấp đầy ngăn cách (22/09/2022)
Cảm tạ Chúa vì ơn được là con Chúa (22/09/2022)
Hành trang đi về vĩnh cửu (16/09/2022)
Sử dụng tiền của khôn ngoan (14/09/2022)
Tha thiết với ơn trở về với Chúa (14/09/2022)
Đức Mẹ muốn chúng ta an ủi Đức Mẹ (09/09/2022)
Tình yêu và sự tha thứ (09/09/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log