"Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."
Xin Chúa giúp mỗi người chúng con có được đời sống thanh thoát, đừng bám víu vào của cải vật chất ở đời này và biết sử dụng tiền bạc cho đúng
Tin Mừng Chúa Giêsu theo thánh Luca
Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Người đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? "
Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." Đó là Lời Chúa.
Suy niệm.
Luật Môsê quy định quyền thừa kế rằng: Người anh cả được chia hai phần ba gia tài (Dnl 21,17) và phần còn lại chia cho các em khác. Nhưng trường hợp ở đây, hình như người anh cả chiếm hết gia tài mà không chịu chia cho các em. Vì thế, người này đến xin Chúa Giê-su phân xử vấn đề thừa kế bằng cách dùng uy tín để gây áp lực với người anh cả bất công, vì Người được coi như một tiến sĩ luật nổi danh, Người làm cách có uy quyền.
Người ta xin Chúa Giê-su can thiệp vào một việc trần tục là chia chác tài sản, Người từ chối không làm. Việc từ chối này có ý nói lên rằng, tuy Người có quyền xét sử kẽ sống người chết (Cv 10,42), nhưng sứ mệnh lịch sử của Người ở trần gian là sứ mệnh tôn giáo, vì thế Người đã từ chối can thiệp vào việc đời.
Chúa Giêsu cảnh tỉnh họ: “Các ngươi hãy coi chừng, tránh mọi thứ gian tham”: tranh chấp về quyền thừa kế của cải vật chất, là chứng tỏ lòng tham lam. nhân dịp này Chúa Giê-su nhắn nhủ với tính cách cảnh cáo rằng cần phải tánh mọi thứ tham lam, vì của không làm cho đời sống được bảo đảm đâu. Lời cảnh cáo này có ý nắc khéo rằng đừng an tâm, cậy dựa vào bất cứ một vật nào khác ngoài Thiên Chúa.
Để thức tỉnh người nghe về sự chóng qua của cải vật chất, Chúa Giê-su đã trình bày dụ ngôn về một người phú hộ ngu dại, dụ ngôn này cho thấy rằng người phú hộ rất thành công về ngành nông nghiệp. sự thành công làm ông say sưa và suy tính đến việc mở mang rộng lớn kho lẫm của ông.
“Tôi sẽ bảo hồn tôi…”: Danh từ “hồn” ở đây có nghĩa như thường gặp ở Cựu Ước, một hữu thế sống động, một nhân vị. Vì thế “hồn” có nghĩa là một sự sống. Câu này có thể hiểu là “tôi sẽ bảo với chính tôi: Mày có biết bao nhiêu của cải…”
“Ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!”: Không những người phú hộ suy tín đến việc làm ăn, mà ông còn suy tính đến việc ăn uống ngủ nghỉ, vui chơi bảo đảm cho tương lai. Ở đây cho thấy của cải vật chất lôi cuốn người ta đến chỗ ăn chơi sa đoạ, đến chỗ mù quáng không còn nghĩ ra điều gì hơn nữa. Cựu Ước dùng kiểu nói “ngu dại” để chỉ người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa (x.Tv13,1): Người ngu dại nói trong lòng rằng không có Thiên Chúa. Người phú hộ này được coi là kẽ ngu dại vì đã quên mất Thiên Chúa khi quá bon chen của cải vật chất.
“Đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi”: Kiểu nói “Người ta” ở đây chỉ trống là cách ám chỉ đến Thiên Chúa mà không nêu tên Người. Vì thế câu này có nghĩa là Thiên Chúa gọi người giàu có ra khỏi thế gian bằng cái chết.
“Những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai”. Dù giàu có, sự sống của con người cũng không tùy thuộc vào của cải. Thật là ngu dại, người giàu có nào tưởng tượng rằng của cải thế gian là một bảo đảm chống lại cái chết và tưởng rằng họ có thể dùng của cải để thu xếp cho đời mình không tùy thuộc vào cái chết. Nhưng thực ra Thiên Chúa mới là chủ sự sống và sự chết. Của cải trần gian không thể kéo dài sự sống, dù chỉ kéo dài trong chốc lát. Vì thế khi chết, của cài trở nên vô ích cho chủ nó, và như vậy, tham lam tích trữ của cải, nào có ích gì cho mình khi chết!
Trong dụ ngôn này, Chúa có ý nói lên sự nguy hiểm của sự giàu sang, và sự tham lam của cải vật chất. Vì vậy, Chúa dùng dụ gôn này để cảnh giác cho hết mọi người: Người giàu có lo tích trữ của cải, cũng như người nghèo tham lam của cải. Ở đây Chúa trách người anh cả đã tham lam chiếm đoạt gia tài mà không chia cho người em, đồng thời Người cũng trách người em cũng ham mê của cải mà tranh chấp gia tài với người anh.
Trong bài Tin Mừng của Chúa nhật 18 mùa Thường Niên năm C hôm nay, Thánh sử Luca đề cập đến thái độ đúng đắn phải có đối với tiền bạc của cải.
Có người đến xin Chúa Giêsu can thiệp việc chia gia tài. Theo tục lệ Do thái, khi trong gia đình có tranh chấp gia sản, có thể nhờ cậy một vị có uy tín dàn xếp và làm trọng tài phân xử. Chúa Giêsu cảnh cáo cho biết Ngài đến thế gian không phải để cải tạo những bất công xã hội hoặc đảm nhận những phận vụ trần thế, thiết lập nền chính trị kinh tế ổn định như Do thái vẫn quan niệm về Đấng Thiên sai trần thế, nhưng Ngài có sứ vụ cứu độ, nghĩa là giải thoát con người khỏi sự thống trị của quyền lực sự dữ để ban cho họ sự sống đích thực và hạnh phúc vĩnh cửu.
Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu khẳng định sống không phải là giàu sang của cải hoặc danh vọng quyền hành, nhưng sống đích thực hệ tại “việc làm giàu trước mặt Thiên Chúa” ở đời này để đạt hạnh phúc viên mãn ở cuối đời. Tất cả mọi sự ở đời chỉ là “phù hoa nối tiếp phù hoa” (x. Gv 1, 2), sự sung túc giàu có không đảm bảo sự sống đời đời: “Được lợi cả thế gian mà nếu thiệt mất linh hồn, thì có ích gì?”.
Để làm sáng tỏ giáo huấn trên, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người giàu có ngu dại, chỉ biết tích trữ của cải vật chất, tưởng sẽ được sống hạnh phúc an nhàn với sự sung túc giàu có của mình; nhưng nếu đêm ấy, anh ta chết, thì mọi của cải tích trữ sẽ về đâu? và số phận của anh sẽ thế nào? Và Chúa kết luận: “thu tích thật nhiều của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó”.
Vì thế, hôm nay Chúa Giêsu đã dạy: “các con hãy giữ mình tránh mọi thứ tham lam vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”. Chúa Giêsu đã hướng khát vọng của con người lên đến giá trị vĩnh cửu qua dụ ngôn “người phú hộ xây kho lẫm” trong bài Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay.
Sau những vụ mùa thành công, ông phú hộ lo lắng tìm chỗ tích trữ hoa màu của mình vì những kho lẫm cũ không còn đủ sức chứa nữa. Ông phá bỏ những kho lẫm cũ và xây những kho mới lớn hơn rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó. Trước đây, hoa màu của cải ít, ông không quan tâm đến những tên trộm, nhưng khi có nhiều tài sản hơn, ông lo lắng bị mất cắp nên xây những nhà kho chắc chắn hơn, khoá lại thật kỹ lưỡng để đề phòng kẻ trộm. Khi nhà kho đã được khóa chặt trong sự an toàn, ông phú hộ mới an tâm trước một tương lai an nhàn sung sướng. Kho lẫm chất đầy của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm, không phải làm lụng cực khổ nữa. Những cái kho lớn là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho ông nghỉ ngơi ăn uống vui chơi. Trước đây, lúc còn nghèo khổ, ông cần đến ơn trên phù hộ và bạn bè giúp đỡ, bây giờ ông chẳng cần đến ai và cũng không muốn ai làm phiền đến mình. Tâm hồn ông đóng chặt như cánh cửa nhà kho. Nếu có mở ra thì chỉ để đổ thêm thóc lúa hoa màu vào chứ không phải để “xuất kho” chia sẻ cho người khác. Kho lẫm càng đầy lên thì tâm hồn ông càng nghèo đi. Ông càng giàu có lại càng cô đơn và khép kín tâm hồn. Ông phú hộ tưởng mình đã tính toán thật khôn ngoan, nhưng có một điều ông không nghĩ tới : cái chết đến bất ngờ giữa đêm khuya ! Thế là ông mất tất cả, trở thành kẻ khờ dại vì đã bám víu vào sự phù vân hư ảo. Đúng như lời sách Giảng Viên nói : “Hư không trên các sự hư không và mọi sự đều hư không”.
Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó để chúng ta trở nên giàu có. Vì thế, tiền bạc, của cải và sự giàu sang chính là ân huệ Chúa ban cho chúng ta, là dấu chỉ lòng quảng đại của Ngài. Chúng ta có quyền được trở nên giàu có và hạnh phúc, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải trở thành những “người phú hộ khôn ngoan” ở đời này.
Trước hết, chúng ta đừng coi tiền bạc của cải như cùng đích đời mình, nhưng hãy coi chúng như phương tiện giúp chúng ta nên thánh và thực thi tình bác ái. Tiền bạc có thể trở thành sợi dây trói Buộc chúng ta không cho chúng ta vươn lên, nhưng cũng chính là sợi dây liên kết mọi người trong yêu thương. Của cải có thể là một mãnh lực đè bẹp chúng ta, nhưng cũng là động lực thúc đẩy chúng ta thăng tiến.
Thiên Chúa chỉ có thể đổ tràn đầy ân huệ của Ngài vào những tâm hồn biết trở nên trống rỗng vì anh em mình. Nếu tâm hồn chúng ta chỉ là “nhà kho” hay “két sắt” khóa chặt, chúng ta sẽ không nhận được tình thương Thiên Chúa trao ban. Của cải chân thật không phải là những cái người ta có, nhưng là những cái người ta cho đi. Chỉ khi nào ta mở rộng cánh cửa “kho lẫm” lòng mình, chúng ta mới là những người giàu có và hạnh phúc, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35).
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho mỗi người chúng con nhận ra rằng : tiền bạc chỉ là phương tiện để giúp chúng con nên thánh. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con có được đời sống thanh thoát, đừng bám víu vào của cải vật chất ở đời này và biết sử dụng tiền bạc cho đúng. Amen.
Thiên Ân