Suy tư - Chia sẻ

Suy tôn Thánh giá

Cập nhật lúc 11:48 06/09/2024
Thánh giá là ảnh tượng được tôn kính, sùng mộ, rất thân thuộc trong đời sống đạo đức của người Kitô hữu. Nhưng, dần dần vì quá quen người tín hữu có thể giảm bớt hoặc mất đi sự quan tâm.
Ngay cả dấu Thánh giá, nhiều lúc, vì ảnh hưởng của thói quen, chỉ được giáo hữu “làm dấu” qua loa lấy lệ, không còn nhớ đến ý nghĩa cao quý về hồng ân châu báu Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế để lại dưới thế trần. Chính vì thế, hằng năm, Giáo hội Công giáo dành ngày 14/9 làm Lễ Suy tôn Thánh giá, Lễ kính.
Để góp phần cùng quý giáo hữu dọn lòng sốt sắng, tăng thêm tinh thần đạo đức tôn vinh Thánh giá một cách có ý thức trọn vẹn, xin giới thiệu về lễ Suy tôn Thánh giá; về dấu Thánh giá và mầu nhiệm Thập giá và Hiệp hội Mến Thánh giá tại thế, một hội đoàn dành cho giáo dân.
 
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người.

Lịch sử ngày lễ:
Lễ Suy tôn Thánh giá được thiết lập tại Giêrusalem vào 14/9/629 như chứng tích sau:
Thế kỷ thứ VI, khi giặc giã nổi lên, vua Ba Tư Khosroès 1 (531 - 579), đem quân đến Cận Đông và đánh thắng quân của đế quốc Rôma ở phương Đông, chiếm đóng và tàn phá Thánh Địa, rồi cướp luôn cả Thánh giá thực ở Giêrusalem. May thay, lúc ấy có ông Heraclius (575 - 641), vị tướng tài giỏi mới 35 tuổi, con của tổng trấn thành Carthage, đã lật đổ bạo chúa Phocas, rồi lên nắm quyền ở Constantinopoli ngày 3/10/610, và làm hoàng đế Byzantin, lấy hiệu là vua Heraclius 1 (610 – 641). Ông đã anh dũng điều khiển trận đánh và chiến thắng đầu tiên ngày 12/12/627. Ông rượt đuổi vua Khosroès 1 đến Ctésiphon, và tại đây, con trai của Khosroès là Siroes Shirva đã giết cha và giao nộp Thánh Giá thực lại cho vua Heraclius 1.
Năm 629, Thánh giá được kiệu về Constantino, rồi từ đó rước khải hoàn về Giêrusalem. Vua Heraclius muốn vác Thập giá vào đền thờ để tạ ơn Chúa. Ông mặc vương phục và đội mũ hoàng đế. Nhưng khi vác Thánh giá lên vai, ông thấy quá nặng. Tức thì, Đức Zacharias, Giáo chủ Giêrusalem, liền nói với vua: “Xin hoàng đế thận trọng vì với mũ miện và y phục vương quyền mà ngài đang mặc, ngài không hợp để vác Thập giá giống như thân phận khó nghèo, khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô”.
Nhà vua nghe theo lời Đức Giáo Chủ, bỏ hết mũ miện, vương phục. Tức thì gỗ Thập giá trở nên nhẹ nhàng và Heraclius 1 vác Thập giá gỗ vào đền thờ. Với gỗ Thập giá Thánh, Thiên Chúa còn ban nhiều phép lạ, trong số có một người chết được sống lại; bốn người bất toại được lành bệnh; mười người phong cùi được trở nên sạch sẽ, bình phục; mười lăm người mù được sáng mắt; vô số người bị quỷ ám được giải thoát…”.
Từ đó, tại Giêrusalem, Đức Giám mục đã cử hành trọng thể lễ Suy Tôn Thánh giá ngày 14/9/629, mà sau này trở thành Lễ Suy tôn Thánh giá 14/9 ngày nay.
Ý nghĩa việc Suy tôn Thánh giá:
Suy tôn Thánh giá có ý nghĩa nhất là suy gẫm và làm Dấu Thánh giá cách sốt sắng.
- Làm dấu Thánh giá
Theo Phụng vụ, Thánh giá được tôn vinh trong Giáo hội Đông và Tây phương.
Thông thường, khi làm Dấu Thánh giá trên mình, người Kitô hữu đọc kinh: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Nhưng vẫn có nhiều trường hợp làm Dấu Thánh giá mà không đọc Kinh Dấu Thánh giá, như trong thánh lễ với câu: “Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa”, và sau kinh Cáo mình: “Xin Thiên Chúa toàn năng…” Hoặc, trước khi đọc Phúc Âm, vị chủ tế hoặc phó tế làm Dấu Thánh giá nhỏ trên khởi đầu Tin Mừng, rồi làm Dấu Thánh giá nhỏ trên trán, trên môi miệng và trên ngực.
- Suy gẫm Mầu nhiệm Thánh giá
Công đồng Vatican II (1962 – 1965) khai triển Suy tôn Thánh giá hướng đến:
* Mầu nhiệm Phục sinh. “Sau khi chịu chết trên Thập giá, Đức Kitô đã phục sinh”. “Nhờ Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại, thế gian đã được giải thoát”.
* Thánh lễ: Mỗi lần hy tế Thập giá được cử hành trên bàn thờ, Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế” (1Cr 5, 7) thì công trình cứu chuộc được thực hiện” (GH, 3).
* Ơn cứu độ. “Nhờ Người đã hoàn tất công trình cứu chuộc trên Thập giá, mang lại cho con người ơn cứu độ và tự do” (TD, 11).
* Hòa giải. “Đức Kitô đã hòa giải con người với Chúa Cha bằng Thập giá” (MV, 78).
* Vác Thánh giá theo chân Chúa Giêsu. “Tưởng niệm Thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô, người tín hữu vác Thập giá bước theo Chúa Giêsu” (TĐ, 4; GH, 41).
Hiệp hội Mến Thánh giá tại thế
a. Nguồn gốc
Năm 1659, Tòa Thánh thiết lập hai địa phận đầu tiên ở Việt Nam là Đàng Trong và Đàng Ngoài đồng thời bổ nhiệm hai Giám mục Đại diện Tông tòa là Đức cha François Pallu và Đức cha Lambert de la Motte coi sóc.
 Năm 1670, Đức cha Lambert đã lập dòng nữ Mến Thánh giá và “Hiệp hội tín hữu Mến Thánh giá”. Hiệp hội tín hữu Mến Thánh giá và dòng nữ Mến Thánh giá đã được Đức Giáo hoàng Innocente XI ký Sắc lệnh “Cum sicut” công nhận và ban ân xá ngày 02/01/1679. Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm của lịch sử, Hiệp hội tín hữu Mến Thánh giá bị mai một theo thời gian, chỉ còn dòng nữ Mến Thánh giá đã âm thầm tồn tại và lớn lên trong hơn hai thế kỷ.
Năm 1983 - Năm Thánh Cứu Độ, Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã cải tổ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội. Đồng thời, ngài cũng làm sống lại Hiệp hội tín hữu Mến Thánh giá với tên gọi “Dòng ba Mến Thánh giá”, nhưng vì hoàn cảnh dòng Mến Thánh giá chưa thực hiện được.
Năm 2010, được phép của Đức nguyên Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, dòng Mến Thánh giá bắt đầu nhen nhóm hồi phục từ những chị do hoàn cảnh của thời cuộc nên không thể tiếp tục sống đời tu trong nhà dòng. Những hạt giống đầu tiên này đã nảy mầm, lớn lên và lan tỏa trong Tổng giáo phận với tên gọi “Hiệp hội Mến Thánh giá tại thế” 
b. Phê chuẩn quy chế và sắc lệnh thiết lập
- Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã phê chuẩn quy chế thử nghiệm trong 3 năm từ tháng 11/2018 đến 11/2021.
- Ngày 22/8/2021, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã phê chuẩn quy chế chính thức cho các hội viên Hiệp hội Mến Thánh giá tại thế. Đồng thời, ngài cũng ban sắc lệnh Thiết lập Hiệp hội Mến Thánh giá tại thế trong Tổng giáo phận Hà Nội vào ngày 14/9/2021. Hiện nay, Hiệp Hội Mến Thánh giá tại thế đã hiện diện trên khắp các giáo phận trên cả nước. Một số nơi còn hình thành Hiệp Hội Nam Mến Thánh giá.
c. Mục đích
Mục đích của Hiệp hội Mến Thánh Giá tại thế là yêu mến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh bằng việc đón nhận Thập giá mỗi ngày, đồng thời loan báo Tin Mừng của Chúa trong môi trường sống.
d. Sứ mạng
Sứ mạng của mỗi hội viên là làm gương sáng trong đời sống đức tin, thánh hóa bản thân, gia đình, giáo xứ và xã hội, cùng cầu xin cho lương dân và tín hữu khô khan được ơn trở lại, cũng như những nhu cầu khác của Giáo hội và xã hội.
FX. Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Tôi được Chúa an ủi (06/09/2024)
Gắn đời ta với Chúa Giêsu (06/09/2024)
Hãy để Thiên Chúa giải thoát chúng ta (30/08/2024)
Chia sẻ và cảm nhận (27/08/2024)
Sự khác biệt giữa luật con người và luật Thiên Chúa (27/08/2024)
Yêu thương là Tin Mừng cứu độ lúc này (16/08/2024)
Chọn lựa (16/08/2024)
Yêu thương và hy sinh (13/08/2024)
Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời (09/08/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log