Suy tư - Chia sẻ

Vị vua khiêm nhường

Cập nhật lúc 06:28 05/04/2022
“Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Đấng nhân danh Chúa mà đến!” Ảnh: CTV
“Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Đấng nhân danh Chúa mà đến!” Ảnh: CTV
Hôm nay, Giáo hội khai mạc Tuần Thánh với Chúa nhật Lễ Lá. Tuần này được gọi là trung tâm điểm của năm phụng vụ. Tin Mừng mở đầu bằng việc thánh Luca mô tả Chúa Giêsu dẫn đầu các môn đệ tiến vào thành Giêrusalem. Ngài không vào thành bằng chiến mã oai vệ như là một biểu tượng của quyền lực, của sức mạnh, nhưng Ngài chỉ cưỡi trên lưng một con lừa. Tin Mừng Mátthêu còn nhấn mạnh: “Là một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Mt 21,5). Một khung cảnh rộn ràng vang dội với những lời tung hô: “Hoan hô con vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến...” Đám đông dân chúng trong thành cũng hòa nhịp cùng các môn đệ mà không ngớt lời chúc tụng, tôn vinh, ca khen Thiên Chúa. Thế nhưng, niềm vui và hân hoan chưa hết dư âm thì bao nhiêu là thất vọng, buồn thương, tan tác đã bao phủ khắp thành với biến cố nhục hình và tử nạn của Chúa Giêsu. Vậy mới nói, hoan lạc trần thế thì chóng qua, vinh quang thế tục thì chóng tàn, thấy đó rồi tan biến đó.

Qua bài thương khó, chúng ta thấy có rất nhiều điểm để bàn tới. Ở đây, người viết chỉ nêu ba hình ảnh để chúng ta suy nghĩ:

Thứ nhất: hình ảnh Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện tổ phụ Ápraham sát tế Isaác. Isaác đã mang trên lưng bó củi để đốt của lễ dâng lên Đức Chúa. Các bó củi này trước đó đã được chất lên lưng lừa. Chúng ta thấy thấp thoáng hình bóng của chú lừa mang lễ vật đi sát tế trong Cựu ước. Hôm nay, hình bóng đó đã thành toàn trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chọn con lừa để ngồi mà không phải là loài khác? Tin Mừng cho chúng ta biết rằng, người Dothái thời bấy giờ họ dùng lừa để vận chuyển những đồ đạt cồng kềnh, nặng nề thay cho sức người. Hình ảnh con lừa rất gần gũi với người lao động nghèo thời Chúa Giêsu. Thiên Chúa luôn dùng những gì là đơn sơ thân quen với con người để dạy dỗ, hướng dẫn con người. Người nào tự cao tự đại thì không thể nào “ở lại” trong Thiên Chúa được.

Thứ hai: hình ảnh bánh và rượu. Mặc dù phải về Trời nhưng Chúa Giêsu không bỏ chúng ta mồ côi, Ngài ở lại với chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã chọn bánh không men và rượu nho để ẩn thân sau khi Ngài về Trời. Vì sao Ngài không chọn loại rượu và thịt đắt tiền để làm Mình và Máu Ngài? Vì hai loại thức ăn và thức uống này, rất thân thiết và bình dân mà nhà nào cũng có thể có được trong vùng đất Do Thái thời bấy giờ. Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra rằng, Ngài không phân biệt sang hèn. Đối với Ngài, ai cũng là con cái của Ngài, chỉ có chúng ta loại trừ Ngài chứ Ngài không bao giờ loại trừ chúng ta. Chúa Giêsu luôn hiện diện trong, hiện diện cùng và hiện diện với bất kỳ ai tin vào Ngài. Ngài không bỏ rơi một ai cả, nhất là những con người bất hạnh hơn hết. Thiên Chúa cao sang, quyền năng không ai bằng và hèn mọn, đau khổ không ai bằng. Vì thế, đừng một phàm nhân nào tự phụ trước mặt Ngài.

Thứ ba: hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh giữa hai tên cướp. Một người vô tội lại bị liệt vào hạng phạm nhân; một Đấng tinh tuyền, chân thật, không tỳ vết lại bị xếp ngang hàng với tử tội; một Đấng khơi nguồn sự sống lại bị loại bỏ ra khỏi sự sống. Quá nghịch lý? Thế nhưng, Chúa Giêsu không một lời nguyền rủa hay ngăm đe những kẻ nhục mạ, hành hạ Ngài. Trái lại, Ngài còn cầu nguyện cho chúng “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết” (Lc 23,34). Đỉnh điểm của lòng thương xót và cũng là niềm hy vọng của chúng ta đó là Chúa Giêsu đã ban thưởng Nước Trời cho tên trộm cướp biết ăn năn. Nhiều người nói đùa với nhau rằng: “Tên trộm lành cướp của giết người, đến cuối cùng ông còn cướp được Nước Trời.” Thật ra, nếu chúng ta xem kỹ lại thái độ của tên trộm lành khi mà ông mắng tên đồng bọn, thì chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh của sự thống hối. Ông ta đã tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa và thú nhận tội lỗi của mình trước mặt Ngài mà rằng: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ sao? Chúng ta chịu hình phạt như vậy là đích đáng vì nó xứng với việc chúng ta đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi ông ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,40-41). Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta từ bỏ con đường tội lỗi của chúng ta, bằng việc thành thật thú nhận những lỗi phạm của mình, thì lập tức Ngài sẽ tha thứ và đón nhận chúng ta trở về làm con của Ngài

Với những điểm trên, Chúa Giêsu muốn nói với thế gian rằng, thế gian đã sai lầm. Các giá trị mà thế gian cho là thấp kém, là tầm thường, là vô giá trị thì đối với Thiên Chúa nó chứa tất cả tình yêu thương vô bờ bến, nó là cả một kho tàng của ơn cứu độ, của lòng thương xót. Những giá trị mà thế gian cho là đáng giá, là cao trọng, là vinh quang thì đối với Thiên Chúa nó chỉ như rơm rác, như cát bụi, như mây khói. Vì thế, chúng ta hãy khiêm tốn xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta nhận ra đâu là giá trị đích thực và vĩnh cửu mà chúng ta phải theo đuổi, đâu là phương tiện mang tính chất trợ giúp mà thôi. Có như thế, chúng ta mới không bị nhầm lẫn giữ phương tiện và cứu cánh trên cuộc lữ hành trần thế này.
 
Tu sĩ Phêrô Trần Tâm
Thông tin khác:
Hãy chạy đến với thánh Giuse là đấng hay cứu giúp những kẻ túng nghèo (04/04/2022)
Thiên Chúa đấng giàu lòng thương xót (25/03/2022)
Đức Mẹ tha thiết khuyên dạy các con của Mẹ lúc này: Hãy cầu xin Chúa ban ơn cho biết sửa mình trong lãnh vực yêu thương (24/03/2022)
Cảm nhận Mùa Chay (19/03/2022)
Sám hối để được Thiên Chúa tha thứ (18/03/2022)
Nhân ngày giỗ cha Phanxicô Trương Bửu Diệp (12/3/2022) Đức Mẹ nói với tôi về hồn thiêng cha Diệp (17/03/2022)
Sám hối để nhận ơn tha thứ và trổ sinh hoa trái (15/03/2022)
Đức Mẹ dạy tôi, lúc này hơn bao giờ hết hãy tập luyện yêu thương từng ngày, từng giờ, từng phút (14/03/2022)
Hãy nghe lời Ngài (08/03/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log