Xin cho chúng con nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó để chúng con không xua đuổi, nhưng tiếp đón họ cách thân tình. |
Lời Chúa của Chúa nhật XXVI thường niên hôm nay, tác giả Luca trình thuật cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu nói với Pharisêu về dụ ngôn ông nhà giàu và Ladarô nghèo khó (Lc 16,19-31). Hoàn cảnh đối nghịch của hai nhân vật trong dụ ngôn tạo nên một bức tranh tương phản về hai con người, hai hoàn cảnh và hai số phận khác nhau. Tuy nhiên, giữa bức tranh tương phản ấy là một vách ngăn. Vách ngăn đó được tạo ra bởi lối sống thiếu tình liên đới của ông nhà giàu; để rồi, trong cuộc sống đời sau vách ngăn ấy tạo nên một vực thẳm không thể lấp đầy.
Vực thẳm tình người Bài đọc 1 thuật lại những lời của ngôn sứ Amốt tố cáo nhà cầm quyền. Họ là những người cầm quyền, lãnh đạo và họ tự hào về quyền lực cũng như tài sản của đất nước nên sống cuộc sống xa hoa và phè phỡn mà không quan tâm đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, sau khi dân tộc Ixraen sụp đổ, chính họ lại phải sống cảnh lưu đày, đau khổ. Hậu quả của những đau khổ đó là bởi vì lúc thịnh vượng họ đã sống thiếu liên đới, sẻ chia với người dân khó khăn nghèo khổ.
Đó cũng là bài học mà Chúa Giêsu nói với Pharisêu qua dụ ngôn ông nhà giàu và Ladarô nghèo khó trong Tin Mừng Luca hôm nay. Hai nhân vật trong dụ ngôn là hai hình ảnh trái nghịch: một bên giàu có với lụa là gấm vóc, yến tiệc; còn một bên nghèo khó, mụn nhọt, đói khổ. Tuy nhiên, điều đặc biệt mà Tin Mừng Luca trình thuật là Chúa Giêsu gọi nhân vật giàu có là “một ông nhà giàu kia” (Lc 16,19), nhưng với người nghèo khó thì Chúa Giêsu gọi tên Ladarô (nghĩa là Thiên Chúa giúp hay Thiên Chúa phù trợ).
Điều đáng nói ở đây là Chúa Giêsu không cho biết nguyên nhân về sự giàu có và nghèo đói của hai người. Không chỗ nào cho thấy Ladarô là người sống tốt lành, nhân đức; và ngược lại cũng không chỗ nào cho thấy ông nhà giàu đã làm lợi cách bất chính, ác ôn. Chỉ có một điểm tác giả Tin Mừng cho chúng ta lưu ý là ông nhà giàu đã không quan tâm, ngó ngàng gì đến Ladarô nghèo khó nằm trước cổng nhà mình. Ông nhà giàu đã thiếu tình cảm, thiếu sự liên đới, chia sẻ với hoàn cảnh bất hạnh khổ đau của người nghèo, người bất hạnh. Điều này tạo nên một vực thẳm ngăn cách giữ hai con người với nhau, vực thẳm của tình người. Cũng vì lẽ này mà chúng thấy cảnh trái ngược của hai con người, hai số phận sau khi chết.
Một vực thẳm không thể vượt qua Tin Mừng Luca không thuật lại cho chúng ta biết cuộc sống của hai nhân vật sau ngày hôm đó ra sao, tác giả nói đến một điểm chung quan trọng là cả hai đều chết. Nhưng cái chết của Ladarô nghèo khó được thiên thần đem vào lòng của tổ phụ Ápraham, là niềm vinh dự của dân Ixraen; còn cái chết của người giàu có thì người ta đem đi chôn. Hơn thế nữa, hai con người giờ đây cũng ở nơi hai “nơi chốn” hay hai thế giới khác nhau. Cái chết thay vì làm cho họ xích lại gần nhau hơn thì lại làm cho khoảng cách giữa họ trở nên vĩnh viễn, không thể vượt qua.
Tuy nhiên, cái chết làm cho số phận của hai con người giờ đây hoàn toàn đảo ngược. Ladarô, kẻ ăn xin trên trần gian, nay lại được thiên thần đem vào lòng tổ phụ Ápraham, hưởng vinh phúc vô tận. Ngược lại, ông phú hộ giàu sang, chẳng đoái hoài đến người nghèo trước của nhà mình, nay lại phải ở “dưới âm phủ, đang chịu cực hình” (x. Lc 16,23). Ông đã cầu xin lòng thương xót của tổ phụ Ápraham, cũng như sự giúp đỡ của Ladarô nhưng dường như mọi sự đã quá muộn vì ngăn cách của vực thẳm ấy giờ đấy đã không thể vượt qua.
Tình liên đới lấp đầy ngăn cách Dụ ngôn về ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó được kết thúc bởi lời năn nỉ của ông nhà giàu xin cảnh báo cho năm anh em còn sống trên trần gian. Họ có thể đang là những người giàu có đang sống hưởng thụ mà thiếu tình liên đới, thiếu sự quan tâm chia sẻ với những con người nghèo, những con người bất hạnh xung quanh chúng ta. Ông sợ rằng họ rồi đây cũng sẽ phải chịu cực hình như ông.
Ông nhà giàu trong dụ ngôn đó có thể là mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ, càng giàu có thì khoảng cách với những người nghèo, người bất hạnh càng lớn hơn. Chúng ta lo sống xa hoa, hưởng thụ mà ít dành thời gian đến nhà thờ, ít tham dự thánh lễ, ít dành thời gian cho Thiên Chúa, cho những người thân cận, những người nghèo, những người bất hạnh...
Dụ ngôn về ông nhà giàu và Ladarô trong Tin Mừng Luca hôm nay như một lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta. Qua đó, ước gì mỗi chúng ta ý thức hơn những gì ta nhận được trong cuộc sống là ân huệ Thiên Chúa ban. Nhờ đó, chúng ta biết liên đới với những “Ladarô’ xung quanh. Họ có thể là những người thân cận, họ cũng có thể là những người nghèo, những người thiếu may mắn, những người bất hạnh... Nhờ sự quan tâm, yêu thương, liên đới đó mà lấp đầy những vách ngăn giữa người với người trong cuộc sống.