Suy tư - Chia sẻ

Đừng nhiều lời

Cập nhật lúc 06:08 11/08/2021
“Khi các con cầu nguyện các con đừng nhiều lời”
“Khi các con cầu nguyện các con đừng nhiều lời”

Đọc bài Phúc Âm hôm nay, tôi tự nhiên để ý đến lời Chúa dạy sau đây: “Khi các con cầu nguyện các con đừng nhiều lời”. Tôi coi Lời Chúa trên đây là một chân lý đạo đức rất quan trọng. Sở dĩ tôi khẳng định như vậy, không chỉ vì tôi tin rằng những gì Chúa đã dạy đều là chân lý, mà còn vì tôi đã có những kỷ niệm và những kinh nghiệm chứng minh chân lý đó. Ở đây, tôi xin chia sẻ vắn tắt một vài kinh nghiệm, kỷ niệm có liên quan đến Lời Chúa dạy: “Khi cầu nguyện chúng con đừng nhiều lời”.

Trong những kỷ niệm gây ấn tượng mạnh nhất trong lòng tôi có liên quan đến Lời Chúa dạy hôm nay, có kỷ niệm về những thánh lễ đồng tế tôi đã được thực hiện với Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tôi đã được hân hạnh đồng tế với Ngài không dưới năm lần tại nhà nguyện riêng của Ngài, cùng với những cộng đoàn nhỏ vài chục người. Trong những thánh lễ ấy, tôi nhận thấy Đức Thánh Cha không nhiều lời và có thể là không có Lời nào của riêng Ngài. Ngài chỉ nghe Lời Chúa, cầu nguyện theo kinh Hội Thánh cho phép in trong sách lễ, rồi thinh lặng. Cụ thể thế này:

Đầu lễ, Đức Thánh Cha gợi ý sám hối theo phương thức đã được ghi trong sách lễ, Ngài không thêm bớt gì, rồi Ngài thinh lặng. Sau đó là đọc kinh Cáo Mình chung. Trước các bài đọc, trước Phúc Âm, Ngài không cho phép nói gì cả. Sau bài Phúc Âm, thinh lặng, mọi người ngồi xuống suy gẫm để nghe tiếng Chúa nói trong lòng mình qua bài Phúc Âm vừa nghe. Các kinh nguyện đều hoàn toàn không một chút thêm bớt nào, chỉ đọc lên lời Hội Thánh. Sau rước lễ, Đức Thánh Cha ngồi cám ơn trong thinh lặng. Tất cả chúng tôi cũng thinh lặng cám ơn Chúa, gặp gỡ Đức Kitô, lắng nghe tiếng Chúa, tâm sự với Chúa để Chúa đổi mới nội tâm của mình. Không ai nói gì. Rất thinh lặng.


Tất cả thánh lễ, cầu nguyện đã đúng như lời Đức Kitô dạy: Đừng nhiều lời  Và qua những thánh lễ ấy tôi đã cảm thấy một sự sốt sắng lạ lùng, không có lời của người thế gian nào đã thêm vào. Chỉ có Lời Chúa, chỉ có lời Hội Thánh chính thức và sự thinh lặng sâu thẳm. Và chúng tôi cảm thấy có một sự đổi mới nội tâm như thể Chúa hiện xuống trong lòng mình. Đó là những kỷ niệm đẹp, gây ấn tượng đẹp, khiến tôi cho tới bây giờ vẫn muốn theo gương Đức Thánh Cha khi cầu nguyện, nhất là trong thánh lễ, đừng có nhiều lời.

Ngoài ra, tôi còn có những kinh nghiệm bản thân và của bạn bè có liên quan đến Lời Chúa dạy hôm nay: “Khi cầu nguyện đừng nhiều lời”. Có những người đã dự thánh lễ, đã đi dự cấm phòng, đã đi dự những cuộc chia sẻ và đã giữ Lời Chúa, “không nhiều lời”, họ đã thấy có những kết quả lạ lùng. Trong thinh lặng với thái độ chăm chú gẫm suy, cầu nguyện để đón nhận Chúa, Lời Chúa đã thấm vào tâm hồn, đào lên, bới lên, bừa lên những tầng lớp của nội tâm. Và trong giây lát, linh hồn nhìn thấy rõ những rác rưởi, những sâu bọ, những rắn rết ở trong nội tâm của mình, để rồi mình nhận thức về cái trận địa thiêng liêng của mình. Những gì là sức mạnh đưa tới sự chết, những gì là sức mạnh dẫn đến sự sống. Mình nhìn thấy rõ cần có những lựa chọn nào để dấn thân vào những cái tốt, để dứt lìa ruồng bỏ những cái xấu. Trận địa nội tâm chỉ hiện lên rõ, khi Lời Chúa vang vọng trong tâm hồn thinh lặng và xa lánh lời người ta.

Từ những lựa chọn có trách nhiệm và sáng suốt do Lời Chúa ban cho, con người ta bấy giờ mới biết thanh luyện những tương giao: Tương giao với những người trong nhà mình, tương giao với những người xóm ngõ, tương giao với những người nghèo vv... Để cho những mối tương giao đó được trong sáng hơn, chân thành hơn, chân phát hơn, chân thực hơn, chúng phải bỏ những bề ngoài câu nệ, giả hình. Khi đã thanh luyện những tương giao đó, linh hồn những người không nói nhiều trong cầu nguyện sẽ làm mới lại giao ước của mình với Chúa: Từ nay con giao ước với Chúa sẽ làm việc lành này, sẽ tránh dịp tội kia một cách cụ thể trong đời thường. Con giao ước với Chúa, ban sáng khi thức dậy con sẽ nghĩ đến Chúa thế nào, ban tối khi sắp ngủ con sẽ xét mình lại những điểm nào. Họ làm mới lại giao ước của mình với Chúa.

Qua những kinh nghiệm trên đây tôi thấy rằng, khi cầu nguyện mà ít lời để biết lắng nghe tiếng Chúa, để biết đón nhận ơn Chúa, chúng ta sẽ thấy có những sự đổi mới lạ lùng trong tâm hồn. Mấy ngày hôm nay, tôi nhận được nhiều thư nhân dịp lễ bổn mạng của tôi. Có một số thư các tác giả đã tâm sự về những khát vọng của mình. Họ khát vọng đi đến nhà dòng, đi đến những nhà nguyện, những nhà thờ có bầu khí thinh lặng, ít lời nói, để họ có thể tâm sự nhiều hơn với Chúa và lắng nghe rõ hơn tiếng Chúa. Họ khát khao tham gia vào những nhóm người làm việc từ thiện bác ái một cách âm thầm, đừng ai thấy mình. Tôi coi những khát vọng đó chính là tiếng gọi của Chúa Thánh Linh gởi đến cho tôi, gửi đến cho cộng đoàn của tôi, trong đó có anh chị em. “Khi cầu nguyện đừng nhiều lời”, nhưng hãy nhiều tình yêu, nhưng hãy nhiều khiêm tốn, nhưng hãy nhiều khát vọng tìm Chúa, nhưng hãy nhiều sức mạnh nội tâm.

Khi bước vào nhà thờ này, tôi đọc thấy hàng chữ trước bàn thờ:  “Con hãy làm chứng nhân của Thầy”. Tôi hỏi Chúa: “Chúng con sẽ làm chứng nhân của Chúa thế nào đây?” Và Chúa soi sáng cho tôi: Hãy làm chứng nhân lúc này, bằng cách đừng nói nhiều mà hãy sống nội tâm nhiều hơn, với tình bác ái sâu hơn, với đức tin thấu triệt hơn.

Lúc nãy trong bài đáp ca, cộng đồng đã hát: “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con những lời cao quí”. Và tôi đã cùng với anh chị em cầu nguyện theo bản thánh ca đó. Và Chúa đã trả lời tôi: Đường đi của Chúa, những lời cao quí Chúa dạy hôm nay là bài Phúc Âm: Đừng nói nhiều, đừng nhiều lời, nhưng hãy tập trung vào những thao thức của Chúa trong kinh Lạy Cha. Luôn luôn thao thức về Thiên Chúa, về con người. Hãy có một nội tâm đầy tình mến Chúa yêu người. Hãy thực hiện những thao thức đó bằng chính đời sống của mình, chứ không phải chỉ bằng lời nói mà nội tâm trống rỗng.

Việc làm của tôi hôm nay khi tới đây, là muốn chia sẻ cho anh chị em những điều mà Đức Kitô đã nói trong bài Phúc Âm hôm nay. Nhìn qua quang cảnh nhà thờ này, một quang cảnh cầu nguyện sốt sắng trang nghiêm, ít có lời nói nhưng nhiều nội tâm, tôi vui mừng cảm thấy rằng đây cũng là một dấu cho tôi biết chứng nhân của Chúa trong thời buổi này tại Việt Nam hôm nay, chính là những người không nhiều lời nhưng nhiều sức sống nội tâm.

Tôi cầu xin Chúa cho anh chị em nói chung và các con em chúng ta nhận thức được điều đó. Lời Chúa đơn sơ, vắn tắt. Hãy thực hiện đúng, thực hiện đủ Lời Chúa, thì chúng ta sẽ có những nhân chứng trọng lượng có thể làm chứng cho Nước Trời hôm nay. Amen.
ĐGM GB Bùi Tuần
 
Thông tin khác:
Bánh Hằng Sống (05/08/2021)
Xin thương nâng đỡ con (04/08/2021)
Nguồn hạnh phúc đích thực (28/07/2021)
Nguồn vui sống của tôi là Chúa (27/07/2021)
Theo Chúa Kitô: Chia sẻ, yêu thương, hiệp nhất (20/07/2021)
Linh mục, người con của Đức Mẹ (19/07/2021)
Nghỉ ngơi trong cầu nguyện (16/07/2021)
Tôi được Chúa báo thức (15/07/2021)
Người được sai đi (09/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log