Suy tư - Chia sẻ

Đã thấy và đã tin

Cập nhật lúc 10:10 06/04/2023
Chúa nhật Phục sinh, năm A; Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43; Bài đọc 2: Cl 3,1-4; Tin Mừng: Ga 20,1-9
Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.
Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

Sau 40 ngày chay thánh, hôm nay toàn thể Giáo hội long trọng mừng lễ Đức Giêsu Phục sinh. Phụng vụ Giáo hội trong lễ phục trắng, cùng lời ca Halelluia vang lên khắp nơi như dấu chỉ của sự vui mừng và chiến thắng. Đó không phải là sự vui mừng của một ngày lễ hội, mà là sự vui mừng của Mầu Nhiệm Đức Giêsu chiến thắng sự chết và sống lại vinh quang. Niềm vui ấy chỉ có thể được cảm nhận, được sống cách trọn vẹn khi chúng ta yêu mến Chúa cách say đắm và tin tưởng vào Người như người môn đệ đã tin.
Những gì các môn đệ đã thấy
Sau biến cố Đức Giêsu bị kết án, bị treo lên cây gỗ mà giết đi thì các môn đệ cũng như những người tin vào Người cảm thấy bàng hoàng và thất vọng. Tuy nhiên, sự thất vọng ấy không kéo dài lâu, bởi ngày thứ ba, Thiên Chúa làm cho Người trỗi dậy. Người xuất hiện tỏ tường giữa các chứng nhân Thiên Chúa tuyển chọn từ trước (Cv 10, 40-41). Cụ thể, ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Mácđala đã đến mộ Chúa và thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ (Ga 20,1). Bà là người được Chúa Giêsu chữa cho khỏi bảy quỉ. Từ lúc được lành bệnh, Bà luôn theo Chúa Giêsu, và đứng dưới chân Thập giá khi Ngài hấp hối. Bà ra thăm mộ Chúa từ sáng sớm khi trời còn tối; Tình yêu dành cho Chúa Giêsu làm bà vượt qua nhiều sự sợ hãi: quân lính Rôma, người Dothái, bóng tối, ma quỉ, lạnh lẽo, lười biếng. Hãy làm hết sức cho có được tình yêu với Chúa Giêsu như Maria Mácđala. Một khi có được tình yêu như thế, chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại để trung thành với Thiên Chúa và làm chứng cho Thiên Chúa… Với những gì đã thấy trước mắt thì bà cho rằng: “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Ga 10,2); hay nói cách khác là Chúa bị kẻ trộm lấy mất.
Thế là bà Maria Mácđala liền chạy về báo cho ông Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến biết. Cả hai ông cùng chạy ra mộ. Người môn đệ kia chạy nhanh hơn, đến trước và thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào, còn ông Phêrô đến sau nhưng vào trong mộ và thấy những băng vải và khăn che đầu còn để ở đó (Ga 10,3-7). Điều đáng ngạc nhiên là khăn này không để lẫn với băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Trong suy nghĩ của bà Maria Mácđala lúc bấy giờ vẫn cho rằng thi hài của Đức Giêsu bị lấy mất, nhưng ngạc nhiên vì không hiểu sao lại vẫn y nguyên đồ liệm là các băng vải và khăn che đầu như thế; thậm chỉ là được cuốn lại và xếp riêng ra ngăn nắp. Môn đệ Phêrô, ông đã vào trong mộ trước và đã thấy nhưng thánh sử Gioan không trình thuật cho ta biết bất kỳ phản ứng nào. Còn với môn đệ kia, cũng đi vào, nhưng khi nhìn thấy những dấu hiệu này mà ông đã tin rằng Đức Giêsu, Thầy của các ông, đã trỗi dậy từ cõi chết “ông đã thấy và đã tin” (Ga 10,8).
Đức tin của các môn đệ
Với những gì đã nhìn thấy khi vào trong ngôi mộ trống, dường như hai môn đệ đã có những phản ứng khác nhau trong cùng một hoàn cảnh. Môn đệ Phêrô không có phản ứng nào có thể ông cũng cho rằng lời bà Maria Mácđala là đúng. Có lẽ, lúc này đây, ông Phêrô chỉ hiểu hoàn cảnh bằng trí tuệ và lý trí. Người nào phán đoán bằng trí tuệ thì không thể nắm bắt được mầu nhiệm Phục sinh.
Môn đệ kia, người môn đệ Đức Giêsu thương mến, người mà trong bữa tiệc ly ngồi tựa đầu vào ngực Chúa (Ga 13,23), với trực giác và tình yêu ban cho, ông kinh nghiệm rằng nhìn cách xếp đặt ngay ngắn chứ không lộn xộn của băng vải và khăn liệm, đích thực là của Thầy rồi. Dầu không thấy được Thầy, chưa có thông tin gì về Thầy, nhưng ông đã cảm nhận được trong đức tin “ông đã thấy và đã tin” (Ga 10,8). Rõ ràng, người môn đệ kia đã nhìn với cặp mắt của con tim. Một con tim yêu thương đã thấy, hiểu và tin. Dù thánh sử Gioan không nói cho chúng ta biết “người môn đệ kia” tin vào điều gì; nhưng chắc hắn người có một trái tim yêu Thầy đến tận đáy lòng và được Thầy yêu mến như thế thì sẽ tin vào sự Phục Sinh, tin tình yêu mạnh hơn sự chết và tin tình yêu sống mãi.
Thánh sử Gioan đã không cho chúng ta biết đích danh “người môn đệ kia” là ai, tên gì? Truyền thống cho đó là Gioan. Đó có thể là ngụ ý để cho chúng ta hiểu rằng “người môn đệ kia” là bất cứ ai tin và yêu mến Đức Giêsu say đắm từ tận đáy lòng. Đó có thể là Gioan và đó cũng có thể là mỗi người tin chúng ta. Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố, các dấu chỉ thời đại. Đức tin là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy mà qua dấu chỉ hữu hình, người ta nhận ra một thực tại vô hình. Thiếu sống thân tình với Chúa, ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra Ngài, dù Ngài vẫn hiển hiện trong từng biến cố.
Đức tin của chúng ta và niềm hy vọng vào Đức Giêsu Phục sinh 
Có thể đức tin của các môn đệ lúc bấy giờ chưa hoàn hảo, nhưng rồi đây, các ông sẽ được Thầy Giêsu hiện ra và củng cố đức tin cho. Các ông sẽ thẩu hiểu lời Kinh Thánh mạc khải và hiểu được ý nghĩa của cái chết và sự Phục sinh của Thầy. Tiến trình đức tin của các ông từ thấy và tin đến gắn bó hoàn toàn mật thiết với Đức Giêsu Phục sinh. 
Đó là đức tin của các môn đệ, đức tin của Giáo hội và là đức tin của mỗi chúng ta. Đức tin ấy dựa vào những chứng từ nơi ngôi mộ trống, nơi lời loan báo của các môn đệ, và sau cùng là nơi chính Đức Giêsu là Thầy và là Chúa sống động. Người đã vượt qua sự chết và sống lại vinh quang. Người hiện ra với Maria Mácđala (Ga 20,11-18), với hai môn đệ trên đường Emmau và với nhóm Mười Một (Ga 20,19).
Biến cố Chúa Giêsu Phục sinh chứng tỏ rõ ràng cho chúng ta một điều quan trọng: chết không phải là hết. Chúa Giêsu đi trước để dọn đường, và Ngài sẽ kéo mọi người chúng ta lên với Ngài. Vì thế, chúng ta không được sống như không có đời sau. Ước gì đời sống Kitô hữu chúng ta luôn biết chết đi con người cũ để được sống lại với Chúa trong vinh quang phục sinh. Xin cho chúng ta đừng vì những đam mê lầm lạc mà đánh mất Nước Trời mai sau.
Sự kiện Đức Giêsu sống lại không phải là kết quả của một suy lý hay một trải nghiệm thần bí nào đó; mà là một sự kiện lịch sử, xảy ra trong một thời điểm của lịch sử nhưng chắc chắn vượt qua lịch sử. Đức Giêsu sống lại mở ra cho chúng ta niềm hy vọng. Hy vọng cho những ai đang sống trong thế giới tăm tối, Người là Nguồn Chiếu Sáng; hy vọng cho ai cảm thấy bất công và đau khổ, Người là công lý và bình an. Hy vọng cho những ai tin vào Người, cùng chết với Người thì sẽ cùng được hưởng phúc vinh quang với Người.
Tu sĩ Phêrô Trần Thanh Sơn, FVP
Thông tin khác:
Hạnh phúc vì được làm con Đức Mẹ (06/04/2023)
Sống theo thánh Giuse (24/03/2023)
Ánh sáng của cõi lòng (16/03/2023)
Niềm tin vào sự sống mai sau (16/03/2023)
Đức Giêsu - Nước hằng sống cho nhân loại (03/03/2023)
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ khai mạc Mùa Chay 2023 (25/02/2023)
Biến đổi trong Đức Kitô (24/02/2023)
Sống như làn gió nhẹ (24/02/2023)
Trở về (20/02/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log