Suy tư - Chia sẻ

Chúa chạnh lòng thương

Cập nhật lúc 10:28 16/07/2024
Chúa nhật XVI thường niên - năm B; Bài đọc 1: Gr 23, 1-6; Bài đọc 2: Ep 2, 13-18; Tin Mừng: Mc 6, 30-34
Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt (Mc 6, 34).
Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt (Mc 6, 34).

Ngày nay, con người thường hay quan tâm thật nhiều vào thế giới vật chất, để rồi họ nghĩ rằng: thế giới vật chất sẽ đảm bảo cho họ có cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, thứ hạnh phúc đó chỉ là một sự chóng qua mà thôi. Và vì thế, khi không tìm được một thứ hạnh phúc đích thật thì sẽ cảm thấy bơ vơ không đường hướng. Đôi khi, con người vì lo làm giàu nơi trần gian bằng vật chất mà quên đi đời sống mai sau mới thật là vĩnh cữu. Phải chăng, họ là những con chiên không có ai hướng dẫn để họ đi đúng con đường mà Chúa muốn? Và chúng ta có cảm thấy mình như bầy chiên không người chăn dắt hay không?
Tin Mừng thánh Máccô hôm nay đã tóm tắt lại tất cả sứ vụ của các Tông đồ trong hai bình diện “làm” và “nói”. Đó cũng là đặc điểm hoạt động của Đức Giêsu: Những hành vi xót thương, giảng dạy. Đức Giêsu và các tông đồ đều là những người thợ cùng làm một công việc. Người bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, các ngài xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Đức Giêsu cũng “nghỉ ngơi”. Ngài đề nghị với các môn đệ của Người, đang quá mệt mỏi vì công việc, hãy dành một thời gian nghỉ ngơi để thư giãn. Đó là nhu cầu thinh lặng, cô tịch tránh xa đám đông. Đó là điều cần thiết cho con người mọi thời, đặc biệt cho con người thời nay, có thể dễ bị bệnh nhồi máu cơ tim do sự biến động trong các thành phố. 
Đức Giêsu khích lệ các tông đồ đi đến một nơi thanh vắng, yên tĩnh. Đời sống nội tâm của chúng ta cũng cần phải suy niệm. Sự náo động bên ngoài chỉ đưa đến phiến diện bề ngoài. Không có một công trình vĩ đại nào của con người được thực hiện mà lại không có sự tập trung cao độ, cố gắng yên tĩnh và tự chủ. Bất cứ một cuộc sống đúng đắn nào của con người cũng phải trải qua từ giai đoạn hoạt động bên ngoài” đến những giai đoạn suy tư “bên trong” Xem. Xét. Làm. Xem lại, xét lại, làm lại. Điều này lại càng đúng với đời sống Kitô hữu: Không có cuộc sống Kitô hữu nào vững chắc và sâu xa mà lại không thể hiện hai nhịp sau. Sống “nội tâm” và hoạt động “bên ngoài”. Vậy thì, chúng ta có dành thời gian để suy niệm không? Thời gian chúng ta dành cho sự cầu nguyện trong một ngày sống là bao nhiêu? Chúng ta có sự thinh lặng, cô tịch không? Còn những Chúa nhật của chúng ta ra sao? Có phải là ngày Sabát, ngày nghỉ ngơi trong Chúa không?   
Dân chúng thấy các ngài ra đi, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi trước các ngài. Bước lên bờ, Đức Giêsu thấy đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương. Thay vì, Chúa từ chối để nghỉ ngơi thì Ngài lại tiếp đón họ. Sự cô tịch, nghỉ ngơi được dời lại vào một lần khác. Trước những trường hợp cấp bách, Chúa cũng phải thay đổi chương trình của Người. Người đã đáp lại lời mời gọi của kẻ khác. Biết bao bà mẹ muốn nghỉ ngơi mà không được. Chúa đã trải qua kinh nghiệm này. Tình yêu là thế. Làm những gì mà người ta “có lẽ không muốn”, làm những gì “phải làm”, những việc “đang ở đó”, “Kẻ nào muốn làm môn đệ Tôi hãy khước từ chính bản thân mình và hãy theo Tôi” (Mc 8,34), “Kẻ nào liều mất mạng sống của mình, sẽ được sống” (Mc 8,35). Thua mất! Chúa đã thua mất. Người đòi hỏi chúng ta hãy làm như Người: Thua mất vì tình yêu.
Người đã chạnh lòng thương. Cảm xúc này đã biểu lộ trên gương mặt, trong cử chỉ của đôi tay, trên môi, trên mắt, trong giọng nói của Đức Giêsu thế nào? Đức Giêsu nhìn đám đông cách trìu mến, đám đông đó là hình ảnh thế giới qua mọi thời đại. Vào lúc này đây, chúng ta tin rằng Chúa vẫn tiếp tục nhìn thế giới của chúng ta hôm nay với cái nhìn “trắc ẩn” như thế! Còn chúng ta? Cái nhìn của chúng ta trên đám đông như thế nào?
Vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Hình ảnh đẹp làm sao! Chiên không người chăn! Thật là hỗn độn! Phải làm gì bây giờ? Chúng ta thấy, hình ảnh ông Môisen lúc chết đã lo lắng cho dân Ixraen “như chiên không có chủ chăn” (Ds 27,17). Trong bài đọc thứ nhất, Ngôn sứ Giêrêmia cho thấy dân chúng được giao cho những kẻ chăn chiên xấu, họ để chiên bị chết và tản mát trong đồng cỏ của Chúa (x. Gr 23,1). Người xác quyết mình “được sai đến với những con chiên lạc” (Lc 19,10 - 15,4-7). Người là Mục tử nhân lành (x. Ga 10).
“Những con chiên không người chăn”. Đó cũng chính là hình ảnh của thế giới qua mọi thời đại, đó cũng là hình ảnh của thời đại chúng ta. Như vậy phải chăng có ý nói rằng thế giới đang rơi vào hỗn loạn? Chúng ta biết rằng có những vị thủ lãnh, những người lãnh đạo dân chúng xuất hiện và tự cho mình là người hướng dẫn quần chúng. Người ta đang tìm Đấng “Chúa hứa ban”. Nhưng thường thì sau một thời gian hy vọng, lại thấy sự áp bức, thối nát tham nhũng tái diễn. Biết bao quốc gia trên hành tinh chúng ta hiện nay có thể chế dân chủ tự do, cũng biết bao nước khác đang phải chịu những chế độ độc tài, với kỷ luật khắt khe, chỉ nô lệ hóa lương tâm con người và bắt những đầu óc tự do phải câm lặng.
Vì vậy, mỗi người chúng ta là những môn đệ của Ngài được mời gọi dấn thân vào các hoạt động chống đói kém, bất công. Bởi vì, chỉ có tình yêu dấn thân mới nói về Chúa Kitô mà thôi. Như Chúa Giêsu đã đến trong một thế giới như thế và Ngài đã thấy “Chiên không có chủ chăn”: Đó là một nhân loại mất phương hướng, không biết tìm đâu ra ý nghĩa cuộc sống của mình. Ai sẽ cho chúng ta thưởng nếm hương vị của đồng cỏ xanh tươi? Và đó phải là Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa Hằng Sống. Người là vị chủ chăn duy nhất của chúng ta.
Linh mục Phêrô Vũ Tuân
Thông tin khác:
Ơn gọi Kitô hữu: Truyền giáo (04/07/2024)
Vinh quang và quyền lực của Thiên Chúa thể hiện qua sự yếu đuối và nhỏ bé (02/07/2024)
Đức Kitô niềm hy vọng của chúng ta (24/06/2024)
Nhạy cảm và vô cảm (24/06/2024)
Củng cố lòng tin trước mọi khó khăn (13/06/2024)
Ẩn mình trong Thánh Tâm Chúa Giêsu (13/06/2024)
Khiêm tốn và hèn mọn (06/06/2024)
Đức Giêsu đến để giải thoát và ban ơn cứu độ (06/06/2024)
Bí tích yêu thương (24/05/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log