Suy tư - Chia sẻ

Lòng thương xót của Chúa Giêsu

Cập nhật lúc 14:22 06/04/2023
Chúa nhật Phục sinh II, năm A; Bài đọc 1: Cv 2, 42-47; Bài đọc 2: 1Pr 1, 3-9; Tin Mừng: Ga 20, 19-31
Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.
Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.
Chúa nhật thứ hai Phục sinh, được gọi Chúa nhật của Lòng Thương Xót, Mẹ Giáo hội muốn nhắc cho con cái chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng từ bi, giàu tình thương đối với những ai chạy đến nương tựa Ngài. Nhân dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4/2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa nhật tiếp liền sau Đại lễ Phục sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót, kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn của mọi ân sủng. Cho nên, truyền thống Giáo hội coi đây là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi con người cảm nhận được sự tha thứ do chính Lòng Thương Xót của Chúa.
Vì vậy, diễn tiến bài đọc thứ nhất trích sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta cảm nhận được một lối giải thích mới, nhưng cùng một nội dung trong Tông thư “Dung mạo Lòng Thương Xót - Misericordiae vultus” công bố ngày 11/4/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tất cả mọi hoạt động của Giáo hội cần phải được thấm đậm sự dịu dàng và không một chứng từ nào của Giáo hội trước thế giới lại vắng bóng Lòng Thương Xót”. Tiếp đến, Đức Thánh Cha cũng nói đến sứ mạng của Giáo hội là loan báo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, ngài nhắn nhủ Giáo hội hãy đảm nhận trách vụ “vui mừng loan báo sự tha thứ”, “là sức mạnh làm tái sinh vào cuộc sống mới và mang lại can đảm để hướng nhìn về tương lai trong niềm hy vọng”. 
Khi Giáo hội đáp ứng được lời mời gọi đó của Đức Thánh Cha Phanxicô, thì Giáo hội lúc này không còn èo uột, không còn thiếu sức sống. Nhưng thay vào đó là một Giáo hội sống động của Đấng Phục sinh, giống như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44). Tất cả mọi người thực thi Lòng Thương Xót, một chứng từ khả tín của cộng đoàn Kitô hữu, nhờ đó mọi người không phân biệt tôn giáo hay không tôn giáo nhận ra lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan cho chúng ta thấy được những chi tiết của Lòng Thương Xót Chúa như: cử chỉ trao bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang sợ hãi trở nên những tác viên loan báo Tin Mừng. Nhưng điểm quan trọng nhất, khi Chúa đưa đôi tay còn dấu đinh và cạnh sườn còn mang dấu tích vì mũi đòng đâm thâu của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con! Như Cha sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,21-23). Chúa trao phó cho các môn đệ nói riêng và mọi người chúng ta nói chung hồng ân tha thứ, diễn tả Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa, phát xuất từ những vết thương từ đôi bàn tay, đôi bàn chân và nhất là từ cạnh sườn bị đâm thâu.
Hình ảnh cho chúng ta thấy được những vết thương của Chúa khi chịu khổ hình, cũng như lúc Chúa Phục sinh không mất đi. Qua đó, nhắc nhở chúng ta từng ngày sống biết bỏ đi cái tôi hẹp hòi ích kỷ, biết bỏ đi những tội lỗi phạm mất lòng Chúa và đặc biệt biết tha thứ cho người đồng loại, để vơi đi những đau đớn nơi dấu đinh của Chúa đã chịu. Từ đó, để lòng xót thương của Chúa được lan rộng ra khắp cùng cõi đất, để ai cũng đón nhận một làn sóng tình thương, nhân từ đổ xuống trên tất cả mọi người chúng ta.
Qua Chúa nhật Lòng Thương Xót, Giáo hội lặp lại câu Thánh vịnh mà suốt cả tuần Bát nhật Phục sinh toàn thế giới ca vang: “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở” (Tv 117,1). Lòng từ bi của Chúa muôn đời muôn thuở, cho tới ngày nay chúng ta đang thừa hưởng lòng từ bi đó qua các bí tích, đặc biệt Bí tích hòa giải. Thế giới hôm nay đang bao trùm bởi tiền tài, danh vọng con người hôm nay phải chăng thiếu vắng lòng nhân hậu đối với nhau?
Ước gì qua Chúa nhật Lòng Thương Xót, con người hôm nay biết thay đổi tận căn con người của mình, biết giúp đỡ những người nghèo khổ, đi tới những nơi họ chưa nhận biết Tin Mừng để loan truyền một Thiên Chúa luôn yêu thương, quan phòng, tha thứ… Nếu được như thế con người sẽ xích lại gần nhau, không còn chiến tranh, hận thù, ghen ghét, bạo lực, giết người, từ đó Lòng Thương Xót của Chúa giúp cho mọi người được sống trong bình yên, thái bình, thịnh trị mà thánh Phêrô nhắc tới trong thư của ngài: “Thiên Chúa cho ta được tái sinh để lãnh nhận niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (x.1Pr 1, 3-4).
Tu sĩ Gioan Kim Nguyễn Hoàng Thế Hân
Thông tin khác:
Cuộc đời là một chuỗi dài cảm tạ ơn Chúa (06/04/2023)
Tôi cũng nhận được rất nhiều lời động viên và những lời cầu nguyện,… giúp cho tôi bớt lo âu và dần dần an tâm tiến bước... (06/04/2023)
Đã thấy và đã tin (06/04/2023)
Hạnh phúc vì được làm con Đức Mẹ (06/04/2023)
Sống theo thánh Giuse (24/03/2023)
Ánh sáng của cõi lòng (16/03/2023)
Niềm tin vào sự sống mai sau (16/03/2023)
Đức Giêsu - Nước hằng sống cho nhân loại (03/03/2023)
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ khai mạc Mùa Chay 2023 (25/02/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log