Thánh nhân là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Thánh ký Marcô sống cùng thời với Đức Chúa Giêsu. Mặc dù không ở trong số mười hai tông đồ nhưng thánh Marcô là một môn đệ đã từng nghe Chúa Giêsu giảng dạy và đi theo Người. Marcô còn có quan hệ họ hàng với thánh Barnaba tông đồ. Một số sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Ðức Kitô bị bắt ở Giệtsimani: “Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Mc 14,51-52).
Sau khi Chúa Giêsu về trời, Thánh Marcô trở thành môn đệ đi theo thánh Phêrô sang tới Rôma giảng dạy về đạo Chúa: Thánh Phêrô gọi thánh Marcô là “con” Một số người cho rằng thánh Phêrô có ý nói là ngài đã rửa tội cho Marcô. “Hội Thánh ở Babylon cũng được chọn như anh em, và Marcô con tôi, gởi lời chào anh em”( 1Pr 5,13). Marcô cũng còn được gọi là Gioan-Marcô:” Ý thức được như vậy, ông đi đến nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Marcô; ở đó có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện”( Cv 12,12). Ngài có lòng hăng say rao truyền đạo Chúa cách nhiệt thành.
Trên hành trình rao giảng Tin Mừng, cần có một tài liệu ghi chép cách đầy đủ cuộc đời, những lời rao giảng và sứ vụ của Chúa Cứu Thế. Dựa theo những lời rao giảng của Tông đồ trưởng Phêrô, thánh Marcô đã ghi chép một cuốn sách về cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu. Phúc âm của thánh Marcô tuy ngắn gọn nhưng cung cấp nhiều chi tiết nhỏ mà chúng ta không thấy có trong các sách Phúc âm khác.
Với sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, đó đã trở nên cuốn sách Tin Mừng thứ hai cho Giáo hội Công giáo qua mọi thời đại. Là cuốn sách Tin Mừng đầu tiên và ngắn nhất trong bốn sách Tin Mừng, Tin Mừng theo thánh Marcô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Phúc Âm Thánh Máccô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rôma -- sau cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô khoảng giữa thập niên 60 và 70.
Thánh Marcô tiếp tục sứ vụ truyền giáo ở bên Ai Cập, đưa nhiều người trở về với Thiên Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường Saint Marco, cho rằng Thánh Marcô là quan thầy của thành phố này; một vương cung thánh đường vĩ đại ở đây được coi là nơi chôn cất thánh nhân.
Chúa phán: Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị bách hại, bị vu không đủ điều xấu xa, nhưng hãy vui lên vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Thánh Marcô cũng gặp nhiều chống đối và bắt bớ. Những người Ai cập đã bắt, tống ngục và bách hại ngài. Họ điệu ngài qua các con phố và lôi ngài trên những đường đá gồ ghề cho tới chết. Cuộc tử đạo của thánh Marcô diễn ra vào ngày 25 tháng 4 năm 67.
Nhờ ơn Chúa, Thánh Marcô đã để lại cho chúng ta một tài sản vô giá qua muôn thế hệ, là chính sách Tin Mừng, thường được mang tên ngài. Đọc Tin mừng của ngài, chúng ta càng xác tín vào một Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa đã nhập thể trong dòng chảy của lịch sử cứu độ của con người và nhân loại hôm nay và mãi mãi.