Suy tư - Chia sẻ

Niềm tin và hy vọng phục sinh

Cập nhật lúc 07:28 15/04/2022
 
“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,1-2). Ảnh: CTV
“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,1-2). Ảnh: CTV

Người ta vẫn thường cho rằng, niềm tin gắn liền với niềm hi vọng vì khi tin vào một điều gì, chúng ta cũng đặt cược niềm hi vọng sẽ thực hiện được điều đó. Đức Giêsu đã Phục sinh. Đó là niềm vui của chúng ta. Còn hơn thế nữa, đó là đức tin của chúng ta, đó là niềm hy vọng của chúng ta và sức sống mãnh liệt cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Trong Lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những dữ kiện cho thấy Đức Giêsu đã sống lại thực và từ đó cùng khám phá niềm hy vọng của chúng ta vào sự Phục sinh của Ngài.

Tin Mừng Gioan thuật lại sự việc vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối bà Maria Macđala đi ra thăm mộ Chúa, nhưng khi ra tới mộ, bà thấy tảng đá lấp cửa mộ đã bị lăn ra và xác của Thầy không còn ở đó nữa. Ngay lúc đó bà vội vàng chạy về báo cho “ông Simon Phêrô và người Môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Nghe tin hai ông lập tức cùng chạy ra mộ. Trong đoạn Tin Mừng này, thánh sử Gioan diễn tả hành động “chạy” của cả ba nhân vật: Maria Macđala chạy báo tin cho hai môn đệ. Hai môn đệ khi hay tin cũng cùng chạy nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn nên ra mộ trước. Họ “chạy” để làm gì? Đây phải chăng là cuộc hành trình của đức tin. Họ đang muốn tìm một ánh sáng của niềm tin, niềm hi vọng vào Thầy. Họ đã sống trong những giờ phút sợ hãi, thất vọng khi Thầy mình bị quân dữ đem đi đóng đinh. Niềm tin của họ đang bị chơi vơi không biết sẽ đi về đâu khi không còn được ở cùng Thầy. Chính khi niềm tin đặt vào thử thách thì niềm hi vọng của trong họ cũng chơi vơi. Thế rồi, sự kiện ngôi mộ trống xảy đến, những bước chân vội vã mang theo niềm tin và khơi dậy lên một tín hiệu, làm lóe lên một tia sáng hi vọng về sự Phục sinh của Đức Giêsu.

Tin Mừng cũng cho chúng ta nhìn nhận thấy thái độ và cảm nhận đức tin của các nhân vật được diễn trong cùng một bối cảnh. Trước hết, đối với bà Maria Macđala, chúng ta thấy thái độ của bà không giống các tông đồ co cụm trong căn nhà đóng kín. Ðược tình yêu thôi thúc, bà không chút sợ hãi mà can đảm đi ra mộ Chúa lúc trời còn tối. Ðức tin trước khi là sự chấp nhận của lý trí, đã là hành động của con tim. Bà không ngồi yên trong nhà nhưng đi ra. Cũng vậy, đức tin không tự nhiên đến với người thúc thủ an phận, mà đòi sự cộng tác của con người, đi ra từ chính mình.

Đối với Phêrô, khi ông nhìn thấy ngôi mộ trống liền chạy ngay vào bên trong hang để xem cho tường tận. Không thấy xác Thầy đâu mà chỉ thấy những băng vải và khăn che đầu của Đức Giêsu được xếp ngăn nắp, gọn gàng để riêng ra một chỗ. Trước sự kiện này, thánh sử Gioan không cho thấy thái độ và nhận định ra sao của Phêrô. Phêrô im lặng. Có lẽ lúc này lý trí của ông đang làm việc, phân định sự kiện. Ông chưa nhận ra những gì Thầy của mình đã nói về sự sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng vào chiều hôm đó, khi được tận mắt thấy Chúa hiện ra, thấy các vết thương nơi tay chân Thầy, được lời Thầy thuyết phục: “Chính Thầy đây. Ma đâu có xương có thịt như các con thấy Thầy có đây” (Lc 24,36-38). Bấy giờ Phêrô đã thật sự tin Đức Giêsu đã sống lại. Niềm tin của ông cũng được diễn tả ngay trong sách Công vụ Tông đồ. Khi tin nhận vào sự Phục sinh của Thầy mình, Phêrô đã không còn nỗi sợ hãi vì sự bắt bớ của người Do thái nữa nhưng can đảm đi rao giảng và làm chứng rằng chính Đức Giêsu đã từ cõi chết sống lại và “chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết”

Nếu như Phêrô chỉ vận dụng lý trí để nhìn nhận sự kiện trong ngôi mộ trống, điều này không đủ để ông đón nhận niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu thì Gioan đã bị thôi thúc không chỉ bằng lý trí nhưng bằng cả lòng mến. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, Gioan chính là môn đệ “được Chúa yêu” và “yêu Chúa”, được tựa đầu vào lòng Chúa trong bữa Tiệc Ly. Ðiểm nổi bật nơi Gioan không phải lý trí cho bằng lòng mến đã giúp ông tin. Qua đó, Tin Mừng cho thấy sau khi để Phêrô vào trước, Gioan mới đi vào sau, ông cũng nhận thấy những dự kiện như Phêrô thấy nhưng ngay lúc đó “ông đã thấy và đã tin” Ông đã thấy gì? Thấy các dấu chỉ lạ lùng của ngôi mộ trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Những dữ kiện này có lẽ đã gợi nhớ trong ông sự kiện Đức Giêsu đã từng cho anh Lazarô chết chôn trong mồ sống lại và trên thân mình vẫn còn quấn các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Với con tim nhạy bén vì lòng mến Chúa, Gioan nhớ lại bao lần Thầy đã nói về sự sống lại của Ngài. Từ đây, ông tin rằng Chúa đã sống lại thật.

Vâng, Chúa đã sống lại, Alleluia, chính niềm tin Phục sinh đã mở toang “cánh cửa đức tin” và thắp sáng niềm hi vọng trong lòng các Tông đồ, giúp các ngài sống đầy hiên ngang, mạnh mẽ, xác quyết và sẵn sàng chết đi cho điều mình rao giảng để được hưởng niềm vinh quang cùng với Chúa.

Đối với người Kitô hữu hôm nay cũng thế, Đức Giêsu Phục sinh là mầu nhiệm trung tâm điểm của đời sống đức tin. Biến cố Phục sinh là biểu hiện cuối cùng của tình yêu thương của Thiên Chúa đã biến đổi mọi thứ. Ngài đã chiến thắng tử thần và mở cửa Thiên đàng cho con người bước vào. Đức Kitô Phục sinh còn là nguồn hy vọng của sự sống mới khi Ngài đã chiến thắng sự chết và tội lỗi để đưa con người trở về làm con Thiên Chúa như lời thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ “phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”
 
Tu sĩ Giuse Phạm Công Tú
Thông tin khác:
Đức Mẹ đang khóc, đó là sứ điệp mà Chúa gửi đến Hộ thánh hôm nay (14/04/2022)
Vị vua khiêm nhường (05/04/2022)
Hãy chạy đến với thánh Giuse là đấng hay cứu giúp những kẻ túng nghèo (04/04/2022)
Thiên Chúa đấng giàu lòng thương xót (25/03/2022)
Đức Mẹ tha thiết khuyên dạy các con của Mẹ lúc này: Hãy cầu xin Chúa ban ơn cho biết sửa mình trong lãnh vực yêu thương (24/03/2022)
Cảm nhận Mùa Chay (19/03/2022)
Sám hối để được Thiên Chúa tha thứ (18/03/2022)
Nhân ngày giỗ cha Phanxicô Trương Bửu Diệp (12/3/2022) Đức Mẹ nói với tôi về hồn thiêng cha Diệp (17/03/2022)
Sám hối để nhận ơn tha thứ và trổ sinh hoa trái (15/03/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log