Suy tư - Chia sẻ

Lòng thương xót Chúa

Cập nhật lúc 06:48 21/04/2022
Trước hết, khi ta suy niệm về các bài đọc trong Chúa nhật II Phục sinh năm C, ta cùng nhau tìm hiểu đôi nét về gương mặt Đấng mặc khải và gương mặt người nhận ơn mặc khải qua lòng thương xót Chúa. Khởi đi từ năm 1931, Lòng thương xót Chúa đã mặc khải cho nữ thánh Faustina về lòng tôn sùng lòng thương xót Chúa; mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định thiết lập lễ kính lòng thương xót Chúa vào Chúa nhật thứ II sau Phục sinh, khi phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4/2000 và phổ biến Thông điệp đó trên toàn cầu. Tiếp đến, chúng ta cùng sơ lược đôi nét chính qua các bài đọc hôm nay nêu bật những sự kiện con người phải dựa vào để tin vào Thiên Chúa.

Trong bài đọc I trích sách Tông đồ Công vụ, tác giả đã nhấn mạnh đến việc tuy không thấy việc Chúa Giêsu Phục sinh từ ngôi mộ hay nhìn thấy Ngài cách nhãn tiền; nhưng qua lời làm chứng của các Tông đồ và những phép lạ các ông làm, rất nhiều người đã tin vào Ngài.

Trong bài đọc II, trích sách Khải Huyền của thánh Gioan, tác giả ghi chép lại những gì ông đã thấy về những gì sắp xảy ra cho bảy giáo đoàn tại Tiểu Á. Mục đích là để các tín hữu của giáo đoàn xét mình, nhận ra những ưu và khuyết điểm để kịp thời sửa chữa.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, Tông đồ Tôma từ chối không tin vào lời chứng của 10 Tông đồ và ông xác tín ông chỉ tin khi nhìn thấy Chúa Giêsu tận mắt. Chúa Giêsu hiện ra cho ông thấy tận mắt; nhưng khuyến cáo ông: chỉ tin khi thấy là điều tầm thường, nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin.

Sau cùng, nếu ta theo dõi Tin Mừng của Gioan, trong đoạn Tin Mừng (Ga 21, 1-14), Gioan đã thuật lại sự kiện Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ (với số đông) tại bờ biển Tibêria, mà Gioan nói: “Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 21, 14).

Như vậy bài Tin Mừng hôm nay (Ga 20, 19-31) là lần thứ I và thứ II Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ (với số đông) khi không có Tôma và khi có Tôma. Hai lần này cách nhau đúng 8 ngày (1 tuần lễ). Trong đó, lần hiện ra thứ 1 nhằm ngày thứ nhất trong tuần, thì lần thứ 2 cũng xảy ra ngày thứ nhất trong tuần mà là tuần lễ kế tiếp. Chúng ta thường nghe nói đến “Ngày thứ nhất trong tuần”, nó hơi mơ hồ không biết là ngày thứ mấy trong cách tính thời gian bây giờ, vì vậy có lẽ ta nên xác định đôi chút về ngày này. Ở đây “Ngày thứ nhất trong tuần” là ngày sau ngày Sabbath, ngày nghỉ lễ mà sau này lịch Rôma gọi là Dies Solis, ngày của thần Mặt trời, tức ngày Chúa nhật bây giờ.

Thoạt đoạn, khi suy niệm đoạn Tin Mừng (Ga 20, 19-31) Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích Hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.

Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi Phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.

Chúa Kitô Phục sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!

Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục sinh toàn thế giới ca vang: “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thưở” (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con duy trì lòng tin vào Con Mẹ. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, để chúng con được cùng với các thánh hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”, bây giờ và mãi mãi. Amen.
 
Tu sĩ Giuse Nguyễn Thành Long
Thông tin khác:
Đức Mẹ dạy tôi việc quan trọng nhất lúc này là hãy xin Chúa tha tội cho chúng ta (20/04/2022)
Niềm tin và hy vọng phục sinh (15/04/2022)
Đức Mẹ đang khóc, đó là sứ điệp mà Chúa gửi đến Hộ thánh hôm nay (14/04/2022)
Vị vua khiêm nhường (05/04/2022)
Hãy chạy đến với thánh Giuse là đấng hay cứu giúp những kẻ túng nghèo (04/04/2022)
Thiên Chúa đấng giàu lòng thương xót (25/03/2022)
Đức Mẹ tha thiết khuyên dạy các con của Mẹ lúc này: Hãy cầu xin Chúa ban ơn cho biết sửa mình trong lãnh vực yêu thương (24/03/2022)
Cảm nhận Mùa Chay (19/03/2022)
Sám hối để được Thiên Chúa tha thứ (18/03/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log