Suy tư - Chia sẻ

Người được sai đi

Cập nhật lúc 06:08 09/07/2021
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20,21). Ảnh: CTV
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20,21). Ảnh: CTV
Xã hội hôm nay, với lối sống hưởng thụ ít ai để ý đến được sai đi là một niềm vui, niềm hạnh phúc, việc ra đi loan báo Tin Mừng, thì Đức Giêsu một lần nữa Ngài muốn nhắc nhở các môn đệ cũng như tất cả mọi người. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Mục đích chính trong ơn gọi này là nhắm đến việc rao giảng Tin Mừng về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, bằng những lời nói, bằng những hành động hầu kêu gọi mọi người từ bỏ con đường gian ác, biết ăn năn sám hối để đón nhận ơn cứu thoát của Thiên Chúa.
Bài đọc thứ nhất trích sách Amốt cho chúng ta thấy: là một ngôn sứ của Chúa phải chịu những thiệt thòi, những khổ đau, nhưng với một tâm hồn quảng đại họ đã can đảm chịu những lời lăng nhục, điển hình là ngôn sứ Amốt cho chúng ta thấy rất rõ khi bị Amátgia nói: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm” (Am 7,12). Qua đó, ta thấy được người thi hành sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó không phụ thuộc vào một nơi chốn nhất định, sứ vụ không phải do ý muốn của cá nhân muốn làm thì làm, không thì thôi. Nhưng tất cả do Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và được sai đi. Tuy nhiên, ngôn sứ Amốt đã nghe được những lời của Chúa nơi tận đáy lòng, nên ông quyết định ở lại Ixraen để thi hành sứ vụ của mình, bởi ông ý thức được, sứ vụ này rất quan trọng không phải phát xuất từ bản thân ông nhưng từ nơi Thiên Chúa. Ông tự nhận: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung” (Am 7,14). Amốt không nhận mình là ngôn sứ chuyên nghiệp, khiếm sống bằng việc nói tiên tri, nhưng chính Thiên Chúa đã bắt ông đi và truyền cho ông rằng: “Hãy đi tuyên sấm cho Ixraen dân ta” (Am 7,15).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai mười hai tông đồ đi rao giảng, với quyền năng và sứ mạng như chính Chúa, nhưng để đạt được hiệu quả cao các ông phải sống thanh thoát, không bị ràng buộc bởi những đam mê thuộc hạ giới. Như vậy, Đức Kitô thành lập Nhóm Mười Hai với mục đích: để các ông ở với Người và sai các ông đi rao giảng (x. Mc 3,14). Trong cuộc đời môn đệ, được Chúa sai đi giảng dạy, là một niềm vui, niềm hân hoan, nhưng ngược lại cũng có những người ù lì, chậm chạp trong việc ra các vùng ngoại biên để rao giảng Tin Mừng, Nhóm Mười Hai nhận chỉ thị và hành trang của mình (phải có tinh thần sống đơn sơ và thái độ không gắn bó với những gì không cần thiết). Đức Giêsu còn khuyên các ông chấp nhận lòng hiếu khách của người khác, hoặc ra đi nếu như họ không đón tiếp và họ không nghe lời các ông. Vậy nên, đối chiếu lại trong cuộc sống của mỗi chúng ta thì sao? Trong công cuộc rao giảng loan báo Tin Mừng chúng ta đã làm tốt chưa? Và chúng ta làm để rạng rỡ danh Chúa hay tìm ích lợi cho bản thân? Điều mà Đức Giêsu muốn và cần là phải làm sao để Lời Chúa được mọi người biết đến. Sứ điệp mà các tông đồ rao giảng là: “Kêu gọi người ta ăn năn sám hối” ( Mc 7,12). Đó cũng chính là sứ điệp Đức Giêsu đã loan báo lúc bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người (x. Mc 1,14-15), sứ điệp này đòi hỏi sự canh tân nơi người nghe, hầu có thể nhận được ơn giải thoát.
Mệnh lệnh của Chúa sai đi truyền giáo có tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng, đây là bổn phận của mỗi người Kitô hữu, điều này chúng ta không có gì phải nghi ngờ vì Công đồng Vatican II đã minh nhiên xác định căn tính của Giáo hội là truyền giáo, mỗi người nhờ bí tích rửa tội gia nhập vào Giáo hội đều có bổn phận làm tông đồ. Như thế, cuộc đời tông đồ là một cuộc lữ hành, hành trang vật chất mà chúng ta mang theo là những gì tối cần cho người truyền giáo. Nếu người được sai đi loan báo Tin Mừng chỉ lo vật chất mà không để cho cuộc đời thanh thoát, chỉ muốn đi tìm những phương tiện mà quên đi mục đích thì thật khốn khổ, vì như thánh Phaolô đã nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Giáo hội cũng được mời gọi hướng về mọi dân tộc. Giáo hội cũng được mời căn cứ vào niềm tin và lời cầu nguyện để khai trừ ma quỷ ra khỏi thế gian, để hành động cho thế giới đổi mới (Mc 6,30). Trong việc đưa Tin Mừng đến cho mọi người và đi đến với các dân tộc, Giáo hội không nhằm một mục đích vụ lợi nào, ngoài mục đích theo gương Chúa phục vụ họ, giải phóng họ khỏi nô lệ tội lỗi.
Tóm lại, người được sai đi phải là người biết làm mọi công việc của chủ, đặc biệt việc loan báo Tin Mừng và đem niềm vui đến cho người khác, nhưng làm sao để con người nhận ra đâu là ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa và vai trò của Đức Kitô trong chương trình cứu độ của Người, nếu như không nhờ vào việc làm chứng của các tông đồ. Vì thế, các tông đồ là: “những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô” và “ngợi khen vinh quang của Người” (Ep 1,12) và đến lượt ra đi làm chứng để: “Trong Đức Kitô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em” ( Ep 1,13a). Lời Chúa mời gọi mọi người luôn nhận ra và ý thức được sứ mạng của mình nơi trần gian, từ đó chúng ta biết được mình nên làm gì, để cho Lời Chúa được mọi người đón nhận, để mọi người sống tốt hơn, biết cho đi những gì mình có để cuộc sống mỗi người một ngày được tốt hơn, hạnh phúc hơn, bình an hơn.
Tu sĩ GB Ngô Văn Đức
Thông tin khác:
Nhân ngày lễ thánh Gioan Baotixita sốt sắng đón Đức kitô bằng sám hối (08/07/2021)
Cứng lòng tin (05/07/2021)
Linh động trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần (02/07/2021)
Tin - Điều kiện để chúng ta được cứu (25/06/2021)
Nhạy cảm và vô cảm (24/06/2021)
Lòng tin và ơn biến đổi (21/06/2021)
Ẩn mình trong Thánh Tâm Chúa Giêsu (20/06/2021)
Hạt giống lời Chúa (07/06/2021)
Biết đón nhận Chúa (06/06/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log