Hôm nay, chúng ta mừng Lễ Chúa Ba Ngôi. Đây được xem là mầu nhiệm trung tâm của đạo Công giáo và cũng là mầu nhiệm khó hiểu nhất đối với loài người. Nếu Chúa Giêsu không mặc khải mầu nhiệm này, chúng ta cũng không tài nào biết được. Nhiều nhà thần học nổi tiếng, đã cố gắng tìm cách lý giải mầu nhiệm này, nhưng bất khả thi. Chúng ta khẳng định rằng, bộ não của con người nhỏ bé, hoạt động của nó rất giới hạn, không thể nắm bắt hết mọi thứ trên đời. Chúa Giêsu cũng đã cho chúng ta biết giới hạn của mình, khi Ngài nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.” Khi nào chúng ta được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta mới có thể hiểu được (Ga 16, 12-13). Vì thế, trong bài chia sẻ Lời Chúa hôm nay, chúng ta không bàn sâu về mầu nhiệm này, chúng ta chỉ chiêm ngắm mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và cố gắng sống mầu nhiệm này trong đời sống của chúng ta
Dưới ánh sáng của mặc khải, chúng ta tin rằng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, không phải là ba Chúa, nhưng là một Thiên Chúa duy nhất, cùng một phẩm giá và một uy quyền ngang nhau, không Ngôi nào trọng hơn Ngôi nào. Ba Ngôi yêu thương và tôn trọng nhau: Chúa Cha rất mực yêu thương Chúa Con, cho Chúa con tất cả (x. Ga 16, 15); Chúa Con tôn trọng, yêu thương và vâng lời Chúa Cha hết lòng, “Đừng theo ý con, một theo ý Cha.” (Lc 22, 42); Từ tình yêu giữa Cha và Con phát xuất Chúa Thánh Thần (Kn 8, 22). Chúng ta phải cố gắng xây dựng gia đình của chúng ta theo mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa
Thánh Phaolô cũng đã cho chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa đã đổ đầy tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5, 5). Vậy chúng ta còn sợ gì nữa mà không dám sống, không dám thay đổi lối sống của mình, không dám yêu như Chúa yêu. (x. Ga 13, 34).
Chúng ta biết Chúa Ba Ngôi, vì Đức Giêsu đã nói với chúng ta nhiều lần. Làm sao lại có thể Ba Ngôi trong một Chúa? Chúng ta không hiểu. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất trong đạo chúng ta. Chúng ta hy vọng một ngày kia chúng ta sẽ hiểu rõ hơn chân lý sâu thẳm này
Ngày lễ Chúa Ba Ngôi phải là một ngày lễ giúp chúng ta tưởng nhớ đến Bí tích Rửa tội, vì nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con của Chúa Cha, em của Chúa Giêsu và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, Bí tích Rửa tội còn nói lên mối dây liên hệ giữa chúng ta và Chúa Ba Ngôi. Đây cũng là điều mà dấu thánh giá nhắc nhở cho chúng ta.
Hôm nay, chúng ta tập trung vào lời cảm tạ Chúa Ba Ngôi, vì những gì Chúa Ba Ngôi đã làm cho chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa Cha vì yêu thương, đã tạo dựng nên chúng ta một con người có lý trí và làm cho chúng ta trở nên con cái của Người. Chúng ta cảm tạ Chúa Con, Đấng đã làm người, sống, lao động, dạy dỗ, chết và sống lại để chúng ta được phục hồi trong tình thân mật với Chúa Cha. Đấng đã thành lập Giáo hội để đem phúc lành thời đại của Người đến với thời đại chúng ta. Chúng ta cảm ơn Chúa Thánh Thần; Đấng hằng hiện diện trong Giáo hội và trong tâm hồn mỗi người chúng ta để giúp chúng ta yêu mến Chúa Ba Ngôi, dẫn chúng ta đến hạnh phúc bất diệt.
Chúng ta tôn kính Ba Ngôi Thiên Chúa trong mỗi thánh lễ bằng khởi đầu và kết thúc với dấu Thánh giá. Chúng ta dâng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trong, với và qua Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi luôn mãi. Lát nữa đây chúng ta sẽ tuyên xưng đức tin - cùng với nhau, lớn tiếng và mạnh mẽ - trong tất cả Ba Ngôi.
Bạn là chồng ư? Hãy yêu thương và tôn trọng vợ mình như chính mình. Bạn là vợ ư? Hãy hết lòng lo cho chồng và dành tất cả tình yêu thương cho chồng. Bạn là con cái trong nhà ư? Phải kính trọng, vâng lời và yêu thương, cùng với lòng biết ơn bố mẹ. Bạn đang là bố mẹ ư? Hãy nuôi dạy con cái với tất cả trái tim, nhưng cũng phải tôn trọng chúng, vì chúng là hoa trái tình yêu của bạn đấy.
Tại sao trong một gia đình, chúng ta lại phải phân biệt thứ tự trọng khinh, “Chồng chúa vợ tôi?” Tôi là chồng nên tôi là lớn nhất trong nhà và có quyền hành như một ông vua; còn vợ thì phải lo mọi việc, từ bếp núc cho đến con cái, giống như là một đứa tôi tớ. Vợ thì cho rằng bổn phận của chồng là phải đi làm kiếm tiền mang về cho mình, còn làm việc kiếm tiền thì không phải là việc của mình. Con cái thì lại thương mẹ nhiều hơn, xem thường bố, hay ngược lại. Như thế có ổn không? Gia đình của bạn sẽ đi về đâu nếu cứ sống với não trạng đó? Hạnh phúc có không nếu cứ sống như vậy? Ba Ngôi Thiên Chúa đâu có tương quan với nhau như thế. Đã đến lúc, chúng ta phải chỉnh đốn lại suy nghĩ và cách sống trong mỗi gia đình chúng ta. Còn chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô và tin vào tất cả những gì Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng ta được nên công chính. Người lại còn ban cho chúng ta Thánh Thần của Người, để chúng ta đủ sức thi hành ý của Người. Chỉ khi nào chúng ta sống theo ý của Người, thì nơi chúng ta mới có hạnh phúc đích thực.
Xin Chúa Cha toàn năng gìn giữ chúng ta. Xin Chúa Con đổ đầy tình yêu của Ngài trong lòng chúng ta và xin Chúa Thánh Thần luôn luôn soi sáng và hướng dẫn chúng ta trên đường nẻo dẫn tới quê trời.
Tu sĩ Phêrô Bùi Đình Cường