Suy niệm
Đức Giêsu sai hai môn đệ đi chuẩn bị bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua. Trong bữa tiệc này, Ngài lập bí tích Thánh Thể. Ðức Giêsu yêu thương Ngài không chỉ ban cơm bánh, tiện nghi, sức khỏe... Một cuộc sống mau qua đời này cho chúng ta: mà còn dành cho chúng ta một nguồn ân sủng vô tận đặc biệt nhất, chính là Mình Máu Ngài làm lương thực nuôi linh hồn ta. Ngài đã yêu và yêu đến cùng. Người Do thái không hiểu Ngài, cũng không hiểu được Lời Ngài vì thế đưa đến mâu thuẫn.
Thánh Lễ hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến Thánh Lễ chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh: kỷ niệm Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và chức Linh Mục để Thánh Lễ được tiếp tục mãi mãi cho đến ngày tận thế ở khắp nơi Tin Mừng được rao giảng mà nhớ đến Chúa Giêsu đã chịu nạn chịu chết để cứu chuộc nhân loại
Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B hôm nay hướng về đề tài giao ước mới, giao ước vĩnh cửu được ký kết qua việc hiến dâng Mình-Máu Đức Giêsu.
Tiệc Vượt Qua : Vào thời Chúa Giêsu, lễ Vượt Qua và lễ bánh không men là một. Vào chiều áp lễ, người ta tế chiên vượt qua tại tư gia và từng nhóm nhỏ (Xh12,1-4). Buổi tối người ta bỏ bánh có men để trong suốt bảy ngày ăn bánh không men (Xh12,15-20). Bữa ăn Vượt Qua có bánh không men, rau đắng, rượu nho và chiên con (chiên đực dưới một tuổi). Người ta kính nhớ ngày Thiên Chúa giải thoát cha ông ra khỏi Ai cập với niềm hy vọng Thiên Chúa cũng giải thoát họ khỏi ánh nô lệ qua kỳ công của Đấng Thiên Sai.
Thiết lập Bí tích Thánh Thể : Phụng vụ đặt lời thánh hiến Bánh liền với lời thánh hiến rượu làm cho việc cửa hành Thánh Thể được rõ nét. Điều đó cho thấy tiệc Vượt Qua của Kitô giáo đã thay thế tiệc Vượt Qua của Do thái giáo.
Chiều kích cánh chung của việc cử hành Thánh Thể do Chúa Giêsu xác định : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Khi lặp lại bữa Tiệc Ly, người Kitô hữu muốn hiện tại hóa hiến tế của Đức Giêsu cho muôn thế hệ. Khi hiệp thông với hiến tế Thánh Thể Chúa Kitô là chúng ta được nếm trước yến tiệc Nước Trời.
Máu giao ước : máu là sinh mạng là dấu chỉ và nguyên lý của sự sống. Chúa Giêsu đã muốn dùng yếu tố sinh tử này để biểu lộ tình yêu, chuyển thông sự sống mới cho nhân loại, đó là chứng tích của tình yêu. Khi chúng ta tham dự Thánh Thể là chúng ta được tham dự vào hy tế của Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi dâng hiến chính mình vì phần rỗi anh em.
Bí tích Thánh Thể, bí tích huyền diệu :
- Đức Giêsu làm một cử chỉ yêu thương : Tin mừng Gioan diễn tả: “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, Ngài muốn yêu họ đến cùng.” Ngài đã thực hiện điều này vào chiều thứ Năm Tuần Thánh khi biến bánh-rượu thành Thịt Máu Người để làm của ăn của uống cho nhân loại.
- Đức Giêsu là một cử chỉ dâng hiến : Qua Thánh Thể, Ngài hiện diện giữa chúng ta, nhờ chúng ta và cùng với chúng ta mà dâng mình cho Đức Chúa Cha.
Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện để làm Của lễ hy tế, làm của nuôi linh hồn chúng ta, ban ơn thánh hóa và bảo đảm sự sống đời đời cho chúng ta (Gioan 6:33-34). Chính trên bàn thờ Thập giá, Chúa Giêsu đã hiến dâng một Thánh Lễ hoàn hảo để đền tội cho cả thế giới. Các Thánh Lễ dâng qua mọi thời gian, ở khắp nơi trên thế giới đều là tham dự vào của lễ hoàn hảo Chúa Giêsu đã dâng trên bàn thờ Thập giá: “Chúa Giêsu vừa là Chủ Tế vừa là Của Lễ hiến dâng.”
Có một câu chuyện thật đáng cho ta suy tư và cảm nghiệm : Bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà là một trong số những nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Arménie, thuộc cộng hòa Liên bang Xô Viết cũ hồi tháng 12 năm 1987. Cùng với hàng ngàn người khác, cả 2 mẹ con bà Petrosyan bị vùi sâu dưới hàng trăm ngàn tấn gạch đá và ciment. Họ thoát chết nhờ nằm lọt trong một khoảng trống nhỏ chỉ đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực lúc bấy giờ chỉ là một hũ mứt. Và chẳng mấy chốc, hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô con gái 4 tuổi mới kêu lên: “Mẹ ơi, con khát quá! Mẹ cho con uống nước”. Nhưng lấy nước ở đâu bây giờ ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng, vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi lên trong bà một ý nghĩ táo bạo. Người mẹ đáng thương sờ soạng trong bóng tối và vớ được một mảnh kính vỡ. Bà dùng miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ rồi đút ngón tay ấy vào miệng con. Đứa bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: “Con muốn uống nữa”. Bà liền cắt một ngón tay khác, rồi mot ngón tay nữa … cho đến lúc ngất đi không còn biết gì nữa. Lúc được đội cứu hộ tìm thấy và cứu sống, người đàn bà đã thuật lại rằng: “Lúc đó, tôi biết thế nào mình cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống”.
Trong khi hiến dâng mình và máu cho công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã cứu độ nhiều người và đưa họ vào dự tiệc hoan lạc trong nước của Cha Người.
Chính Chúa Gêsu khi lập Bí tích Thánh Thể đã gợi ý cho ta: chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Ta. Và thánh Phaolô đã quảng diễn: mỗi khi ăn bánh và uống chén rượu này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho đến khi Người lại đến. Nghĩa là chúng ta luôn luôn phải cử hành mầu nhiệm Thánh Thể trong bầu khí Chúa chịu chết của ngày thứ Năm Tuần Thánh. Chúng ta phải có tâm tình hơn những người Dothái khi ăn thịt chiên vượt qua, vì Mình Thánh Chúa đây mới thật là thịt chiên vượt qua của đạo mới. Thế mà người Dothái ngày trước khi ăn lễ chiên đã có tâm trạng dứt khoát từ bỏ nếp sống nô lệ để dấn thân vào nếp sống tự do mới mẻ. Chúng ta tham dự phụng vụ Thánh Thể phải có tâm hồn cương quyết hơn nữa muốn dứt bỏ đời sống tội lỗi và xác thịt để sống cho Thiên Chúa. Và như dân Dothái ngày xưa khi làm lễ giao ước đã thề hứa sống liên kết với Chúa và trung thành với Lời Chúa thế nào, thì chúng ta ngày nay càng cần phải có tâm trạng như thế vì trong bàn tiệc Thánh Thể này có máu giao ước thật thay cho máu bò xưa.
Thánh lễ Tiệc Ly được diễn ra trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua của Dothái giáo. Để tham dự bữa tiệc này, người Dothái, Chúa Giêsu và các môn đệ đã phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và chu đáo. Chúng ta có chuẩn bị dâng thánh lễ mỗi ngày, nhất là thánh lễ Chúa Nhật một cách cẩn thận và chu đáo chưa ?
Khi tôn sùng Thánh Thể bằng bao nghi thức long trọng bên ngoài, chúng ta hãy suy niệm trong lòng tất cả các mầu nhiệm hàm chứa trong bí tích tình yêu, để ai tin và ăn bánh này sẽ được trường sinh. Sự hiệp lễ là sự hiệp nhất sâu xa giữa Chúa Giêsu với linh hồn và thân xác chúng ta. Muốn sống và sống dồi dào, chúng ta phải sống bằng chính Thịt Chúa.” (Mẹ Têrêsa Calcutta).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến và năng chạy đến với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, để cảm nhận tình Chúa yêu con và kín múc nguồn ơn phúc cho hành trình đời mình. Amen.