Những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu (Cv 2,21) |
Trang Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô thuật lại cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu trở lại thăm quê quán của Ngài. Nhưng trọng tâm của đoạn Tin Mừng này không dừng lại ở biến cố đó, dấu nhấn nằm ở chỗ niềm tin của con người, sự cứng lòng của những kẻ đồng hương với Chúa, thậm chí là những người bà con thân thuộc của Ngài. Không những thế, Tin Mừng còn cảnh tỉnh những người tuyên xưng mình là Kitô hữu nhưng lại có lòng chai dạ đá.
Trong bài đọc một, Thiên Chúa gọi dân Ixraen là “nòi phản loạn, những đứa con mặt dày mày dạn, lòng dạ chai đá, quân phản nghịch chống lại Đức Chúa.” Dù là như vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ, vẫn ban cho họ một Đấng Cứu Thế. Người muốn họ nhận ra lòng thương xót và sự trung tín của Người (bởi giao ước Ngài đã thiết lập với tổ phụ Abraham). Thiên Chúa cũng đang nhắc chúng ta về lối sống buông thả và không tuân giữ lời Ngài.
Ở bài đọc hai, thánh Phaolô rất có lý khi nói rằng: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” Một câu nói ẩn chứa cảm nhận sâu sắc của đức tin. Khi chúng ta nhận ra mình yếu đuối, rất giới hạn thì khi đó, chúng ta mới biết kêu cầu và cậy dựa vào Đức Chúa mà thôi. Tất nhiên Thiên Chúa sẽ ra tay cứu giúp chúng ta vì uy tín và tình thương của Người dành cho chúng ta, “Những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu” (Cv 2,21).
Những người đồng hương của Chúa Giêsu cho rằng họ biết quá rõ về “bác thợ mộc Giêsu” này. Cha mẹ, anh em, họ hàng của bác Giêsu này là bà con lối xóm với họ, họ quá biết. Những định kiến mà họ đã có về Đức Giêsu đã che mắt họ, làm cho họ xem thường Ngài, họ không thể chấp nhận nổi các lời giảng dạy đầy khôn ngoan và ngay cả những phép lạ mà Ngài đã thực hiện, họ cũng không tin được. Họ vấp ngã vì Ngài.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng đang dẫm lên vết xe đổ của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Chúng ta luôn mang những định kiến mà chúng ta đã có về người khác, theo kiểu: tôi nghe người ta nói thế, tôi cảm thấy như thế, hay theo kiểu vùng miền… và chúng ta xét đoán anh chị em mình. Làm như thế, chúng ta đang phủ nhận thành quả của sự cố gắng thay đổi bản thân của anh chị em mình. Nếu chúng ta không tích cực tìm kiếm Thiên Chúa, thường xuyên suy niệm lời Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng đi tới chỗ mất đức tin, kiêu ngạo, chống lại Thiên Chúa và chúng ta cũng chẳng khác gì những người đồng hương của Chúa Giêsu năm xưa.
Đoạn cuối của Tin Mừng còn nói rằng: “Chúa Giêsu đã không làm được phép lạ nào vì họ không tin.” Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng, không phải quyền năng của Chúa Giêsu bị giới hạn tại quê hương của mình, Ngài không làm được, không phải thế. Phép lạ của Chúa là để củng cố đức tin, để cứu chữa những kẻ tin vào Ngài, để chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa thật và Ngài có quyền trên tất cả mọi sự, chứ không phải là để làm thỏa mãn ý muốn của con người. Vì thế, khi chúng ta xin Chúa một điều gì mà chưa được Chúa ban cho, thì cũng đừng thất vọng. Không phải Chúa không có khả năng thực hiện điều chúng ta xin, mà là điều chúng ta xin chưa thật sự mang lại lợi ích về đức tin cho chúng ta hoặc cho người khác.
Mỗi ngày, chúng ta vẫn đọc Lời Chúa, nhưng chúng ta có tự hỏi bản thân mình rằng, tại sao tôi không được Lời Chúa biến đổi? Những người khác thì sống đạo đức thánh thiện hơn, còn tôi thì không, tại sao thế? Phải chăng tôi đọc lời Chúa, đi tham dự thánh lễ chỉ vì bổn phận, vì thói quen? Tôi chưa thật sự sống thân mật với Chúa, chưa để Chúa hoạt động trong tôi? Trải qua hơn hai ngàn năm, có lẽ Chúa Giêsu cũng đang ngạc nhiên về sự cứng lòng của chúng ta, y như Ngài đã từng ngạc nhiên về sự cứng lòng của những người đồng hương của Ngài.