Suy tư - Chia sẻ

Vinh quang và quyền lực của Thiên Chúa thể hiện qua sự yếu đuối và nhỏ bé

Cập nhật lúc 10:18 02/07/2024
Chúa nhật XIV thường niên - năm B; Bài đọc 1: Ed 2, 2-5; Bài đọc 2: 2Cr 12,7-10; Tin Mừng: Mc 6,1-6
Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Tin Mừng hôm nay nói về cuộc hồi hương của Chúa Giêsu. Sau những ngày bôn ba đây đó rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa khắp đất nước Palestine, Đức Giêsu trở về quê hương thăm lại người thân và đồng bào tại đây. Sự trở về lần này của Đức Giêsu mang một tâm thế khác. Cái khác ở đây là Đức Giêsu trở nên một người nổi tiếng bởi những lời giảng dạy và những việc phi thường Ngài đã thực hiện: “giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại uy quyền…” và tiếng đồn về Ngài đã lan rộng tới quê hương của Ngài. 
I. SỰ CỨNG LÒNG TIN CỦA CƯ DÂN NAZARET
Việc đầu tiên Ngài làm khi trở về quê hương chính là giảng dạy lời của Thiên Chúa cho mọi người nơi hội đường. Họ đang tận mắt chứng kiến một Giêsu mà họ được nghe với những việc lạ lùng. Thái độ ngạc nhiên nói lên điều đó. Tuy nhiên, thay vì chào đón Đức Giêsu cách nồng hậu và tận tình, họ lại thờ ơ, lãnh đạm và hoài nghi. Bởi trong suy nghĩ của họ, Đấng Mêsiah phải là một người uy nghi, mạnh mẽ và xuất thân từ một hoàng gia chứ không thuộc về giai cấp hạ đẳng. Chính từ suy nghĩ đó thể hiện một đức tin yếu kém của cư dân Nazaret; đồng thời họ khước từ luôn vai trò Thiên Sai của Đức Giêsu. Tuy nhiên, Thiên Chúa có cách của Người. Người tỏ uy quyền và vinh quang của Người nơi sự nhỏ bé và yếu đuối 
Thật vậy, Thiên Chúa đã đoái thương đến dân thành Nazaret cách đặc biệt khi cho Con của Người sinh sống và lớn lên tại mảnh đất nhỏ bé, để biến mảnh đất nhỏ bé ấy thành nơi hiện diện và cư ngụ của Con Thiên Chúa. Thiên Chúa có nhiều cách thể để ngỏ lời với họ. Một trong những cách thế đó là ngỏ lời dưới hình thức phép lạ. Và để nhận ra sự mạc khải của Thiên Chúa nơi phép lạ đòi buộc họ phải có lòng tin. Chính lòng họ ra chai đá mà Đức Giêsu không thể làm phép nào tại quê hương mình: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó”. Phép lạ đi đôi với đức tin. Cũng như quyền lực của Thiên Chúa là ơn cứu độ, thì sự cứng lòng tin là sự bất lực của Thiên Chúa. 
Bởi đâu họ nghi ngờ Đức Giêsu? Bài đọc 1 cho chúng ta câu trả lời. Ngôn sứ Êdêkiel đã kiên trưng về một thế hệ cứng lòng tin. Họ là “những đứa con mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá”. Đáng buồn thay, cư dân Nazaret không nhận ra sự viếng thăm của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Cho nên, họ không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Sai đến từ Chúa Cha nên “họ vấp ngã vì Ngài”.



Đây cũng là bài học cho mỗi người chúng ta. Đôi khi chúng ta ở trong đám đông cư dân thành Nazaret, cũng không nhận ra sự viếng thăm của Thiên Chúa; nhất là không nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã đến để cứu độ nhân loại, bởi lòng tin của chúng ta đặt sai chỗ. Chúng ta cũng giống như dân Nazaret, quan niệm về Đấng Cứu Thế phải xuất thân từ giai cấp thượng lưu mà quên rằng Thiên Chúa đến từ nơi thấp bé, và đó là cách thức Thiên Chúa biểu lộ vương quyền của Người. Thánh Phaolo đã cảm nghiệm sâu sắc về điều ấy, đã xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa nên ngài tự hào về những sự yếu đuối của mình, vì khi yếu đuối chính là lúc ngài mạnh mẽ (bài đọc 2). Chính vì thế, quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa đến xuyên qua từ sự yếu đuối và thất bại. 
II. SỰ TỪ KHƯỚC THIÊN CHÚA NƠI CON NGƯỜI
Đức Giêsu trở về quê hương Nazaret không chỉ thăm lại người thân, bạn bè, đồng bào mà Ngài còn ban một mạc khải. Vì người đang giảng dạy và cắt nghĩa lời Chúa chính là Con Thiên Chúa nhập thể, đang nói với họ. Chính vì thế, nhiều người nghe Đức Giêsu giảng dạy thì họ rất đỗi ngạc nhiên. Tuy nhiên họ không nhận ra Ngài. Từ đó họ khước từ luôn vai trò, sứ mạng và từ khước luôn chính Ngài. Họ không thể tin một người xuất thân làm nghề thợ mộc lại có thể nói được những lời giáo lý đó, có thể thực hiện các phép lạ như vậy. Những câu hỏi họ đặt ra minh chứng về sự khước từ của họ: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria…? (bài Tin Mừng). Họ thấy tận mắt cuộc sống, người thân của Ngài. Họ nhìn nhận Đức Giêsu có gốc gác con người, có mẹ là bà Maria, những người thân là những anh chị em họ hàng với họ. Họ chứng kiến Ngài lớn lên trên mảnh đất đó, làm những công việc của một con người nghèo. Cho nên, họ khước từ nguồn gốc thần linh của Ngài. 
Bởi quan niệm của người Do thái về Đấng Thiên sai phải là người khôn ngoan, uy nghi xuất thân từ dòng dõi Đavít, chứ không phải là một bác thợ, làm công việc của một con người nghèo. Họ không thể chấp nhận người làm nghề thợ mộc lại là Con Thiên Chúa, Đấng giải thoát họ. Tuy nhiên, họ cũng không thể phủ nhận những việc hiển nhiên kỳ diệu mà Đức Giêsu đã làm. Vì thế, họ vừa kinh ngạc vừa vấp ngã. Ở đây có một sự mâu thuẫn trong chính họ.
Khước từ Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế không chỉ xảy ra đối với cư dân Nazaret vào thời của Ngài, mà sự khước từ ấy vẫn còn diễn ra trong thời đại con người hôm nay. Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đức tin của con người vào sự hiện diện của Thiên Chúa cũng bị lu mờ. Nhiều người tin vào khoa học thực nghiệm như cứu cánh của đời mình, mà đánh mất niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng, vẫn luôn âm thầm gìn giữ và hoạt động trong vũ trụ này. Họ chạy theo những tiến bộ của khoa học và xem đó là Thiên Chúa của họ, để rồi khép kín lòng mình với Thiên Chúa toàn năng. Cho nên, sự khước từ của con người hôm nay, hoạt động của Thiên Chúa như bị khựng lại. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn có cách để cứu chuộc con người.
Vì thế, phụng vụ lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn nhận lại đời sống đức tin của mình vào Đức Giêsu Kitô. Phải chăng chúng ta tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã đến thế gian cứu độ con người qua con đường nghèo hèn, đơn sơ hay cách nào đó chúng ta đang khước từ Ngài bằng cách đón nhận những gì của con người, của khoa học thực nghiệm làm chân lý? Xin cho chúng ta biết tỉnh táo trước những chèo kéo của thế gian để chúng ta tin cách mạnh mẽ vào Đức Giêsu chính là Đấng cứu thế.
Phó tế Gioan Baotixita Nguyễn Cường
Thông tin khác:
Đức Kitô niềm hy vọng của chúng ta (24/06/2024)
Nhạy cảm và vô cảm (24/06/2024)
Củng cố lòng tin trước mọi khó khăn (13/06/2024)
Ẩn mình trong Thánh Tâm Chúa Giêsu (13/06/2024)
Khiêm tốn và hèn mọn (06/06/2024)
Đức Giêsu đến để giải thoát và ban ơn cứu độ (06/06/2024)
Bí tích yêu thương (24/05/2024)
Đức Mẹ dạy tôi: Hãy cùng vơid Mẹ nói lời xin vâng (24/05/2024)
Tình yêu cứu độ nơi Ba Ngôi Thiên Chúa (24/05/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log