Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! (Ga 8,11). Ảnh: CTV |
Giữa một thời đại văn minh, tiến bộ, dường như lòng con người ngày càng xa cách, đặc biệt đối với những con người nghèo, yếu thế bị thế lực mạnh tấn công, chèn ép, họ không có tiếng nói trong xã hội. Họ bị người khác khinh khi, coi thường, dường như sự xót thương của những con người có địa vị trong xã hội không có, họ chỉ nghỉ làm sao cho giàu có, cuộc sống dư thừa, mà không nghỉ tới những người xung quanh. Vì thế, hôm nay Chúa muốn nhắc nhở với chúng ta rằng, nếu cuộc sống ta biết tôn trọng người khác, thì ta sẽ có một cái nhìn yêu thương dẫn đến những hành động đứng đắn. Từ đó, họ cũng có được niềm hy vọng, niềm vui khi có người khác quan tâm giúp đỡ họ.
Cho nên, khi ta nhìn vào bài đọc thứ nhất, trích sách Isaia ta cảm nhận được, chính ngôn sứ đã cho dân một niềm hy vọng rất lớn mà xưa nay họ từng khao khát. Bởi Thiên Chúa đã muốn cho họ biết được Ngài là Đấng giàu lòng thương xót:
“Này ta sẽ cho nước ngay giữa sa mạc, khơi dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải thoát” (Is 43,20). Tình yêu thương của Chúa thỏa lấp đi nỗi khao khát của dân, chính Ngài đã đưa dân từ lưu đày ở Babylon được trở về quê cha đất tổ. Qua đó, Thiên Chúa tỏ lộ cho dân tình thương của một người Cha đối với đứa con, yêu thương chăm sóc cho đến cùng
Tiếp đến, bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu từ chối việc kết án người đàn bà phạm tội ngoại tình, để nói lên lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa trong việc xét đoán tội nhân. Câu chuyện này tiêu biểu cho những thái độ đạo đức giả, của những tín đồ Do Thái cuồng tín chỉ biết lấy cái xấu, cái ác, để bôi nhỏ thanh danh, áp đặt lên người khác. Thực ra, mưu đồ của họ không chỉ tố cao người phụ nữ đáng thương, chân yếu tay mềm, nhưng chủ yếu là giăng bẫy cho Chúa, khi họ đặt câu hỏi rất là hay:
“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó, còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,4-5). Một câu hỏi phải nói rất khó xử, nó hàm ý hai yếu tố, thứ nhất khiêu khích Chúa Giêsu chống lại luật Môsê, thứ hai không có công nhận về giáo lý đặc biệt tới lòng nhân từ của Người
Con cái thế gian thì sao qua được Thiên Chúa, chính Ngài đã phá vỡ cảm bẫy của họ bằng một cử chỉ rất đơn giản:
“Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,6). Và kèm theo một lời nói rất đầy cảm thông và khôn ngoan:
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7). Tác giả Kinh Thánh rất khôn khéo ghi lại một chi tiết rất quan trọng:
“Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ đang đứng ở giữa” (Ga 8, 9).
Qua đó, chúng ta thấy được, lòng xót thương vô bờ bến của Chúa, là ánh sáng chân lý vạch trần đạo đức giả của con người, vì thế mà họ dần dần rút lui phiên tòa trở nên trống rỗng, vắng lặng, chỉ còn có tội nhân và Chúa Giêsu. Chính ngài đã cứu người phụ nữ ngoại tình thoát chết và làm cho những người biệt phái cùng kinh sư trở nên khiêm tốn, nhận biết mình là tội nhân. Khi những người biệt phái và kinh sư bỏ đi không ném đá nữa, họ đã nhận ra được chính mình. Và Chúa nói với chị: “Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị đâu! Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Từ một câu nói của Chúa, một cuộc đời mới đã khai mở với người phụ nữ này, chị tạ ơn Chúa đã cứu chị, chị bắt đầu một cuộc sống mới trong niềm tin vào Thiên Chúa và vào con Người. Một khi được gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta trở nên nhân hậu hơn, biết chấp nhận chính mình và tha thứ cho người khác.
“Không ai có quyền tha tội trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7). Không ai có thể giao hòa con người với Thiên Chúa, nếu không phải là chính Thiên Chúa giao hòa với con người, ta hãy đồng thanh tạ ơn Chúa đã làm những điều kỳ diệu cho con người. Cho nên, trong tâm tình sám hối của cuối tuần Mùa Chay, Giáo hội muốn dùng bài Tin Mừng hôm nay để đánh động niềm hy vọng và lòng trông cậy của chúng ta, là những người đang sống trong sự xa cách của Chúa, biết thực tình sám hối quay về với Thiên Chúa để sống đời hoàn thiện trong tình yêu thương của Ngài. Cho nên, Niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh, đã làm cho Phaolô thành con người mới, thành người công chính không cậy dựa vào sức riêng mình nhằm chu toàn lề luật nhưng nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô. Nhận thức rõ Thiên Chúa làm tất cả trong Đức Giêsu Phục sinh, thánh Phaolô đã miệt mài rao giảng Tin Mừng: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Đức Giêsu Phục sinh thật sự là tin mừng cho tất cả mọi người. Tin nhận Đức Giêsu Phục sinh, là tin Thiên Chúa đang hoạt động và yêu thương con người vô cùng, là có thể phó thác trọn vẹn đời mình trong tay Thiên Chúa tình yêu, là có thể sống an bình hạnh phúc.