Lời Chúa: Lc 12, 49 – 53
"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng". Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Khi giảng dạy cho các tông đồ, Chúa Giêsu đã thức tỉnh các ông hãy dọn mình để chờ đợi ngày Chúa đến trong sự bất ngờ, Ngài cũng cho các ông biết về sứ mạng cứu độ của Ngài. Đồng thời, Ngài mời gọi các tông đồ thông phần chia sẻ vào sứ mạng cao qúy ấy.
Bài Tin Mừng trình bày việc Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết về sứ mạng đặc biệt của Ngài là: Chúa đến trần gian để cứu độ nhân loại qua chính cuộc đời đau khổ, cái chết và phục sinh. Ai theo Chúa, Ngài đòi hỏi cũng phải chia sẻ số phận với Ngài.
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất”: Chúa Giêsu muốn nói hình ảnh lửa thanh luyện tâm hồn, là những đau khổ Người sẽ chịu để luyện lọc con cái Israel, và hết thải mọi người tin theo Ngài.
“Thầy ước mong phải chi lửa ấy bùng lên”: Chúa muốn lửa thanh luyện của Ngài cháy lan ra, len lỏi vào mọi tâm hồn. Ngài đòi hỏi những ai theo Ngài, thì cũng phải chịu thử thách đau khổ. Qua Thánh giá đi đến vinh quang, qua tử nạn đến phục sinh.
Khi Chúa nói: “Thầy còn một phép rửa phải chịu”: Chính là Chúa Giêsu chịu đau khổ, khốn cùng vì tội lỗi của nhân loại. Đó chính là cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu. Chính phép rửa thương khó này, là căn nguyên, hiệu lực của phép rửa bằng nước trong phép Thánh Tẩy, sự chết và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu là nguồn ơn tha tội cho con người.
Người Kitô hữu muốn được hạnh phúc Nước Trời phải qua con đường thập giá, muốn được cứu độ phải trải qua đau khổ. Tôi thường tìm Chúa và đi theo Chúa bằng con đường nào? phải chăng tôi thường tìm Ngài trong những phồn vinh, hạnh phúc hay danh vọng theo kiểu trần gian? “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất”
Chúa đã xuống thế để cứu chuộc chúng ta qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Qua đó, cho thấy giá trị của đau khổ và thử thách trong cuộc đời đối với những ai theo Chúa. Tôi đã nhận ra Chúa mời gọi tôi trở thành môn đệ của Ngài và đi theo Ngài trên cuộc hành trình cứu độ mà Chúa đã thực hiện chưa?
Ðức Giêsu nói: "Thầy đến để gây chia rẽ". Một câu nói xem ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu phân tích sâu xa thì câu nói đó lại là một Chân Lý tuyệt vời. Hòa bình đích thực chỉ có sau khi đã quyết liệt chiến đấu để chọn lựa. Hòa bình chỉ có khi đã phân rẽ sự ác khỏi điều thiện, bóng tối ra khỏi ánh sáng... Nhờ ngọn lửa thanh tẩy bợn nhơ được loại bỏ để chỉ còn lại sự tinh tuyền trọn hảo.
Đường thập giá, đường bình an
Có lẽ mấy ai có thể thoát ra khỏi sự khó hiểu đến vô lý khi nghe lời tuyên bố rất thẳng thắn của Chúa Giêsu rằng : “Anh em tưởng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết không phải thế đâu! nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Quả thật, lời này không thể hiểu nổi, vậy phải chăng đó là một nghịch lý?
Muốn biết được lời Chúa Giêsu có phải là một nghịch lý không, có lẽ chúng ta cần đứng trên bình diện của hai cái nhìn. Ở góc nhìn thứ nhất, nếu đó là cái nhìn của phàm nhân thì lời của Chúa Giêsu quả thực là hoàn toàn vô lý. Còn ở góc nhìn thứ hai, nếu đứng trên bình diện của cái nhìn đức tin thì lời tuyên bố của Chúa Giê su không có gì phi lý, trái lại, hoàn toàn là có lý.
Sở dĩ chúng ta có thể nói như vậy, vì đường lối của Thiên Chúa thì không phải là đường lối của loài người, và suy nghĩ của loài người thì không thể thấu đạt tới suy nghĩ của Đấng Siêu Việt. Chính Chúa Giêsu đã mắng vị Tông đồ của mình là Phêrô rằng : “… Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người” (Mc 9,33). Cho nên, thứ bình an mà nhân loại mong chờ thì không phải là nguồn bình an mà Chúa Giêsu muốn tặng ban cho nhân loại. Và như vậy, thật có lý khi Chúa nói : “Thầy đến không phải để đem bình an nhưng là đem sự chia rẽ”.
Vì đứng ở trên hai góc nhìn khác nhau như trên, nên : “Họ sẽ chia rẽ với nhau : cha với con, con với cha; mẹ với con gái, con gái với mẹ; mẹ chồng với nàng dâu, nàng dâu với mẹ chồng” (Lc 12,53). Quả thật, khi đối diện với Đấng là Lời, là nguồn và là đường dẫn tới sự bình an, nhiều người đã gặp phải một “cú sốc”. Sốc vì nguồn mạch bình an đó chỉ mỉm cười với những ai can đảm bước theo đường thập giá Chúa Giêsu đã đi mà thôi. Để phục hồi lại được nguồn bình an đích thực mà nhân loại đã đánh mất, Chúa Giêsu đã phải chuộc lại bằng chính giá Máu của mình. Con Thiên cũng phải trải qua đau khổ mới đến vinh quang. Điều này được chính Thánh Thần của Thiên Chúa chứng thực rằng : “… những thống khổ Đức Kitô phải chịu và về vinh quang kế theo đó” (1Pr 1,11).
Như vậy, Chúa Giêsu chỉ nhận được bình an và vinh quang đích thực của Chúa Cha khi Người hoàn tất mầu nhiệm thập giá mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Do đó, những ai muốn có được sự bình an đích thực thì không có cách nào khác là phải đi vào con đường khổ giá mà chính Chúa Giêsu đã đi. Vậy, ai khước từ thập giá, khước từ đau khổ cũng có nghĩa là khước từ nguồn bình an đích thực.
Thật rõ ràng là không có nguồn bình an đích thực nào trổ sinh từ một sự dễ dãi, và ngược lại, không có một nền hòa bình đích thực nào mà lại không trào vọt ra từ thập giá của Đức Kitô.
Đức Kitô đã đến, và bình an đã trao ban
Chúa Giêsu tuyên bố rằng : “Ta đã đến ném lửa xuống đất, và nào Ta ước mong gì, nếu nó đã được nhen lên” (Lc12,49). Quả thật, Đức Kitô đã đến và nguồn bình an đích thực của Người đã được trao ban cho nhân loại qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh. Qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, nguồn bình an, nguồn ơn cứu độ của Thiên Chúa đã khởi sự nơi trần gian rồi. Nền hòa bình của Thiên Chúa đã được trao ban. Chỉ có điều mỗi người chúng ta có sẵn sàng đón nhận nguồn bình an của Chúa hay không?
Như đã nói, để có được sự bình an này chúng ta buộc phải có sự thanh luyện tâm hồn bằng chính con đường khổ giá của Đức Kitô. Chúng ta có sẵn sàng đón nhận thập giá xảy đến mỗi ngày trong đời sống, và xem đó như là cơ hội giúp ta thăng tiến về đường thiêng liêng hay không ? Chúng ta có sẵn sàng hy sinh từ bỏ những cám dỗ trong đời sống mà xét thấy nó nghịch với những đòi hỏi của Tin Mừng hay không ? Chúng ta có sẵn sàng tha thứ những thiếu sót, những lầm lỗi của những người chúng ta gặp gỡ hay không ? Chúng ta có sẵn sàng thực thi công bình, bác ái và yêu thương đồng loại như Chúa đã yêu không ?
Bài học áp dụng
Người tín hữu luôn lắng nghe tiếng Chúa mời gọi sẵn sàng phục vụ Chúa nơi anh em trên mọi nẻo đường mà Chúa muốn, sẵn sàng hy sinh ý riêng mình để thực hành Thánh Ý Chúa.
*
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu chúng con Chúa đã sẵn sàng đổ Máu mình ra để mang lại nguồn bình an và ơn cứu độ cho chúng con. Xin cho chúng con biết nhận ra ân huệ vô cùng lớn lao này của Chúa. Và qua đó chúng con biết đón nhận thập giá xảy đến mỗi ngày trong đời sống của chúng con, ngõ hầu chúng con có được nguồn bình an đích thực của Chúa.