Suy tư - Chia sẻ

Sám hối để nhận ơn tha thứ và trổ sinh hoa trái

Cập nhật lúc 06:07 15/03/2022
Sám hối để góp phần canh tân thế giới. Ảnh: CTV
Sám hối để góp phần canh tân thế giới. Ảnh: CTV
Ngay từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi sống ơn gọi Kitô hữu, là được làm con cái Thiên Chúa, được tháp nhập vào Giáo hội và được tham dự vào sứ vụ của Giáo hội. Đó là căn tính của đời sống người Kitô hữu mà Lời Chúa của Chúa nhật III Mùa Chay nói đến hôm nay. Căn tính đó nhắc nhở chúng ta sự cao trọng của ơn gọi Kitô hữu mà chúng ta được lãnh nhận khi chịu phép Rửa. Đồng thời, cũng nhắc nhở chúng ta ân huệ được tháp nhập vào Giáo hội, cùng mệnh lệnh tham gia vào sứ vụ của Giáo hội là trổ sinh hoa trái trong đời sống Kitô hữu của mình. Để sống ân huệ và thực hiện mệnh lệnh đó, Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta phải sám hối trở về với Thiên Chúa để nhận ơn tha thứ. Nhờ vậy mà đời sống chúng ta trổ sinh nhiều hoa trái như lòng Chúa ước mong.

Ơn gọi Kitô hữu

Bài đọc 1 sách Xuất Hành cho chúng ta thấy sự cao trọng của ơn gọi qua trình thuật Thiên Chúa gọi ông Môsê. Từ núi Khôrép, núi của Đức Chúa, thiên sứ đã hiện ra và gọi Môsê (x. Xh 3,2-4) và ông đã đáp lại lời Đức Chúa cách khiêm tốn (x. Xh 3,5-6). Thiên Chúa mặc khải cho ông biết Ngài là Thiên Chúa hằng sống, thánh thiện và siêu việt. Hình ảnh ngọn lửa bốc cháy và bụi gai không bị thiêu rụi cho thấy rằng để nhìn thấy Thiên Chúa, tới gần Thiên Chúa thì con người cần phải thanh luyện. Nhờ vậy, ông Môsê đã khiêm tốn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, đã lãnh nhận sứ vụ của Thiên Chúa và được Thiên Chúa mặc khải Danh của Ngài.

Khi nói về ơn gọi, nhiều người ngày nay vẫn nghĩ đến ơn gọi linh mục, tu sĩ, những người sống đời thánh hiến... Tuy nhiên, hiểu một cách rộng hơn, mỗi người chúng ta khi lãnh bí tích Rửa tội chúng ta đều được mời gọi sống ơn gọi Kitô hữu của mình, nghĩa là được làm con cái Thiên Chúa, được tháp nhập vào Giáo hội và tham dự vào sứ vụ của Giáo hội. Ý thức được sự cao trọng trong ơn gọi của mình, chúng ta sẽ ý thức đời sống mình hơn.

Sám hối để lãnh nhận ơn tha thứ

Tin Mừng của Chúa nhật III Mùa Chay hôm nay, tác giả Luca trình thuật cho chúng ta thấy hai câu chuyện của Đức Giêsu và những người đến chất vấn người. Đức Giêsu nói về hai biến cố mang tính thời sự xảy ra trước đó không lâu, một do sự tàn ác của Philatô, một do tai nạn lao động. Cả hai đều dẫn đến cái chết thảm khốc: những người Galilê bị đổ máu ngay lúc dâng lễ ở Đền thờ, mười tám người chết vì bị tháp Silôa đè bẹp. Theo quan niệm xưa, người ta coi đó là hình phạt mà Thiên Chúa giáng xuống người tội lỗi và những ai thoát nạn thì được coi là công chính. Điều này đưa đến sự tự hào và sự an toàn giả tạo của những người còn sống. Đức Giêsu đã lên án cách hiểu sai lệch này, đồng thời cảnh báo cho họ rằng mọi người đều có tội, đều phải sám hối.

Căn tính của con người là thụ tạo yếu đuổi, mỏng dòn, khuyết phạm. Chính vì thế, chúng ta luôn phải sám hối và trở về với Thiên Chúa để được đón nhận ơn tha thứ. Bao lâu con người còn nhận ra thân phận yếu đuối của mình, bấy lâu con người cần phải sám hối. Sám hối ngay cả khi chúng ta đang ở trong tình trạng bình thường và yên bình nhất vì không ai biết được sự sống đời mình kéo dài đến khi nào. Sám hối không phải là hành vi của kẻ nhu nhược, sợ hãi mà là nhân đức tỏ lộ sự khiêm tốn của con người.

Hình ảnh cây vả trong dụ ngôn Đức Giêsu kể nhắc nhở chúng ta rằng, đôi khi chúng ta sống đạo trong vỏ bọc của sự an toàn, thậm chỉ là sống một cách hời hợt. Sống đạo theo kiểu “tôi không phạm tội gì trọng, không làm hại ai, không liên lụy đến ai”. Tuy nhiên, ơn gọi người Kitô hữu không chỉ dừng lại ở việc tránh điều dữ, nhưng còn đòi hỏi phải làm điều lành. Hay nói cách cụ thể hơn là chúng ta phải tham dự vào sứ vụ của Giáo hội là trổ sinh hoa trái trong đời sống đạo như Chúa Giêsu đòi hỏi cây vả trong dụ ngôn phải đơm hoa kết trái (x. Lc 13,6-7).

Trổ sinh hoa trái

Dụ ngôn cây vả trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cây vả đã được trồng trong vườn nho được một khoảng thời gian nhất định nhưng không trổ sinh hoa trái. Tác giả Luca không nhắc đến tình trạng tiêu cực cây vả gây ra, nhưng lại nhắc đến tình trạng thiếu tích cực là không sinh hoa trái. Hay nói cách khác là cây vả đang sống trong tình trang bình thường và an toàn: không gây hại cho nho, cũng cũng cản trở gì. Tuy nhiên, điều quan trọng làm nên giá trị của cây vả là hoa trái thì lại không có. Chính vì thế, ông chủ vườn nho đã ra lệnh chặt đi đỡ hại đất (x. Lc 13,6-7). May thay, người làm vườn vẫn còn kiên nhẫn bón phân, vun xới và chờ đợi (x. Lc 13,8-9).

Đời sống đạo của chúng ta ngày nay đôi khi cũng giống như những người theo quan niệm xưa hay như cây vả trong vườn nho kia. Đứng trước nỗi bất hạnh của người khác đôi khi chúng ta không đến an ủi sẻ chia mà thay vào đó là đi tìm nguyên nhân của bất hạnh, thậm chí cho mình quyền phán xét “chắc do tội lỗi của họ”. Lời Chúa của Chúa nhật III Mùa Chay hôm nay một lần nữa nhắc nhở chúng ta ý thức sự yếu đuối của mình mà ăn năn sám hối để được Thiên Chúa tha thứ. Thiên Chúa giống như người thợ làm vườn nho trong dụ ngôn, Ngài vẫn kiên nhẫn, vẫn chăm sóc vun xới chúng ta qua Giáo hội, qua các bí tích... Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được sự cao trọng ơn gọi Kitô hữu của mình và làm cho ơn gọi ấy trở nên sinh động và thu hoạch được nhiều hoa trái, đặc biệt trong Mùa Chay thánh này.
 
Tu sĩ Phêrô Trần Thanh Sơn
Thông tin khác:
Đức Mẹ dạy tôi, lúc này hơn bao giờ hết hãy tập luyện yêu thương từng ngày, từng giờ, từng phút (14/03/2022)
Hãy nghe lời Ngài (08/03/2022)
Lúc này hơn bao giờ hết Đức Mẹ khuyên tôi hãy cảm tạ Chúa vì muôn vàn hồng ân Chúa đã ban cho tôi (07/03/2022)
Cầu nguyện để vượt thắng cám dỗ (04/03/2022)
Đức Mẹ dạy tôi lúc này hơn bao giờ hết: Hãy sống lời Chúa dạy (03/03/2022)
Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan (01/03/2022)
Tại Lộ Đức, Đức Mẹ ban cho tôi ơn trở về với Chúa (01/03/2022)
Tha thứ cho "kẻ thù" (28/02/2022)
Đức Mẹ khuyên tôi: Hãy vững vàng gắn bó với Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất (28/02/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log