“Thời gian thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai”. Thời gian trôi mời gọi chúng con hãy nhanh tay chu toàn trách nhiệm của mình, trách nhiệm của người tín hữu Chúa giữa dòng đời.
Lời Chúa: Lc 12, 32-48
"Các con hãy sẵn sàng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.
"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn". Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Nhân cơ hội có một người trong đám đông xin Đức Giêsu làm người xử kiện để chia gia tài cho anh. Đức Giêsu đã chỉ cho các môn đệ đi con đường đạt tới Nước Trời. Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng trong đời sống vì giờ chết sẽ đến bất ngờ.
"Đàn chiên nhỏ bé…": Hình ảnh mục vụ này rất xưa cũ trong Cựu ước để chỉ dân Chúa. Chúa Giêsu áp dụng danh từ này cho Israel, cho những người Do thái tội lỗi và như ở đây là các Môn đệ.
Từ chìa khóa của đoạn Tin Mừng này là “Tỉnh thức”. Đức Giêsu dùng 2 dụ ngôn để minh họa bài học tỉnh thức:
Dụ ngôn người đầy tớ: Tỉnh thức như một người đầy tớ đang đợi chủ đi ăn cưới không biết sẽ về lúc nào (Tiệc cưới ở Do thái kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa). Người đầy tớ ấy “thắt lưng cho gọn” (tư thế sẵn sàng làm việc), và “thắp đèn cho sẵn” (để khi chủ về thấy lối mà vào nhà. Tư thế sẵn sàng phục vụ). Nếu biết rõ lúc nào chủ về thi dễ hơn nhiều, vì chỉ cần chờ gần tới lúc đó mới thắt lưng và thắp đèn. Nhưng vì không biết chừng nào chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ sắp về tới là mau mắn làm việc và phục vụ ngay. Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhạy.
Dụ ngôn quản gia trung thành (41-48): dụ ngôn này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo. Luca hay dùng danh từ “quản lý” để chỉ những kẻ lãnh đạo (x. 16,1.3.8). Người lãnh đạo được Thiên Chúa giao coi sóc giáo đoàn phải trung thành phục vụ mọi người cho tới khi Chúa Quang lâm. Khi đó người đó sẽ được trọng thưởng. Trái lại nếu nghĩ rằng Chúa chậm Quang lâm để rồi lạm dụng chức vụ để lo cho bản thân (ăn uống lu bù) và ngược đãi kẻ khác (đánh đập tôi trai tớ gái) thì khi đến Ngày Quang lâm sẽ bị trừng phạt nặng. Chúc vụ càng cao thì hình phạt càng nặng. Ý chính là trung thành trong nhiệm vụ được giao.
Tỉnh thức để làm gì? Dụ ngôn nói “để đợi chủ về”. Nghĩa đầu tiên là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến; nghĩa thứ hai là ngày chết của mỗi người; nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho ta. Trong cả 3 trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa thưởng.
“Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài... Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng mở để nhìn thấy Ngài trong từng biến cố cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài”
Thái độ cơ bản của người kitô hữu, đó là tỉnh thức. Người kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Thực tế cuộc sống tôi hôm nay thế nào?
Trong cuốn tiểu thuyết "Người Đã Đánh Mất Chính Mình" tác giả Osbert Sitwell kể nhân vật chính như sau: Anh đang đi tìm một người đàn ông tại Balê (Pháp). Anh biết người đó đang ở trong khách sạn, nhưng không biết ở phòng nào. Anh dự tính cách tìm như sau: anh đưa tên của mình cho viên quản lý và hỏi trong khách sạn người đàn ông nào có tên như thế không, để thừa cơ hội viên quản lý tìm tên người đó trong sổ, anh lén nhìn cho biết người đó ở phòng nào. Nhưng khi trao tên của mình cho viên quản lý, ông ta không tìm trong sổ sách, mà nói ngay người đó ở phòng số 40 và bảo : Người đó đang chờ anh. Tôi sẽ cho người bồi phòng dắt anh đến đó.
Lúc cửa phòng mở ra, thì lạ thay anh thấy người đàn ông đó giống hệt anh, nhưng to con hơn và già hơn anh độ 20 tuổi. Người đàn ông đó không ai khác hơn là chính anh trong 20 năm tới!
Đây là câu chuyện thuộc khoa học giả tưởng, nhưng nó hàm chứa ý nghĩ điều mà đề tài nguyện gẫm hôm nay gợi lên. Đó là thực tế cuộc sống tôi hôm nay thế nào đây? Tôi hôm nay thế nào thì tương lai của tôi sẽ định hình như vậy. Đó là một người đang chờ mỗi người chúng ta trong tương lai. Người đó chính là chúng ta trong 10 hay 20 năm tới. Và đoạn Lời Chúa hôm nay đặt cho chúng ta câu hỏi: Lúc đó chúng ta sẽ là người thế nào. Có phải là người mà gia đình chúng ta lấy làm hãnh diện không? là người mà Chúa khen thưởng không?...
Câu trả lời không khó lắm. Hiện chúng ta đang đi về hướng nào thì 10 hay 20 năm nữa chúng ta cũng sẽ ở hướng đó và chắc chắn sẽ hơn hiện nay. Chẳng hạn hiện giờ chúng ta siêng năng sốt sắng sống đạo thì thời gian sắp tới chúng ta sẽ siêng năng nhiệt thành hơn. Trái lại nếu hiện nay chúng ta bê bối trong việc thờ phượng kính mến Chúa thì tương lai sẽ mù mịt, đen tối hơn, vì ngạn ngữ có câu: "Cây xiên bên nào thì ngã bên đó".
Và điều này lại đặt ra cho chúng ta một câu hỏi quan trọng: Nếu lỡ hiện giờ chúng ta bê tha trong việc sống đạo thờ phượng Chúa, cuộc đời chúng ta có thể sẽ hy vong. Vậy làm sao để ta ngăn ngừa đà xuống đó ? Làm sao chuyển đổi hướng đi của cuộc đời chúng ta?
Cần thực hiện 3 bước :
- Bước thứ nhất: phải thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của mình. Đây là bước khó nhất nhưng cũng quan trọng nhất, vì không dễ gì thú nhận sai lỗi của mình.
- Bước thứ hai: Cầu xin Chúa thương tha thứ và nếu cần thì lãnh Bí tích Giải tội.
- Bước thứ ba: Khởi đầu tiến hành cuộc đổi hướng của cuộc sống chúng ta. Đây cũng chẳng phải việc dễ dàng nhanh chóng. Nhưng với nỗ lực kiên trì và nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ thực hiện được.
Cuộc đời chúng ta sẽ đi về đâu nếu không có Chúa dẫn đường chỉ lối? Không có Chúa chắc chắn chúng ta sẽ mất định hướng, và rồi không sớm thì muộn, chúng ta sẽ sa xuống hố. Mỗi người chúng ta hãy luôn biết cầu xin Chúa thương nâng chúng ta lên và hướng dẫn chúng ta đi trong đường lối của Chúa, để chúng ta tìm thấy được bình an hạnh phúc…
Thực tế cuộc sống chúng ta là thế. Cuộc sống làm nên cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên cuộc sống ấy được làm nên từ những hành vi có trách nhiệm. Vậy chúng ta đã sống thế nào để trở thành người có trách nhiệm? Sống có trách nhiệm là như thế nào?
Trách nhiệm
Cách đây gần 20 năm, nhà máy phát điện hạt nhân Trechôbun tại Liên Xô bị nổ. Đây là tai nạn hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người từ trước đến nay. Gần 1 giờ sáng ngày 26 tháng 4 năm 1986, một trong bốn máy phát điện hạt nhân đã phát nổ, khói lửa bóc lên ngùn ngụt cả một vùng rộng đến 82 ngàn cây số vuông.
Ngày nay một vùng đất khoảng 60 cây số vuông được tuyên bố là vùng cấm địa. Chính phủ Ucraina ước tính lượng phóng xạ vụ nổ gây ra mạnh gấp 500 lần trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima bên Nhật Bản năm 1945. Đã có hàng ngàn người chết vì nhiễm phóng xạ, hàng ngàn người trong các toán cấp cứu cũng bị nhiễm phóng xạ: và còn biết bao hậu quả tai hại lâu dài khác nữa! . . .
Một vịêc làm thiếu trách nhiệm của những người hữu trách đã gây ra biết bao đau thương tang tóc cho người dân vô tội. Nhưng tiếc thay những người trách nhiệm không những chẳng có hề hấn gì mà lại thường chối bỏ trách nhiệm của mình.
Chúa Giêsu cũng nhắc nhở con cái Người về trách nhiệm của mỗi người, cần phải trung tín chu toàn trách nhiệm Chúa giao. "Hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về tới và gõ cửa thì mờ ngay” (Lc 12,35-36).
Sống ở đời, Chúa giao cho mỗi người một việc phải hoàn tất và hoàn thiện. Việc trọng hay hèn, việc thuộc chân tay hay trí óc, điều đó không quan trọng, điều quan trọng cấp thiết là mỗi người nhiệt thành hoàn thành tuyệt hảo kịp gìờ, đúng lúc Chúa giao : "Vì Chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Lc.12,40)
Lạy Chúa, cuộc sống luôn hối hả, không dừng lại. “Thời gian thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai”. Thời gian trôi mời gọi chúng con hãy nhanh tay chu toàn trách nhiệm của mình, trách nhiệm của người tín hữu Chúa giữa dòng đời. Xin Chúa cho con có tinh thần trách nhiệm trong mỗi việc chúng con làm để ngày Chúa đến chúng con hãnh diện ra nghênh đón Chúa, hãnh diện vì đã chu toàn được bổn phận của mình. Amen.
Thiên Ân