Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20). |
Trong cuộc sống này câu hỏi mà hầu như tất cả mọi người đều có câu trả lời chung đó là: bạn có muốn hạnh phúc không? Thật vậy, sống trên đời ai mà không muốn mình được sống hạnh phúc, bình an và mạnh khỏe. Hạnh phúc là khao khát là ước muốn của mỗi người, nó như là mục tiêu, là đích đến cho mỗi người phấn đấu để đạt tới. Tuy vậy mỗi người lại có những cái nhìn khác nhau về hạnh phúc: có người cho rằng giàu có là hạnh phúc, có người cho rằng có quyền lực, danh vọng là hạnh phúc, người thì cho có sắc đẹp là hạnh phúc… Còn chúng ta những người Kitô hữu, chúng ta xem đâu là hạnh phúc của mình, hạnh phúc đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi. Tại sao vậy? Để trả lời cho câu hỏi này các bài đọc Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu hơn tại sao chỉ có nơi Thiên Chúa chúng ta mới có được hạnh phúc đích thực.
Khởi đầu đoạn trích Giêrêmia loan báo tại họa cho những kẻ tin vào người đời và trở lòng đối với Thiên Chúa “đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa và lòng dạ xa rời Đức Chúa” (Gr 17, 5) ông lên án những kẻ chỉ biết cậy dựa vào những thực tại thế gian mà xem nó như nguồn sống, nguồn sức mạnh và sự hạnh phúc của mình. Cũng chính vì cậy dựa vào sức mình mà họ đã quên đi sự hiện diện của Đức Chúa trong cuộc sống, Đấng mà nhờ chính Ngài họ mới tồn tại và được hiện diện trên mặt đất này. Sự quay lưng lại với Đức Chúa và cậy dựa vào xác thịt đã dẫn đến những kết cục bi thảm là họ phải chết, bị bỏ rơi như “bụi cậy trong hoang địa chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”. Ngược lại những người đặt niềm tin vào Đức Chúa thì luôn được hạnh phúc và bình an như “cây trồng bên dòng nước... và không ngừng trổ sinh hoa trái” (x. Gr 17, 7-8). Đây là hình ảnh quen thuộc mà Kinh Thánh vẫn dùng để mô tả về định mệnh của kẻ dữ người lành. Giêrêmia đã nói lên những lời khôn ngoan này cho mọi người và mọi thời. Chẳng bao giờ những lời này mất giá trị. Nhưng chúng ta cũng cần có những giáo huấn rõ ràng và đầy đủ hơn nữa. Chính Chúa Giêsu đã đến dạy chúng ta. Và thánh Luca đã ghi lại cho Hội Thánh trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong bài Tin Mừng thánh Luca chỉ cho chúng ta thấy 4 điều phúc. Thánh Luca là một y sĩ và dược mệnh danh là tác giả của Lòng Chúa Thương Xót: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” (x. Lc 6, 20). Thiên Chúa luôn tỏ thái đô ưu ái đối với những người nghèo khổ. Thông thường, là con người ai ai cũng muốn giàu sang phú quý, chẳng ai muốn phải sống khổ cực đói khát bao giờ. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu lại đề cao và chúc phúc cho sự nghèo khó, đói khát và khóc lóc, những điều mà đi ngược lại hẳn những suy nghĩ của con người trần thế. Vì thế khi lắng nghe Chúa nói về các mối phúc trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta phải dùng con mắt đức tin để thấy rõ rằng: Chúa không muốn chúng ta phải nghèo khổ, khóc lóc, đói khát hay bị bắt bớ… Nhưng ở đây Chúa muốn chúng ta nhận ra rằng chính trong cái nghèo khó sẽ giúp chúng ta hướng mình về Thiên Chúa, cậy trông, tín thác vào Người; cái nghèo ở đây còn là sự từ bỏ của cải vật chất không, ham mê tiền bạc, danh, lợi, thú… không lệ thuộc hay làm nô lệ cho tiền bạc hay đắm chìm vào đó để rồi quên luôn sự hiện diện của Chúa là nguồn sự sống và hạnh phúc đích thực. Cũng vậy: khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có; những kẻ vui cười và những kẻ đang được no nê các ngươi đã được hưởng những phần thưởng của mình rồi… (x. Lc 6, 24-26). Động từ “khốn cho các ngươi” được Chúa Giêsu dùng ở đây cũng không phải là lời chúc dữ dành cho những người giàu có, những người được đầy no đủ. Nhưng chúng ta phải hiểu điều này dưới cái nhìn của đức tin, Đức Giêsu không không lên án sự giàu có đó bởi chính Người đã ban cho chúng ta của cải để làm phương tiện, hay điều kiện để dành cho sự sinh hoạt của cuộc sống. Mà những lời ở đây được xem như những lời than vãn có tính cách tha thiết mời gọi hoán cải: đừng ham mê sự giàu có của trần gian, đừng làm nô lệ cho tiền của nhưng hãy sử dụng chúng để “mua lấy Nước Trời”. Chứ đừng giữ khư khư bên mình, trong khi người thân bên cạnh đang đói khát đến cùng cực; đừng bám víu vào của cải trần gian, bởi khi chết ta đâu mang nó đi được! để rồi phải sa vào chốn đau đớn như nhà phú hộ trong câu truyện “Lararô và nhà phú hộ”.
Như vậy để có thể được hưởng hạnh phúc đích thực mỗi người chúng ta hãy luôn biết cậy trông, tín thác vào Chúa là suối nguồn tình yêu và hạnh phúc. Còn những lạc thú, những thú vui, tiền bạc, danh vọng, vật chất, quyền lực, sắc đẹp của trần gian chỉ là những hạnh phúc tạm bợ mà thôi chỉ “một cơn gió thoảng cũng làm chúng biến đi”; chỉ có Chúa mới là hạnh phúc đích thưc mà thôi. Như vậy, ngay ở trần gian này, mỗi khi cử hành thánh lễ, hơn bao giờ hết, chúng ta lại thấy được ở trong Nước trời. Và đây không phải là một hạnh phúc nhỏ. Nói cách khác, đời sống Kitô hữu của chúng ta hiện nay đang thể hiện những lời của thánh Luca đã viết và đã được sự khôn ngoan của các tiên tri loan báo thuở xưa. Về mặt xã hội chúng ta là những con người nghèo đang phải phấn đấu nhiều, nhưng hiện nay nhờ mầu nhiệm Đức Giêsu Phục sinh, không những chúng ta đang được an ủi vì đang ở trong Nước Trời, nhưng chúng ta còn nắm vững niềm tin về hạnh phúc bất diệt sau này, khi những kẻ chết trong Đức Kitô sẽ sống lại cho sự sống muôn đời