Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho
Lời Chúa (Lc11,1-13)
Tin mừng Đức Giêsu theo thánh Luca
Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông."
Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."
Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. "
Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? " Đó là Lời Chúa.
Suy niệm
Thánh Inhaxiô cùng mấy người bạn thực hiện một chuyến đi dài ngày. Theo chương trình, họ sẽ dừng lại ở một số điểm để cùng nhau cầu nguện. Người phụ khiên vác được thuê để chuyển các hành lý đã quan sát thấy nghi thức họ cầu nguyện mỗi ngày. Anh cảm thấy ham thích cầu nguyện. Anh ao ước được cùng họ cầu nguyện. Biết được ý tưởng loé lên trong tâm tư ngài, đó là lòng khao khát được cầu nguyện của người phu khuân vác, tự nó là một lời cầu nguyện tuyệt vời.
Từ khi bắt đầu cầu nguyện theo cách thức Chúa Giêsu chỉ dạy, tôi đã học được điều gì hữu ích về sự cầu nguyện ?
*
Bài Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay, Thánh sử Luca thuật lại câu chuyện Chúa dạy các môn đệ cầu nguyện và khuôn mẫu của lời cầu nguyện là: KINH LẠY CHA.
Thánh sử Matthêu đặt kinh lạy cha trong bài giảng trên núi (Mt 6,5-15) nhưng ở đây Luca không nói rõ về thời gian và nơi chốn mà Chúa đã dạy kinh lạy cha. điều này chứng tỏ Luca chỉ muốn nhấn mạnh đến khiá cạnh có tính cách liên đới giữa việc Chúa Giê-su cầu nguyện với việc Chúa dạy các môn đệ cầu nguyện.
“Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ đến thưa Người rằng: xin dạy chúng con cầu nguyện”: Ở đây muốn nói lên cơ hội mà Chúa Giê-su đã dùng để dạy về kinh lạy cha đó là sự kiện một môn đệ vô danh, vì ảnh hưởng do việc Chúa Giê-su cầu nguyện và vì thấy Gioan đã dạy các đệ tử của ông cầu nguyện, nên đã đến xin Chúa dạy về sự cầu nguyện.
Thời gian Chúa Giê-su có nhiều nhóm tu đạo khác nhau do hình thức hay kinh kệ của họ, trong trường hợp ở đây, chúng ta thấy có nhóm Gioan tẩy giả. Cách cầu nguyện riêng của mỗi nhóm diễn tả mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa là mối dây hiệp nhất của nhóm.
Việc các môn đệ Chúa Giê-su xin có một kinh nghiệm riêng, chứng minh họ muốn thành lập một cộng đoàn Thiên Sai. Kinh ấy là một mối dây liên hệ và là dấu hiệu riêng của họ. Vì thế, ở đây cho thấy kinh Lạy Cha của người Kitô hữu biểu lộ một sự tham dự của họ vào kinh nguyện của Chúa Kitô. Chính nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô mà mọi Kitô hữu phải cầu nguyện.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn dạy chúng ta khi cầu nguyện phải có tâm tình hiếu thảo và tinh thần tín thác vào Thiên Chúa là Cha đồng thời phải có lòng kiên trì và bền đỗ trong khi cầu nguyện.
Chúa Giêsu đã dựa vào cơ hội thuận tiện là việc muôn đệ đến hỏi Chúa về sự cầu nguyện để dạy cho các muôn đệ về sự cầu nguyện. Là những người con cái Chúa, trong Năm Đức Tin này, tôi đã quan tâm và thiết tha gặp Chúa trong giờ nguyện gẫm và cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể chưa ?
Tôi có biết dựa vào các biến cố, sự kiện và ước vọng của tha nhân để hướng dẫn và thăng tiến tha nhân bằng lời cầu nguyện của tôi chưa
Bài Tin mừng hôm nay gợi lên cho tôi những suy tư về đời sống cầu nguyện hằng ngày.
Cầu nguyện không chỉ là cầu xin mà còn là tôn thờ, ngợi khen Thiên Chúa, nhận biết Ngài là Cha chúng ta. Điều đặc biệt chỉ có con người mới biết cầu nguyện như là lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa. Được nói chuyện với một Đấng siêu việt, mà lại gần gũi thân thương trong tình cha con, là điều không tưởng đối với con người, nhưng lại là ân ban của người Kitô hữu. Bởi lẽ khi muốn vào yết kiến vua thế gian phải tâu trước, bằng không sẽ phạm tội nặng, còn Chúa là Chúa cả trời đất hằng đón tiếp hết mọi người.
Cầu nguyện còn giúp ta nhận ra sự yếu đuối, giới hạn của mình, để nài xin tình yêu, sức mạnh và sự sống nơi Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện được ví như hơi thở của linh hồn. Không thở, con người sẽ chết. Cũng vậy, không cầu nguyện, linh hồn không thể sống lành mạnh được. Thánh Augustino nói “bỏ cầu nguyện là tới ngày tận số”.
Nhờ cầu nguyện, linh hồn tràn đầy sức sống, tình yêu, và đời sống con người trở nên hạnh phúc. Thánh Anphongsô đã kinh nghiệm điều này khi quả quyết rằng :”Ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu độ ; ai không cầu nguyện chắc chắn sẽ bị án phạt”.
Là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng từng cầu nguyện, nhưng có lẽ cũng như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải thú nhận rằng chưa biết cầu nguyện. Con người tự nhiên cầu nguyện, nhưng không thể nào cầu nguyện cho phải đạo, và mãi mãi chúng ta phải cầu xin Chúa dạy cầu nguyện. Ngài truyền cho chúng ta kinh Lạy Cha, đây chính là lời kinh tuyệt hảo nhất, xuất phát từ chính trái tim của Chúa Giêsu, một trái tim người con thảo hiếu luôn hướng về Chúa Cha, và luôn thưa lên với Chúa Cha trong tâm tình phó thác trọn vẹn, như Chúa Giêsu thường lui vào thanh vắng để thưa chuyện với Chúa Cha. Chúa Giêsu không dạy chúng ta một công thức để đọc, nhưng là một tinh thần để sống, tinh thần ấy chính là lời thưa “Xin vâng” với ý Chúa Cha.
Nhà bác học đại tài Ampere với những nghiên cứu về điện tử học, nam châm điện, đã đem lại biết bao lợi ích cho nền văn minh nhân loại. Thế nhưng ông không cho đó là vĩ đại, ông nói : “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”. Quả thật, cầu nguyện là đôi cánh nâng tâm hồn chúng ta lên với Chúa. Cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha giúp ta gặp gỡ Cha trên trời, và nhận ra mỗi người là anh chị em với nhau, biết yêu thương và “tha nợ” cho nhau.
Cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha còn là sống tâm tình của Chúa Giêsu, cùng chung nhịp đập con tim với Chúa Giêsu, và cùng hơi thở với Ngài. Vì thế, sống kinh Lạy Cha là cùng với Chúa Giêsu bẻ tấm bánh lương thực hàng ngày cho anh chị em, cùng với Chúa Giêsu lên đường loan báo Tin Mừng cho Nước Cha trị đến.
Lạy Chúa, chúng con nguyện xin cho mọi người nhận biết Cha là chủ tể trời đất muôn vật, cho sự công chính, bình an trong Thánh Thần ngự trị khắp mọi nơi. Xin dâng ý riêng con, để cầu cho thánh ý Cha được thành tựu, và xin cho chúng con luôn biết siêng năng dùng kinh Lạy Cha để cầu nguyện, để sống tâm tình phó thác và yêu mến. Amen.
Thiên Ân