Suy tư - Chia sẻ

Tha thứ cho "kẻ thù"

Cập nhật lúc 11:55 28/02/2022
Trong cuộc sống thường ngày, ai trong chúng ta không một lần “va chạm”, ai trong chúng ta chưa từng bị người khác ghen ghét hay hãm hại cách này cách khác. Mỗi ngày qua đài báo, chúng ta lại xem thấy nhiều vụ ẩu đả, chém giết, trả thù nhau, “vào tù ra tội” đôi khi chỉ vì những chuyện đùa nghịch của trẻ con. Là người Kitô hữu, môn đệ Chúa Kitô, chúng ta phải có cách hành xử như thế nào trong những trường hợp, hoàn cảnh như vậy?

Bài đọc 1, sách Samuel quyển thứ nhất cho chúng ta thấy hai nhân vật, hai cách giải quyết khác nhau của cùng một vấn đề, đó là ông Avisai và ông Đavít. Ông Avisai là cháu của Đavít, ông này với tướng Ápne là kẻ thù không đội trời chung của nhau. Chính vì thế, khi cơ hội xuất hiện, ông đã không ngần ngại gợi ý với Đavít để mình cho thể kết liễu vua Saul: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai”. Câu nói của Avisai cho thấy tính cách tàn bạo của ông như thế nào. Còn đối với Đavít: vua Saul ghen ghét với những lời ca tụng của dân chúng dành cho Đavít nên luôn tìm cách để hãm hại và giết ông. Tuy nhiên, cách hành xử của Đavít đáng để cho chúng ta noi gương bắt chước. Đavít không hề có chủ ý hãm hại vua Saul, mặc dù ông có cơ hội để kết liễu cuộc đời kẻ đang truy đuổi mình. Cây giáo là vật dụng mang tính biểu tượng quyền lực của Saul và ông dùng để hãm hại Đavít, nay lại nằm trong tay Đavít và có thể kết thúc cuộc đời Saul. Tuy nhiên, Đavít đã từ chối ra tay giết Saul. Đavít để quyền xét xử Saul, kẻ hãm hại mình cho Thiên Chúa.

Có thể thấy rằng, Đavít đã không chỉ tỏ lộ lòng trung thành với vua Saul nhưng còn cho thấy ông cũng trung thành với Thiên Chúa trong việc tôn trọng người của Đức Chúa, đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong là vua Saul. Đavít có cơ hội và có tự do để giết Saul, nhưng ông đã lựa chọn hành động theo đường lối của Đức Chúa, tha thứ cho kẻ muốn giết mình và dành quyền xét xử cho riêng một mình Thiên Chúa mà thôi.

Quả thực, tha thứ là một cử chỉ anh hùng, là một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên của con người. Chúng ta thường dễ thông cảm với những người mà mình yêu mến. Do đó, đối với những người giúp đỡ ta, yêu mến ta và ta cũng yêu mến họ thì ta rất dễ thông cảm và bỏ qua những thiếu sót cũng như lỗi lầm cho họ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu khẳng định rằng: yêu thương kẻ yêu thương mình, làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, cho vay mà hy vọng đòi lại được thì sẽ chẳng còn ân nghĩa. Đó cũng chỉ là mối quan hệ đổi chác thường ngày mà thôi. Thậm chí, ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Hơn hết, Chúa Giêsu thực hiện một lời mời gọi sống tinh thần Kitô giáo triệt để: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.

Lời Chúa Chúa nhật VII thường niên hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta gạt bỏ tất cả những ghen ghét thù hận trong cuộc sống và biết yêu thương tha nhân, cho dù đó có là kẻ thù của chúng ta đi nữa. Từ “kẻ thù” không phải chỉ dành cho những người có mối thù hằn ghê gớm, nhưng ngày hôm nay đôi khi chỉ vì một vài hiểu lầm nho nhỏ, một lời nói bông đùa không đúng lúc cũng có thể biến hai người bạn trở thành kẻ thù của nhau. “Kẻ thù” đó là khi người ta nhìn thấy nhau là không ưa; họ làm cái gì mình cũng thấy khó chịu; không muốn nói chuyện, không còn muốn bất cứ một tương quan nào với họ nữa. Họ có thể là những người hay làm phiền và lợi dụng chúng ta, xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của chúng ta… “Hãy yêu kẻ thù!” thực sự là lệnh truyền khó thực hiện. Tuy nhiên, khó nhưng không phải là không thể. Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho tất cả chúng ta khi Người xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ giết mình, lại còn minh oan cho họ vì lầm chẳng biết. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để con người được tha thứ, để được tái tạo và được phục sinh với Người. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa và được tham dự vào một đời sống mới. Đời sống này đã được thánh Phaolô cho thấy sự khác biệt khi so sánh giữa Ađam trước, sinh ra từ đất là loài có sinh khí với Ađam sau là Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống nên có sự sống Thần Khí. Cho nên, chúng ta tuy sinh ra mang thân phận là Ađam thứ nhất, sinh ra từ đất nhưng nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại, chúng ta sẽ được trở nên giống như Chúa Giêsu, một hữu thể thần linh.

Quả thực, Lời Thiên Chúa luôn là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi luôn mời gọi chúng ta phải không ngừng canh tân và sửa đổi chính mình để sống đúng với ơn gọi Kitô hữu trong thế giới này. Lời mời gọi yêu thương và tha thứ cho “kẻ thù” luôn phải được thôi thúc và nhắc nhở thường xuyên trong những mối tương quan hằng ngày của chúng ta. Nhờ đó, những suy nghĩ, lời nói, cử chỉ của chúng ta mới thực sự phản ánh đời sống của người Kitô hữu đích thực theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã chết cho chúng ta và chết cho tất cả những anh chị em khác nữa.

Tu sĩ JB. Nguyễn Duy Thái
Thông tin khác:
Đức Mẹ khuyên tôi: Hãy vững vàng gắn bó với Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất (28/02/2022)
Đi tìm hạnh phúc (14/02/2022)
Hãy là chứng nhân của sự Chúa cứu độ con (13/02/2022)
Mời gọi loan báo Tin Mừng (10/02/2022)
Sống trong tình hình hiện nay Đức Mẹ khuyên tôi: Hãy bước theo Chúa Giêsu trên đường vác thập giá (09/02/2022)
Để lời Chúa được thực thi (27/01/2022)
Dịp sang năm mới, Đức Mẹ dạy tôi hãy đón nhận sự sống mới do Chúa trao ban (26/01/2022)
Chúng ta được trở nên thụ tạo mới (05/01/2022)
Dịp lễ Chúa Giáng sinh Đức Mẹ khuyên dạy tôi hãy để ý nhiều đến thiện tâm (04/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log