Suy tư - Chia sẻ

Hồng ân từ Trời cao

Cập nhật lúc 20:10 25/07/2024
Chúa nhật XVII thường niên - năm B; Bài đọc 1: 2V 4,42-44; Bài đọc 2: Ep 4,1-6; Tin Mừng: Ga 6,1-15
Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích.
Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích.

Chúng ta hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình, biết dâng lời tạ ơn sau khi lãnh nhận hồng ân, biết phân phát những gì mình có trong khả năng của mình cho những ai đang đói của ăn vật chất và khát của ăn thiêng liêng.
Bài đọc thứ nhất trích sách Các Vua quyển thứ hai cho ta thấy ngôn sứ Êlisa đã làm phép lạ hóa bánh lúa mạch cho nhiều người ăn no nê. So sánh với phép lạ hóa bánh ra nhiều này với hai phép lạ hóa bánh ra nhiều của Đức Giêsu. Hai trình thuật này gần như theo cùng một khuôn, nhưng ý rất khác nhau (x.Ga 6). Mục đích tác giả nhằm lấy lại những nét chính của 2V 4,42-44, là minh chứng rằng Đức Giêsu là vị ngôn sứ lớn hơn ngôn sứ Êlisa. Ngôn sứ Êlisa dùng 20 chiếc bánh, nuôi 100 người, còn Đức Giêsu dùng chỉ 5 chiếc bánh mà nuôi đến 5000 người. Cả hai trình thuật đều nhấn mạnh đến quyền năng của Thiên Chúa.
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Êphêxô sống hòa thuận hiệp nhất với nhau. Lời kêu gọi này rất tha thiết, bởi vì lúc đó Phaolô đang ngồi tù mà vẫn phải băn khoăn lo lắng cho họ. Muốn hòa thuận hiệp nhất thì phải khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại và lấy tình bác ái mà chịu đựng nhau. Sở dĩ phải hoà thuận và hiệp nhất là vì mọi người cùng một thân thể, một tinh thần, một niềm hy vọng, một phép rửa, một đức tin và một Thiên Chúa là Cha.
Đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan được trích đọc trong Chúa nhật hôm nay nằm trong phần đầu diễn từ về bánh trường sinh, trích đoạn về việc Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều (6,1-15). Thuật lại việc Đức Giêsu làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều cho đoàn dân đông đảo theo Người.
Đức Giêsu sang bên kia biển hồ Galilê, cũng gọi là Tibêria, đây là một biển hồ ở phía Bắc xứ Palettin, thuộc miền Galilê. Tân ước gọi là biển hồ Galilê, còn Cựu ước gọi là biển hồ Ghennêxarét (x.Gs 2,3). Thánh Gioan gọi hồ này là hồ Tibêria. Vào năm 20 sau Chúa giáng sinh, vua Hêrôđê Antipa xây cất một thành ở phía Nam hồ Galilê và đặt tên là Tibêria, để tỏ lòng phục tùng hoàng đế Rôma, tên là Tibêriô (năm 14-37). Hoàng đế Tibêriô bị Caligula giết chết rồi tiếm ngôi. Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả bắt đầu trong giai đoạn này, vào năm thứ 15 của triều đại Tibêriô (x.Lc 3,1).
Đức Giêsu lên núi và ngồi với các môn đệ. Các thầy tiến sĩ Do thái thường ngồi khi giảng dạy. Cũng vậy, Đức Giêsu thường ngồi khi giảng dạy (Mc 4,1;9,35; Mt 5,1; Lc 4,20). Rồi Đức Giêsu hỏi ông Phi lípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Chính Đức Giêsu có sáng kiến và người biết tất cả mọi sự (Ga 2,25, 4,44,13,1); nhưng Người cứ hỏi, hỏi để các môn đệ có dịp suy nghĩ và, nhờ đó, phép lạ càng nổi bật. Tại sao Người lại hỏi ông Philípphê mà không hỏi các môn đệ khác? Thưa vì ông là dân thành Bếtxaiđa (Ga 1,44), ông biết người ta bán bánh ở đâu và phép lạ này xảy ra tại đây, nên Chúa hỏi ông Philípphê là điều hợp lí.
Ông Philípphê thưa: có 200 quan tiền cũng không đủ. Đây là số tiền lớn. Theo Mt 20,1, một đồng bạc là tiền công một ngày: 200 đồng là tiền công 200 ngày. Xem ra câu trả lời của ông Philípphê chẳng khớp gì với câu hỏi của Đức Giêsu, Chúa thì hỏi bánh, còn ông thì trả lời về tiền. Mẩu đối thoại với Philípphê cho thấy rõ là con người không có khả năng hiểu được và giải quyết được vấn đề. Riêng Đức Giêsu, Người làm chủ tình thế. Còn ông Anrê thưa với Người, ở đây có một em bé đang có năm chiếc bánh và hai con cá, lại đúng với ý Người. Cụm từ “năm chiếc bánh lúa mạch” đưa ta trở về với bài đọc thứ nhất 2V,4,42-44: ông Êlisa hóa bánh ra nhiều.
Đức Giêsu cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn bẻ ra và phân phát cho mọi người. Khi tường thuật cách Đức Giêsu hóa bánh nhiều, tác giả Tin Mừng dùng nhiều công thức Người đã dùng khi lập phép Thánh Thể, như: cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát. Mọi sự bắt đầu nơi Đức Giêsu. Không ai yêu cầu Người cung cấp lương thực cho đám đông ấy. Trong thời gian hoạt động công khai, Đức Giêsu luôn cho người ta thấy như vậy: Người tự mình mà đến, không cần lệnh hoặc lời cầu xin, theo trách nhiệm Chúa Cha giao phó. Người hành động theo sáng kiến riêng, phù hợp với ý muốn của Chúa Cha. Người quyết định cho đám đông ăn. Từ số tài nguyên nghèo nàn, ít ỏi, vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, Người cho đám đông ăn no nê.
Đức Giêsu đã chứng tỏ khả năng giúp đỡ của Người là khả năng không giới hạn, Người giúp đỡ luôn luôn. Chúng ta đôi khi giúp đỡ người khác còn tính toán, còn vụ lợi ở trong đó. Người giúp đỡ không chỉ một người, hai người hay một nhóm nhỏ, mà còn có thể đáp ứng nhu cầu của một đoàn người rất đông, năm ngàn người. Không loại trừ ai, cứ qui tụ lại là Người có đủ để cho họ ăn. Ăn bao nhiêu tùy ý. Con người sống với nhau là nhận và cho, nhận ít và cho nhiều thì tốt hơn. Người nào cho đi nhiều là người lãnh nhận một cách đúng đắn.
Tin Mừng nói rõ: năm chiếc bánh đó là bánh lúa mạch, tức là bánh của người nghèo. Với mấy chiếc bánh như vậy, các môn đệ không giải quyết được gì. Nhưng Đức Giêsu lại muốn làm phép lạ từ số bánh đó. Ý chí của con người, nguyên nó không làm gì nên chuyện, nhưng Thiên Chúa đòi con người hiến dâng để từ đó Người thực hiện ý muốn của Người.
Qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, sứ điệp Tin Mừng muốn nhắm tới: tấm bánh thuộc về một người phải trở thành lương thực cho tất cả mọi người. Chúng ta chỉ có thể có một thế giới mới, khi người ta từ khước tính ích kỉ, và chấp nhận đề nghị của Đức Giêsu là chia sẻ của cải của mình cho những người khác, đặc biệt những người phận nhỏ.
Phó tế Phêrô Lôrenô Võ Quý An
Thông tin khác:
Tôi được Chúa báo thức (16/07/2024)
Chúa chạnh lòng thương (16/07/2024)
Ơn gọi Kitô hữu: Truyền giáo (04/07/2024)
Vinh quang và quyền lực của Thiên Chúa thể hiện qua sự yếu đuối và nhỏ bé (02/07/2024)
Đức Kitô niềm hy vọng của chúng ta (24/06/2024)
Nhạy cảm và vô cảm (24/06/2024)
Củng cố lòng tin trước mọi khó khăn (13/06/2024)
Ẩn mình trong Thánh Tâm Chúa Giêsu (13/06/2024)
Khiêm tốn và hèn mọn (06/06/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log