Suy tư - Chia sẻ

Hãy nghe lời Ngài

Cập nhật lúc 06:15 08/03/2022
Cuộc sống hôm nay, với biết bao nhiêu sự lo toan, cơm áo gạo tiền, thì việc lắng nghe Lời Chúa quả thật không đơn giản chút nào. Câu hỏi đăt ra phải chăng con người đã lãng quên Chúa? Thay vì đến nhà thờ, chúng ta chọn nơi phồn hoa với những tiếng đàn nhạc, hát hò nhộn nhịp ít ai để ý tới việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chính vì những bất an đó đang ăn sâu trong tâm hồn mỗi người, dày đặc những việc làm sai trái của tội lỗi. Lời Chúa như một tia sáng lóe lên giúp chúng ta nhận ra tiếng Ngài vang vọng bên ta, cho ta định hướng lại cuộc đời của mình, để ta được an toàn tiếp tục tiến bước như lời của Thánh vịnh mời gọi: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Ngài sẽ ra tay” (Tv 37,5). Đây cũng là tình huống của các môn đệ đi lên núi cùng Chúa với cuộc biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Đức Giêsu báo trước về cuộc thương khó và cái chết của Ngài, nhằm cũng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá của mình.

Để chứng thực điều đó, bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế cho chúng ta thấy được niềm tin vững mạnh của ông Ápraham, Thiên Chúa gọi ông bỏ xứ sở của mình, đến lập nghiệp ở đất Canaan, nước Ixraen ngày nay. Khi ông tuổi đã cao, Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ làm cho ngươi một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng” (St 15,2). Khi đến đất Canaan, Thiên Chúa hứa với ông: “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi, từ sông Aicập đến sông Cả, tức sông Êuphơrát” (St 15,18). Tiếp đến, Thiên Chúa thử thách ông giết đứa con một của mình làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa. Xét về phương diện của một con người chắc hẳn Ápraham không thể nào hiểu rõ được ý định của Thiên Chúa, nhưng ông vẫn chấp nhận vâng lời Thiên Chúa, không một chút do dự, cuối cùng niềm tin của ông được Chúa chúc lành: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề; bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22,16-18). Qua đó, chúng ta thấy được nhờ cuộc biến hình xảy ra, nhờ Chúa Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Ngài, chính Thiên Chúa đã phán dạy, đã tỏ lộ, đã nói năng với con người và hôm nay Ngài còn nói qua Người Con duy nhất của Ngài (Lc 9,35). Chính Người Con đó đã đến để cho nhân loại được sống, được biết chân lý tình thương, được lắng nghe lời của Thiên Chúa. Quả thật, Chúa tỏ vinh quang cho các Tông đồ ở đây vừa rõ ràng, vừa ngắn ngủi chớp nhoáng, điều này chứng tỏ rằng những an ủi thiêng liêng Chúa ban cho ta vừa đủ để cũng cố đức tin, vừa ngắn ngủi chớp nhoáng để khỏi xâm phạm tự do của chúng ta, trong mọi lúc mọi thời chúng ta đều được mời gọi lắng nghe Lời Chúa, vì chỉ có lời Chúa mới đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực. Cho nên, sự biến hình của Chúa Giêsu là sự đáp trả của Chúa Cha đối với việc Ngài chấp nhận cuộc tử nạn. Trong đời sống đạo chúng ta cũng vậy, nếu sự vâng phục thánh ý Chúa xem ra là một Thánh giá nặng nề, cứ như thế ta sẽ đi tìm những thú vui hạ giới để bù đắp lại những gì trống vắng trong cuộc đời. Nhưng Thiên Chúa luôn mời gọi và chờ đợi ta từng ngày, từng giờ như người cha đợi trông người con hoang trở về để đáp lại tình yêu thương của Ngài.

Khi xưa các môn đệ chỉ với ít thời gian để chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, nhưng các ông đủ sức đón nhận nhiều khó khăn thử thách trong cuộc hành trình theo Chúa. Còn đối với chúng ta, sau khi được sốt sắng trong những công việc đạo đức hay cử hành thánh lễ long trọng nào đó, thì Chúa vẫn tiếp tục ở với chúng ta trong mọi biến cố, mọi hành động thường ngày của cuộc sống. Chúa tỏ vinh quang qua biến cố biến hình để cũng cố niềm tin cho các Tông đồ, cũng là cho mọi người hôm nay, tin tưởng vào phần thưởng vinh quang sau cuộc sống trần gian sẽ là động lực mạnh mẽ giúp ta chịu đựng cách kiên nhẫn trước những gian nan thử thách của cuộc đời. Vậy, câu hỏi đặt ra cho tất cả mọi người, Chúng ta có dám dấn thân vào con đường Thập giá để cùng chết với Thầy mình hay không? Những lần vấp ngã bởi thử thách đau thương làm chúng ta chùn bước, kiệt sức… ta có dám can đảm đứng lên, để thưa với Chúa này con đến để thực thi ý Chúa. Các môn đệ ngày xưa cũng vậy, khi được ở trên núi thấy Chúa biến hình có thể các ông thấy và hiểu một điều gì đó sẽ xảy ra theo như lý trí con người mách bảo, nhưng khi xuống núi các ông lại không hiểu gì nữa, đây là kinh nghiệm của bất cứ ai trên bước đường lữ hành trần thế, nhiều khi chúng ta nắm bắt được Chúa, nghe tiếng Chúa rất rõ ràng. Nhưng có lúc chúng ta dường như mất đi tất cả, không còn nghe được tiếng Chúa, không còn cảm nhận Chúa hiện diện trong cuộc đời, để hiểu được những biến cố này phải là một quá trình dài không đơn giản chút nào, chính Đức Maria khi được Thiên Chúa mặc khải và mời gọi, mẹ đã ngây ngất sống trong giây phút hân hoan đó trong cả cuộc đời thử thách đau thương của Mẹ, vì Mẹ luôn lắng nghe Lời Chúa và suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng.

Hãy nghe lời Ngài, Thiên Chúa phán với chúng ta lời này mỗi khi chúng ta nghe đọc, suy niệm Lời Chúa, nghe ở đây có nghĩa là biết rồi, hiểu và đem ra để thực hành mỗi ngày. Với cuộc biến hình trên núi, Chúa luôn mời gọi ta sống kết hợp mật thiết với Ngài trong cuộc sống thường ngày, qua mỗi người mà chúng ta gặp gỡ, qua các biến cố Chúa mời gọi ta cùng đi với Ngài trên những bước đường của cuộc sống. Qua đó, chúng ta được mời gọi thay đổi cái nhìn, thay đổi quan niệm cũ, biến đổi tâm hồn tội lỗi để ta có một trái tim mới, trái tim tinh tuyền, trái tim biết yêu thương, tha thứ, khoan dung… biết tránh xa những thói hư tật xấu mà thánh Phaolô khiển trách giáo đoàn của mình trong bài đọc thứ hai: có nhiều người sống đối nghịch với Thập giá Đức Kitô: chung cục họ sẽ hư vong, Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian (x. Pl 3,18-19).

Tu sĩ Antôn Maria Nguyễn Văn Ngọc
Thông tin khác:
Lúc này hơn bao giờ hết Đức Mẹ khuyên tôi hãy cảm tạ Chúa vì muôn vàn hồng ân Chúa đã ban cho tôi (07/03/2022)
Cầu nguyện để vượt thắng cám dỗ (04/03/2022)
Đức Mẹ dạy tôi lúc này hơn bao giờ hết: Hãy sống lời Chúa dạy (03/03/2022)
Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan (01/03/2022)
Tại Lộ Đức, Đức Mẹ ban cho tôi ơn trở về với Chúa (01/03/2022)
Tha thứ cho "kẻ thù" (28/02/2022)
Đức Mẹ khuyên tôi: Hãy vững vàng gắn bó với Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất (28/02/2022)
Đi tìm hạnh phúc (14/02/2022)
Hãy là chứng nhân của sự Chúa cứu độ con (13/02/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log