Suy tư - Chia sẻ

Xin thêm Đức tin để phục vụ tha nhân

Cập nhật lúc 11:00 04/10/2022
Chúa Nhật XXVII Thường niên, Năm C; Bài đọc 1: Kb 1,2-3;2,2-4; Bài đọc 2: 2Tm 1,6-8.13-14; Tin Mừng: Lc 17,5-10
“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.
“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.
Xã hội con người ngày hôm nay, nhiều người có lối sống vô cảm, sống ít có mối tương quan với tha nhân, sống ghen ghét, hận thù, tham nhũng, bóc lột, đàn áp, chiến tranh… trước những vấn đề đó, người Kitô hữu chúng ta cảm thấy mình quá nhỏ bé, quá yếu đuối, nhiều khi chúng ta phải bất lực trước những khó khăn của cuộc sống. Lời Chúa nhật hôm nay, được ví như ngọn đèn, soi đường dẫn lối cho chúng ta làm những điều lành, điều tốt cho tha nhân. Chỉ có Đức tin có thể đem lại hy vọng cho cuộc đời chúng ta. Vậy đức tin là gì? Tại sao chúng ta phải xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta? và chúng ta cần thể hiện đức tin như thế nào trong sứ mạng mà Chúa trao phó?
Các bài đọc lời Chúa hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng nhấn mạnh về đời sống Đức tin. Chúa nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: hãy bật rễ lên, xuống dưới biển mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. Đức Giêsu đang muốn diễn tả niềm tin như một sức mạnh. 
Bài đọc một vị Ngôn sứ Khabacúc mời gọi hãy nuôi dưỡng đức tin và lòng thành tín đối với Thiên Chúa, thậm chí ngay khi ông chỉ toàn gặp phải cảnh bạo lực, cướp bóc, tàn phá và khổ đau. Ông đã cầu xin Đức Chúa ra tay cứu giúp, Nhưng Đức Chúa vẫn im lặng, chẳng đoái nghe. Cuối cùng, Đức Chúa đã cho ông niềm hy vọng: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình” (Kb 2, 4). Khabacúc nhấn mạnh lòng thành tín, nghĩa là người công chính phải kiên trung bền vững trong đức tin. 
Như trong thư thứ hai Thánh phaolô gửi ông Timôthê: “Anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2Tm 1,6). Biết làm chứng và chịu đau khổ. Thánh nhân nhấn mạnh về tầm quan trọng của lời chứng, lời tuyên xưng đức tin trước các chứng nhân. Qua sự bách hại vì công chính đó là giá trị của sự đau khổ. Những đau khổ của các Thánh nhân làm cho lời loan báo Tin Mừng được trổ sinh nhiều hoa trái.
Qua Tin Mừng thánh Luca, Chúa Giêsu tiếp dạy các môn đệ của Ngài trên đường lên Giêrusalem. Tuy nhiên, vì mang trong mình thân phận con người mỏng manh, và dễ sa ngã qua những cám dỗ của cuộc sống, nên các ông mới cất tiếng xin Chúa thêm lòng tin: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Lời cầu xin của các môn đệ thể hiện sự lo sợ trước những gian nan thử thách khó khăn khi nhận sự vụ Chúa trao phó. Đây cũng là tâm tình của mỗi chúng ta ngày hôm nay, trên con đường truyền giáo. Vì thế, chúng ta cần xin ơn trợ giúp của Chúa.
Như vậy, nhờ Đức tin, các Thánh Tử đạo vượt qua được những cực hình đau đớn; nhờ Đức tin, các Kitô hữu vui vẻ chấp nhận những thử thách đau khổ trong đời sống đạo; nhờ Đức tin, nhiều người kitô hữu dấn thân trong các lãnh vực từ thiện, bác ái; nhờ Đức tin, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tha thứ cho kẻ ám sát mình; nhờ Đức tin, Mẹ Têrêxa Caculta đã dấn thân không mệt mỏi để phục vụ những người bị bỏ rơi trong xã hội. Như vậy, Đức tin hết sức cần thiết trong cuộc sống người Kitô hữu. Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bảo chứng cho những điều ta không thấy (x. Dt 11,1). Khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, vị linh mục hỏi người dự tòng: “Đức tin sinh ơn ích gì cho con?” Người dự tòng thưa: “Đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.” đó cũng là lời xác tín của mỗi người kitô hữu ngày hôm nay.
Hơn nữa, Thánh Giacôbê đã dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Trong cuộc sống, ngoài xã hội, nơi thương trường, nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình bất lực hoặc hèn nhát không dám can đảm để làm chứng cho Chúa. Lý do là vì thiếu niềm xác tín nơi Chúa. Vì thế, lời cầu xin của các Tông đồ khi xưa cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta ngày hôm nay. 
Thế nhưng, nhiều khi chúng ta xin Chúa mãi mà vẫn không được những ơn chúng ta xin. Những lúc đó, chúng ta hay phàn nàn trách móc Chúa vì Ngài không nhận lời. Ta thấy tâm trạng của mình lúc này có phần giống tiên tri Khabacúc trong bài đọc I, ông phải chịu đựng những điều nghiệt ngã tương tự: “Con la lên: Bạo tàn! Mà Ngài không cứu vớt”; “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu van mà Ngài chẳng đoái nghe?” (Kb 1, 2-3). Chúng ta chưa nhận được là vì chưa có niềm tin đủ mạnh. Vì thế, chúng ta cũng cần: “Xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta” (x. Lc 17,5). Lời cầu xin của các Tông đồ khi xưa cũng là lời cầu xin của chúng con ngày hôm nay. 
Lời các Tông đồ hôm nay tha thiết xin Chúa: “Xin thêm đức tin cho chúng con” mời gọi chúng ta hãy luôn tín thác vào Chúa trong lúc vui cũng như lúc buồn, khi khó khăn cũng như lúc thành công, để ngọn đèn Đức tin của chúng ta không vụt tắt giữa cơn bão tố. Chính Chúa sẽ làm và củng cố Đức tin này sinh hoa quả, còn tôi phải luôn khiêm tốn nhận mình yếu đuối trước mặt Chúa. Như Chúa đã nói:“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10). 
Tu sĩ Dominic Nguyễn
Thông tin khác:
Hãy sống yêu thương và hy sinh (04/10/2022)
Tình liên đới lấp đầy ngăn cách (22/09/2022)
Cảm tạ Chúa vì ơn được là con Chúa (22/09/2022)
Hành trang đi về vĩnh cửu (16/09/2022)
Sử dụng tiền của khôn ngoan (14/09/2022)
Tha thiết với ơn trở về với Chúa (14/09/2022)
Đức Mẹ muốn chúng ta an ủi Đức Mẹ (09/09/2022)
Tình yêu và sự tha thứ (09/09/2022)
Thách đố để làm môn đệ Chúa Giêsu (25/08/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log