Suy tư - Chia sẻ

Nghỉ ngơi trong cầu nguyện

Cập nhật lúc 06:51 16/07/2021
Con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đời sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế, những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác. 
“Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. và người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34). Trong Tin Mừng, Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều khi có đông đảo dân chúng đi theo người, họ không chỉ được ăn uống no nê mà còn dư thừa. Nhưng hôm nay, Chúa không làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Thật vậy, con người không dừng lại ở những nhu cầu vật chất, mà cần có nhu cầu khác nữa, nhu cầu tâm linh, nghỉ ngơi và cầu nguyện.
“Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 30, 31). Chính Đức Giêsu đã thấy bên cạnh những hăng hái, nhiệt thành, và những thành công mà các môn đệ gặt hái được, lại có những mệt mỏi dần hiện lên nơi họ. Những mệt mỏi ấy đã đến lúc cần bồi dưỡng để chuẩn bị sẵn sàng cho những hành trình sắp tới. 
Cuộc sống vốn xô bồ với nhiều điều, khiến con người thiếu đi những khoảnh khắc nghỉ ngơi. Mục đích của những cuộc nghỉ ngơi ấy thật quan trọng, vì nó giúp con người tìm cho chính mình nguồn sức mạnh nội tâm, vốn giúp họ có thể tiếp tục cuộc sống lữ hành đầy rẫy những khó khăn và thách đố. Con người thực sự cần có những phút tĩnh lặng thánh thiêng như thế. Cuộc sống con người luôn xoay vần với những kiến thức, công việc và cả những mối tương quan trong cuộc sống hàng ngày, lắm lúc cũng đuối sức, và cần một nơi nào đó để nghỉ ngơi, tuy không nói ra nhưng là khao khát sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi người. 
Tìm một nơi ngơi nghỉ không đồng nghĩa với chuyện tránh né khó khăn của cuộc đời, cũng không phải tìm đến Thiên Chúa như liều thuốc an thần sau những cú sốc của cuộc sống. Thiên Chúa không muốn con người phải suốt ngày mệt mỏi, thiếu sức sống và tiều tuỵ trước những đòi hỏi của cuộc sống này. Vậy Người muốn gì nơi con người? Chắc chắn một điều là Thiên Chúa yêu thương con người vô kể; chính vì thế, mỗi lần mệt mỏi, thiếu sức sống, thiếu năng lượng hay vấp ngã, Người muốn con người hãy nhớ tới Đấng luôn yêu thương và đồng hành với ta trong cuộc sống. Đấng ấy không ở xa, mà ngay bên cạnh. Chỉ cần lặng lại, để lòng yên ả đôi chút, nhớ đến Người, ý thức sự hiện hữu và khẽ nhắc Tên Người cách nhẹ nhàng thân ái là Người xuất hiện. Thiên Chúa sẽ an ủi, lắng nghe và giúp con người giải gỡ những rối ren của cuộc sống phức tạp này.
Thiên Chúa muốn con người - những tạo vật thân yêu của Ngài - hãy đứng vững trên đôi chân của mình. Nhờ thái độ kiên định ấy, Thiên Chúa dần giúp giải gỡ vấn đề từ thâm tâm, để khi bước ra đời thực, con người biết cách thoát khỏi những khó khăn trước mắt. Qua mỗi biến cố như thế ta có thêm một kinh nghiệm quý báu cho cuộc sống, mà trên hết là kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngoài ra, Thiên Chúa vẫn không ngừng gia tăng sức mạnh qua thánh lễ, Bí tích hàng ngày và qua những con người đồng hành bên cạnh chúng ta nữa. Chính Đức Giêsu, khi mặc lấy thân phận con người, đã tĩnh lặng không phải đôi chút, mà gắn bó cả cuộc sống với Chúa Cha sau những giây phút miệt mài phục vụ. Chúa Cha cũng trao cho Người sức mạnh thiêng liêng qua những hướng dẫn, nâng đỡ và đồng hành liên tục trong sứ mạng nơi trần gian của Người.
Chúa mời gọi các Tông đồ rút lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi bên Chúa. Chúa cũng nhắn gửi các ông phải tránh những nơi ồn ào để có một tâm hồn tĩnh lặng và an bình. Biết bao ồn ào náo nhiệt của cuộc sống bên ngoài, ồn ào ngay cả khi đang làm việc với ý hướng tốt nhằm phục vụ các linh hồn. Đó là những ồn ào của danh vọng, thích được mọi người vỗ tay khen ngợi. Đó là những ồn ào của tiền bạc, của những cuốn hút trước một lối sống tục hóa.
Những Kitô hữu ngày hôm nay, là cánh tay nối dài của Đức Giêsu, những con người được Chúa tin tưởng trao phó cho sứ mệnh cứu thế, cần phải học cho mình những bài học căn bản này để tâm hồn luôn được thảnh thơi và an bình. Sự bình an chân thật chỉ có thể có được nếu biết lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi bên Chúa. Đức Giêsu chính là sự bình an. Thánh Phaolô đã nói chân lý này trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an. Bình an cho anh em là những kẻ ở xa và bình an cho những kẻ ở gần”. Con người chỉ có thể kiến tạo cho mình sự bình an chân thật, nếu trong cuộc sống biết siêng năng rút lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi. Đó không phải là sự nghỉ ngơi về thân xác, nhưng là sự tĩnh lặng trong sâu tận tâm hồn để sống kết hiệp với Chúa luôn mãi”
Tu sĩ Gioanboscô NGUYỄN HƯNG TÍN
Thông tin khác:
Tôi được Chúa báo thức (15/07/2021)
Người được sai đi (09/07/2021)
Nhân ngày lễ thánh Gioan Baotixita sốt sắng đón Đức kitô bằng sám hối (08/07/2021)
Cứng lòng tin (05/07/2021)
Linh động trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần (02/07/2021)
Tin - Điều kiện để chúng ta được cứu (25/06/2021)
Nhạy cảm và vô cảm (24/06/2021)
Lòng tin và ơn biến đổi (21/06/2021)
Ẩn mình trong Thánh Tâm Chúa Giêsu (20/06/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log